Ngành Tài chính ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trên mọi lĩnh vực

Trần Huyền

Cùng với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chung của cả nước, Bộ Tài chính đã quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trên mọi lĩnh vực quản lý.

Các cơ quan, đơn vị trong ngành Tài chính đã tích cực phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên mọi mặt công tác.
Các cơ quan, đơn vị trong ngành Tài chính đã tích cực phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên mọi mặt công tác.

Phòng chống tham nhũng trong quản lý tài chính ngân sách

Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thời gian qua, Bộ Tài chính đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt là tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và chủ động phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm minh những người có hành vi tham nhũng.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính thường xuyên quán triệt, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Chỉ riêng trong quý I/2023, Bộ Tài chính đã tổ chức 55 cuộc họp, hội nghị, lớp học tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, Bộ Tài chính đã rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các định mức, tiêu chuẩn trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài chính để phù hợp với Luật phòng chống tham nhũng năm 2018. Đồng thời, hoàn thiện các quy chế đảm bảo thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý mua sắm sử dụng tài sản công, công tác đầu tư xây dựng cơ bản, chế độ hội họp, chi tiêu nội bộ. Qua đó, ngăn chặn, phòng ngừa và chống tham nhũng trong hoạt động quản lý tài chính ngân sách và quản lý nội ngành.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn nhằm giúp cho cán bộ, công chức chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Trong quý I/2023, ngành Tài chính đã thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với 755 người.

Công tác cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt cũng được Bộ Tài chính quyết liệt triển khai nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý, thường xuyên rà soát, đánh giá thủ tục hành chính nhằm đề xuất bãi bỏ những thủ tục hành chính không còn phù hợp hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện. Đồng thời, hiện đại hóa các lĩnh vực quản lý, đặc biệt là thuế, hải quan, kho bạc - những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã tăng cường kiểm tra nội bộ tại các đơn vị để ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức và người lao động trong toàn ngành Tài chính. Quý I/2023, toàn ngành Tài chính đã thực hiện 185 cuộc kiểm tra nội bộ, qua đó phát hiện và kiến nghị thu nộp ngân sách 14.609 triệu đồng, đồng thời kiến nghị chấn chỉnh, xử lý kiểm điểm trách nhiệm theo quy định.

Công tác phòng chống tham nhũng của Bộ Tài chính đã có những chuyển biến tích cực trong hành động và nhận thức của cán bộ, công chức, đã thu được những kết quả quan trọng, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đáp ứng kịp thời, hiệu quả theo yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Hiệu lực, hiệu quả phòng chống tham nhũng của Bộ Tài chính đã có chuyển biến theo hướng tích cực hơn, số vụ việc tham nhũng và số lượng đối tượng có hành vi tham nhũng được phát hiện đã giảm rõ rệt.

Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả kiểm soát tài sản, thu nhập và các quy định về kê khai, công khai tài sản, thu nhập, giải trình thu nhập bất minh; xác minh, làm rõ, xử lý kịp thời đối với những cán bộ, công chức có hành vi liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.

Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát để đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội có liên quan đến các lĩnh vực, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, nhất là với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: Quản lý, sử dụng tài sản công; Quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách.

Trong công tác thanh tra, kiểm tra, chú trọng thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng. Đồng thời, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra công vụ để kịp thời chấn chỉnh các vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với công chức, viên chức vi phạm quy chế, quy trình nghiệp vụ, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, nhũng nhiễu, thờ ơ, vô cảm trong quá trình thực thi công vụ.

Đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát nội bộ để khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân thuộc chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý của cơ quan, đơn vị mình như: Công bố công khai địa chỉ thư điện tử, số điện thoại tiếp nhận thông tin, phản ánh về hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý.

Việc kiểm tra, giám sát người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, việc thực hiện các kết luận, chấn chỉnh sau thanh tra, kiểm tra, việc thực hiện các quy định, quy chế về công tác tổ chức cán bộ, nhất là trong việc tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ cũng sẽ được Bộ Tài chính tập trung thực hiện. Qua đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với thủ trưởng các đơn vị để xảy ra sai phạm, cá nhân công chức có biểu hiện chuyên quyền, độc đoán, thiếu dân chủ và có sai phạm trong công tác quản lý cán bộ.