Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tài chính

Thùy Linh

Chiều 19/4, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị pháp chế ngành Tài chính năm 2023 nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính.

Toàn cảnh Hội nghị pháp chế ngành Tài chính năm 2023.
Toàn cảnh Hội nghị pháp chế ngành Tài chính năm 2023.

Bám sát Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hoàng Thái Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho biết, những năm qua, pháp chế tài chính đã có nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện thể chế tài chính. Tuy nhiên, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính cũng đã bộc lộ không ít hạn chế, vướng mắc nhất định, nhất là giai đoạn khó khăn do đại dịch COVID-19 gây nên.

Theo Vụ trưởng Hoàng Thái Sơn, Hội nghị pháp chế ngành Tài chính quy tụ tất cả những người làm công tác pháp chế của toàn Ngành. Đây là dịp để cùng nhìn lại những kết quả đạt được, đồng thời, là dịp để nhìn nhận lại những khó khăn, vướng mắc để cùng trao đổi, tháo gỡ trong thời gian tới. Sau hội nghị, Vụ Pháp chế sẽ tiếp thu và xây dựng báo cáo trình Bộ, trình các cấp có thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hoàng Thái Sơn phát biểu tại Hội nghị.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hoàng Thái Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Báo cáo kết quả triển khai công tác năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, bà Hồ Thị Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, trong thời gian qua, công tác pháp chế tài chính đã có những đóng góp quan trọng cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế tài chính, qua đó đã đạt được những kết quả tích cực, vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh; vừa chủ động ngăn ngừa suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, cũng đã tiếp cận nhanh với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày sâu rộng, thúc đẩy hiện đại hóa quản lý tài chính, đảm bảo yêu cầu về cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), trong thời gian qua, công tác xây dựng này đã được Lãnh đạo Bộ Tài chính quan tâm, chỉ đạo sát sao, xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, luôn được quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện. Theo đó, đã hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn về quy trình, thủ tục xây dựng văn bản QPPL tài chính để các đơn vị thuộc Bộ thực hiện đồng bộ, thống nhất trong ngành Tài chính, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và đặc thù của Ngành.

Về việc lập, đôn đốc, theo dõi Chương trình xây dựng văn bản QPPL, theo đại diện Vụ Pháp chế, nhìn chung, công tác lập chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản QPPL của Bộ Tài chính đã bám sát với các chủ trương, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính và Lãnh đạo Bộ Tài chính. Nội dung chương trình/kế hoạch đều nêu rõ nhiệm vụ, sản phẩm đầu ra và phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng đơn vị chủ trì xây dựng soạn thảo gắn với tiến độ hoàn thành để làm cơ sở cho các đơn vị triển khai thực hiện.

Hội nghị pháp chế ngành Tài chính năm 2023 là dịp để nhìn nhận lại những khó khăn, vướng mắc để cùng trao đổi, tháo gỡ trong thời gian tới.
Hội nghị pháp chế ngành Tài chính năm 2023 là dịp để nhìn nhận lại những khó khăn, vướng mắc để cùng trao đổi, tháo gỡ trong thời gian tới.

Cụ thể, trong năm 2022, thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và các nhiệm vụ phát sinh được giao, căn cứ yêu cầu tình hình thực tiễn, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh và bình ổn giá xăng dầu, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), cho ý kiến đối với dự án Luật Giá (sửa đổi) và thông qua 3 Nghị quyết của Quốc hội; trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 3 Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành 34 nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 quyết định và ban hành theo thẩm quyền 77 thông tư. Trong 4 tháng đầu năm 2023 (tính đến ngày 15/4/2023), Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 1 nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 quyết định và ban hành theo thẩm quyền 19 thông tư.

“Nhìn chung, dù số lượng văn bản QPPL mà Bộ Tài chính được giao chủ trì soạn thảo là rất lớn, nhiều nội dung phức tạp nhưng với tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo cùng những định hướng và giải pháp đồng bộ đã giúp công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tài chính cơ bản đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, đảm bảo chất lượng, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài chính – ngân sách nhà nước; bám sát yêu cầu của thực tiễn, kịp thời đề xuất ban hành các văn bản pháp luật tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát áp lực tăng giá cả, lạm phát, góp phần hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó linh hoạt với các thách thức do tình hình dịch COVID-19, thiên tai, biến đổi khí hậu và những tác động không thuận của kinh tế thế giới...”, bà Hồ Thị Hằng nhận định.

Đổi mới tư duy xây dựng, hoàn thiện pháp luật

Theo Vụ Pháp chế, 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 cũng như Chiến lược tài chính đến năm 2030 của ngành Tài chính.

Trước bối cảnh đó, có thể thấy, nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế tài chính trong giai đoạn tới là hết sức nặng nề, với yêu cầu ngày càng cao để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Kết luận số 83-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Chình vì vậy, trong công tác xây dựng văn bản QPPL, Vụ Pháp chế sẽ quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng... trên cơ sở đó, thể chế hóa vào hệ thống pháp luật tài chính. Đồng thời, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy xây dựng, hoàn thiện pháp luật để đề xuất được những định hướng chính sách lớn, then chốt nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

Cùng với đó cũng sẽ tuân thủ pháp luật về xây dựng, ban hành văn bản pháp luật, nhất là việc thực hiện lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL, đăng ký chương trình văn bản QPPL... Thực hiện đầy đủ quá trình tham vấn – tiếp thu ý kiến trong việc xây dựng, ban hành văn bản pháp luật; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng pháp luật tài chính. Đồng thời, cần tiếp tục đổi mới, cải tiến về quy trình và linh hoạt cách làm trong công tác soạn thảo văn bản cũng như phổ biến, tuyên truyền pháp luật cả trước, trong và sau quá trình soạn thảo văn bản.

Vụ Pháp chế cũng sẽ chủ động rà soát các chính sách pháp luật tài chính thuộc phạm vi quản lý để đề xuất nội dung hoàn thiện thể chế tài chính; kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế. Hoàn thiện thể chế tài chính cần tiếp tục gắn và tạo cơ sở pháp lý cho cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; cho chuyển đổi phương thức quản lý, hiện đại hóa công tác quản lý tài chính, đáp ứng đòi hỏi cao của sự phát triển khoa học công nghệ.

Theo bà Hồ Thị Hằng, yêu cầu quan trọng đặt ra đó là thể chế tài chính phải tiếp cận nhanh với các thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu của việc hội nhập ngày càng sâu rộng về kinh tế. Đồng thời, phải phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Đất nước cho công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội.