Đổi mới công tác quản lý nhà nước với giáo dục nghề nghiệp

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 8/2020

Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa cùng với những tác động từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ tác động tới giáo dục nghề nghiệp, đòi hỏi cần có những đổi mới trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bài viết phân tích công tác quản lý nhà nước với giáo dục nghề nghiệp hiện nay và đề xuất các giải pháp đổi mới quản lý nhà nước với giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng với bối cảnh mới.

Quản lý nhà nước với giáo dục nghề nghiệp hiện nay

Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã từng bước đổi mới, phát huy được vai trò tiên phong của GDNN trên chặng đường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, hòa nhập sâu rộng với mạng lưới nhân lực khu vực và quốc tế.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội ban hành các Luật, Nghị quyết trong lĩnh vực GDNN và các lĩnh vực có liên quan, gần đây nhất là Luật GDNN, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động GDNN trên phạm vi cả nước. Thực hiện chức năng quản lý thuộc thẩm quyền, Chính phủ cũng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Luật GDNN.

Từ năm 2014 đến nay, Chính phủ đã ban hành 5 nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 8 quyết định có liên quan đến GDNN, trong đó có Quyết định số 1981/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 về “Phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân”  và Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 về “Phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam”.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo chức năng quản lý đã ban hành 45 quyết định, thông tư và các văn bản khác điều hành, hướng dẫn các các hoạt động GDNN trong giai đoạn 2014-2018. Ngoài ra, các bộ, ngành có liên quan, các địa phương cũng đã ban hành nhiều văn bản điều hành, quản lý về GDNN trong phạm vi ngành, địa bàn quản lý. Những văn bản pháp luật này đã tạo cơ sở quan trọng để triển khai Luật GDNN trong thực tiễn.

Nhờ ban hành kịp thời và triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, hệ thống GDNN ngày càng phát triển; chất lượng đào tạo nghề nghiệp dần được cải thiện, đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu sử dụng nhân lực qua đào tạo của các doanh nghiệp và thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về GDNN hiện nay còn bộc lộ một số tồn tại, chưa đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh mới. Sự phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn khá hạn chế, một số địa phương vẫn có sự chồng chéo về quản lý giữa hai ngành Lao động - Thương binh và Xã hội với Giáo dục Đào tạo. Điều này dẫn đến tình trạng không thống nhất và khó kiểm soát, cản trở các hoạt động đào tạo của các cơ sở GDNN, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cả hệ thống GDNN...

Xu thế hội nhập và toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động. Thị trường lao động sẽ bị thách thức nghiêm trọng giữa chất lượng cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động. Khi tự động hóa thay thế con người trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, người lao động phải thích ứng nhanh với sự thay đổi của sản xuất để tránh bị dư thừa, thất nghiệp.

GDNN cần đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương trách nhiệm đào tạo nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh. Cùng với đó, tác động và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi các hoạt động quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về GDNN nói riêng phải thay đổi để thích ứng.

Đổi mới công tác quản lý nhà nước với giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh mới

Để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cơ quan quản lý nhà nước cần triển khai các nhóm giải pháp đồng bộ nhằm đổi mới công tác quản lý nhà nước với GDNN, cụ thể:

Một là, phân định rõ công tác quản lý nhà nước với quản trị của cơ sở GDNN. Phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan quản lý GDNN địa phương theo hướng chuyển dần vai trò từ chỉ đạo, kiểm soát chặt chẽ sang giao quyền, hỗ trợ và giám sát. Thực sự thực hiện mô hình quản lý lấy nhà trường làm cơ sở. Xác lập vai trò thực chất của Hội đồng trường là đại diện chủ sở hữu, đại diện giải trình.

Hai là, tiếp tục rà soát về cơ chế, chính sách để trao quyền tự chủ hoàn toàn cho các cơ sở GDNN, gắn với trách nhiệm giải trình và sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước và xã hội. Quan điểm của Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới giáo dục đào tạo cũng đã nêu rõ vấn đề tự chủ các cơ sở giáo dục đào đạo, nhất là đối với giáo dục đại học và GDNN hướng tới mục tiêu, bình đẳng giữa trường công và trường tư trong hoạt động đào tạo; hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện mô hình quản trị nhà trường trong môi trường tự chủ. Nhà nước sẽ chuyển từ kiểm soát chi tiết sang chỉ đạo và giám sát.

Ba là, quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo (đa ngành, chuyên ngành), vùng miền, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng; tập trung nguồn lực đầu tư một số cơ sở GDNN chất lượng cao, ngành, nghề trọng điểm đã được quy hoạch theo các cấp độ (quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia) và các cơ sở GDNN chuyên ngành, các nhóm đối tượng đặc thù. Khuyến khích thành lập mới cơ sở GDNN tư thục, cơ sở GDNN của doanh nghiệp và có vốn đầu tư nước ngoài.

Bốn là, tăng cường dân chủ hóa trong GDNN, xây dựng cơ chế thu thập và xử lý thông tin phản hồi trong quản lý về GDNN. Thực hiện cơ chế người học, xã hội đánh giá hoạt động GDNN; các cơ sở GDNN đánh giá cơ quan quản lý nhà nước về GDNN. Thiết lập cơ chế đo lường mức độ hài lòng của người dân với sự phục vụ của các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở GDNN. Phát triển hệ thống thông tin trong quản lý nhà nước về GDNN. Tăng cường công tác thông tin trong hoạt động GDNN và thị trường lao động; công tác dự báo về GDNN và nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội; gắn công tác giáo dục hướng nghiệp với nhu cầu của thị trường và người học.

Năm là, đẩy mạnh phân cấp đi đôi với tăng cường kỷ cương trong quản lý GDNN, nâng cao năng lực của bộ máy quản lý GDNN các cấp; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh, kịp thời các sai phạm trong hoạt động GDNN.

 

Tài liệu tham khảo:
1. Vũ Xuân Hùng (2018), Đổi mới QLNN về GDNN theo định hướng TTLĐ và HNQT, Đề tài KH cấp Bộ;
2. Mạc Văn Tiến (2012), Đổi mới căn bản, toàn diện GDNN trong giai đoạn mới, Đề tài khoa học cấp Bộ;
3. ThS. Phạm Thị Thu Hiền, http://consosukien.vn/doi-moi-va-nang-cao-chatluong-giao-duc-nghe-nghiep.htm;
4. Mạc Văn Tiến, https://gdnn.edu.vn/giao-duc-nghe-nghiep/doi-moi-quanly-nha-nuoc-quan-tri-doi-voi-co-so-giao-duc-nghe-nghiep-202.html;
5. Thu Phương, http://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=44678.