Đối thoại Việt Nam – Hàn Quốc về chính sách tài chính hậu khủng hoảng

PV.

TCTC Online - Trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính và Chiến lược Hàn Quốc, Chương trình đối thoại chính sách Việt Nam – Hàn Quốc với chủ đề: “Chính sách tài chính hậu khủng hoảng và chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài” đã được tổ chức ngày 21/7/2010 tại KS. Melia, Hà Nội

Đây là hai chủ đề thực sự quan trọng trong thời đại toàn cầu hoá để quản lý quá trình hội nhập nền kinh tế trong nước với thế giới bên ngoài nhằm tránh tình trạng mất ổn định hoặc những cú sốc lớn.

 Về chủ đề thứ nhất “Chính sách đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu”, Hàn Quốc đã từng trải qua những kinh nghiệm đau đớn của cuộc khủng hoảng 1997, và cũng là một trong những quốc gia châu Á chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây.  Tại Hội thảo, Tiến sỹ Joon – Kyung Kim, Trung tâm phát triển quốc tế, Viện Phát triển Hàn Quốc đã trình bày những nguyên nhân dẫn đến việc kinh tế Hàn Quốc bị tác động mạnh bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu, những kinh nghiệm, chính sách của Hàn Quốc đối phó với khủng hoảng, và những bài học được Hàn Quốc rút ra từ sau cuộc khủng hoảng. Những bài học đó là: Cần áp dụng các chính sách kiểm soát vốn, quản lý dự trữ ngoại tệ và hợp tác tài chính khu vực.

 Về phía Việt Nam, TS. Phạm Văn Hà, chuyên gia nhóm tư vấn chính sách Bộ Tài chính cũng trình bày những tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu tới kinh tế Việt Nam và một số chính sách mà Chính phủ Việt Nam đã áp dụng nhằm đối phó với giai đoạn khủng hoảng như: thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu; kích cầu đầu tư và tiêu dùng; chính sách tài chính, tiền tệ nới lỏng; bảo đảm an sinh xã hội; kiềm chế lạm phát; thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán… TS. Hà nhận định chính sách kích thích kinh tế của Việt Nam đã thu được nhưng kết quả nhất định, kinh tế Việt Nam đã ra khỏi chu kỳ thu hẹp và đang tăng trưởng vững chắc hơn, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề kinh tế vĩ mô cần phải lưu ý. Đó là: Nhu cầu trong nước đối với hàng nội địa tăng chậm, nhập siêu lớn,  thị trường bất động sản còn diễn biến phức tạp; lãi suất vẫn đang ở mức cao. Ông Hà nhấn mạnh trọng tâm chính sách tài chính cuối năm 2010 cần hướng tới là hạn chế thâm hụt ngân sách, kiềm chế tăng giá, hạn chế nhập siêu; giám sát chặt các hệ số an toàn vốn và ổn định thị trường tài chính.  Về chính sách tiền tệ cần đặt trọng tâm vào an toàn hệ thống, điều chỉnh tỷ giá linh hoạt  và hạ lãi suất. Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay cần chú ý thu hút FDI và khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam.  Bài trình bày của TS. Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính Bộ Tài chính  về đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm cũng đồng tình với quan điểm của ông Hà. Đặc biệt, ông Thăng đã có những dự báo khả quan về kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm.

Ở chủ đề thứ hai, chính sách thu hút FDI, TS. Hyung-Gon Jeong – Viện Chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc đã giới thiệu những kinh nghiệm thu hút đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc, đặc biệt là kinh nghiệm về thành lập các đặc khu kinh tế, khu chế xuất, khu vực thương mại tự do, qua những điển hình thành công như khu vực thương mại tự do Masan (Masan FTZ), khu vực kinh tế tự do Incheon (Incheon FEZ). Về phía Việt Nam, TS. Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư  cũng đã trình bày những thành tích đạt được về thu hút đầu tưu nước ngoài của Việt Nam, và đề xuất những nhóm giải pháp để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao hiệu quả của đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.