Đổi mới quy trình biên soạn GRDP của địa phương
(Tài chính) Tổng cục Thống kê đang nghiên cứu, xây dựng Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2014. Theo đó, việc biên soạn và công bố chỉ tiêu GRDP cho các địa phương thống nhất sử dụng được tập trung đầu mối tại Tổng cục Thống kê.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) phản ánh giá trị cuối cùng của hàng hóa và dịch vụ được tạo ra trong nền kinh tế của một thời kỳ nhất định (quý và năm), GDP là chỉ tiêu kinh kinh tế vĩ mô, được biên soạn nhằm phục vụ cho việc đánh giá tình hình, xây dựng mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; phục vụ cho nghiên cứu, phân tích và dự báo và nhu cầu tìm hiểu thông tin của đông đảo người sử dụng.
Phạm vi, nguồn thông tin và phương pháp biên soạn GDP chỉ phù hợp với toàn bộ nền kinh tế, vì thế hầu hết các nước trên thế giới chỉ biên soạn GDP cho phạm vi toàn bộ nền kinh tế.
Ở nước ta, Luật Tổ chức HĐND và Luật Tổ chức UBND quy định Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chức năng và nhiệm vụ quản lý, điều hành và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Để phục vụ yêu cầu quản lý của cấp tỉnh, Tổng cục Thống kê đã chỉ đạo các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Cục Thống kê cấp tỉnh) thống nhất biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) theo phương pháp sản xuất trên 20 năm qua.
Tuy nhiên, số liệu tính toán của các Cục Thống kê cấp tỉnh cho thấy hầu hết tốc độ tăng trưởng GRDP (số tương đối) của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP của toàn bộ nền kinh tế do Tổng cục Thống kê biên soạn; về số tuyệt đối, tổng cộng GRDP của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lớn hơn 1,7 lần so với GDP.
Việc tính toán sai lệch chỉ tiêu GRDP đã ảnh hưởng tới đánh giá tình hình, chỉ đạo và điều hành kinh tế-xã hội ở cấp tỉnh, hạn chế tác dụng so sánh kết quả sản xuất giữa các địa phương với nhau, đồng thời làm giảm niềm tin của người sử dụng đối với thông tin thống kê nói chung, số liệu GDP và GRDP nói riêng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới chỉ tiêu GRDP thiếu chính xác, trong đó nguyên nhân chủ yếu do nguồn thông tin đầu vào dùng để biên soạn còn hạn chế và bất cập. Để biên soạn chính xác, không trùng chéo hoặc bỏ sót về phạm vi tính GRDP đòi hỏi đơn vị thu thập thông tin đầu vào phải là đơn vị cơ sở sản xuất thường trú với đặc điểm chỉ tham gia sản xuất ở một ngành kinh tế và hoạt động sản xuất diễn ra ở một địa phương. Áp dụng đòi hỏi này trong thu thập thông tin đối với các Cục Thống kê cấp tỉnh hoàn toàn không có tính khả thi, vì thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh rất đa dạng của các thực thể kinh tế; do thực tế hạch toán và chấp hành Luật Thống kê trong việc cung cấp thông tin chưa tốt.
Chẳng hạn 1 công ty xây dựng có trụ sở chính đóng tại Đà Nẵng, bên cạnh hoạt động xây lắp thực hiện ở Đà Nẵng, công ty này trúng thầu và tiến hành xây lắp ở các tỉnh, thành phố khác, trong trường hợp này các Cục Thống kê khác không thu thập được thông tin về hoạt động xây lắp do công ty xây dựng của Đà Nẵng thực hiện.
Bên cạnh nguyên nhân về nguồn thông tin, công cụ để biên soạn số liệu GRDP như hệ thống giá, chỉ số giá, hệ số chi phí trung gian còn thiếu, chưa đồng bộ, chậm cải tiến và hoàn thiện.
Việc tính chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương chịu áp lực của mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của từng giai đoạn và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm do Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh và Nghị quyết của HĐND, UBND cùng cấp đề ra. Mục tiêu tăng trưởng GRDP của địa phương không phù hợp với năng lực, nguồn lực hiện có và cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng GDP của cả nước.
Trước thực trạng nêu trên, Tổng cục Thống kê đang nghiên cứu, xây dựng Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2014.
Theo đó, việc biên soạn và công bố chỉ tiêu GRDP cho các địa phương thống nhất sử dụng được tập trung đầu mối tại Tổng cục Thống kê. Đổi mới quy trình biên soạn chỉ tiêu GRDP để khắc phục những bất cập và tồn tại nêu trên, là cơ sở để Tổng cục Thống kê thực hiện phương châm: Cùng một nguồn thông tin, cùng phương pháp tính và do một cơ quan thực hiện biên soạn GDP cho toàn bộ nền kinh tế và GRDP cho địa phương, là cơ sở để Tổng cục Thống kê thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới biên soạn chỉ tiêu GRDP tại Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư năm 2014 theo nguyên tắc “Đảm bảo tính thống nhất, minh bạch và sử dụng chỉ tiêu GRDP nhất quán với cả nước và từng địa phương”, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế, đó là đối với những nước tính GRDP đều do cơ quan Thống kê quốc gia tính toán và công bố.
Thực hiện đổi mới quy trình biên soạn chỉ tiêu GRDP, Tổng cục Thống kê phải vượt qua một số khó khăn và thách thức, cần có sự chỉ đạo trực tiếp và kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và trách nhiệm phối hợp của các Bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty và địa phương trong việc cung cấp, chia sẻ kịp thời thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh theo địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thời điểm, tần suất biên soạn và công bố số liệu ước tính và sơ bộ chỉ tiêu GRDP cho các địa phương để phục vụ kịp thời cho các kỳ họp của HĐND, của UBND cấp tỉnh cũng là một thách thức không nhỏ đối với ngành Thống kê. Bên cạnh đó vấn đề về nguồn nhân lực cũng là nội dung quan trọng Tổng cục Thống kê cần phải “xử lý” để có đội ngũ cán bộ có đủ khả năng chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm, có bản lĩnh nghề nghiệp trong biên soạn và công bố GRDP của địa phương cũng như GDP của toàn bộ nền kinh tế.
Để khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) tập trung triển khai biên soạn và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” vào cuối năm 2014; ngay sau đó, trong quý II/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức hội nghị triển khai Quyết định phê duyệt Đề án của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện quy trình biên soạn và công bố chỉ tiêu GRDP tập trung tại Tổng cục Thống kê.
Trong năm 2015 hoàn thành việc phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng cơ chế cung cấp và chia sẻ thông tin thống kê theo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phục vụ cho biên soạn chỉ tiêu GRDP, đồng thời tổ chức hoạt động phổ biến, tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn các nội dung liên quan đến Đề án.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính kịp thời, tính liên tục của số liệu thống kê và có thời gian cho các đơn vị trong Hệ thống Thống kê tập trung tiếp cận với quy trình biên soạn mới, quy định trong năm 2016 và 2017 Tổng cục Thống kê và các Cục Thống kê cấp tỉnh cùng biên soạn chỉ tiêu GRDP, song Tổng cục Thống kê sẽ công bố kết quả biên soạn này. Từ năm 2018 trở đi các Cục Thống kê cấp tỉnh không trực tiếp biên soạn số liệu GRDP.
Để thực hiện các nội dung theo lộ trình nêu trên, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp chủ yếu: (1) Xây dựng và hoàn thiện phương pháp tính, hệ thống giá, chỉ số giá và hệ số chi phí trung gian; (2) Bổ sung và hoàn thiện nguồn thông tin, xây dựng cơ chế cung cấp và chia sẻ thông tin thống kê giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các Bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty, nhất là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. (3) Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của đổi mới quy trình biên soạn GRDP; (4) Tăng cường ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, thực hiện tin học hóa trong biên soạn số liệu GRDP, đồng thời tăng cường cơ sở vật chất của Tổng cục Thống kê và thống kê các Bộ, ngành; (5) Thực hiện công tác tuyên truyền về Luật Thống kê và các văn bản liên quan nhằm nâng cao trách nhiệm cung cấp và sử dụng thông tin thống kê.