Đón làn sóng đầu tư thứ 3 cho hạ tầng giao thông
Đang có thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong giai đoạn 2016 - 2020.
Giao thông đắt hàng
“Bộ Giao thông - Vận tải hoan nghênh và sẵn sàng thu xếp thời gian để trao đổi thông tin chi tiết với nhà đầu tư quan tâm”, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý dự án đối tác công - tư (Bộ Giao thông - Vận tải) cho biết về đề xuất xin làm chủ đầu tư một số dự án hạ tầng giao thông được đầu tư theo hình thức PPP của Liên danh Tập đoàn Geleximco và Công ty trách nhiệm hữu hạn Hồng Kông United Investor Holding (HUI).
Trước đó, cuối tháng 9/2016, Geleximco - HUI đã gửi văn bản tới Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Trương Quang Nghĩa xin đầu tư 4 dự án hạ tầng giao thông, gồm: công trình xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam đoạn từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh và từ TP. Hồ Chí Minh đi Nha Trang; tuyến đường bộ cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; Cảng hàng không Long Thành; Dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam.
Hiện chưa rõ Geleximco - HUI muốn tham gia đầu tư ở mức độ nào, nhưng ước tính sơ bộ, tổng chi phí đầu tư 4 dự án trên có thể lên tới gần 60 tỷ USD.
Theo ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco, HUI là doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh và có mối quan hệ tốt, được tài trợ vốn từ các công ty quản lý quỹ đầu tư tài chính lớn của Hồng Kông như Huarong Oversea Investment, China Minsheng Financial, China Orient Asset Management International. HUI cũng có nhiều kinh nghiệp đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông và các cảng hàng không quốc tế.
Điều đáng nói là, nhà đầu tư đến từ Hồng Kông này đã thành lập pháp nhân tại Việt Nam từ đầu tháng 8/2016, với ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình nhà ở, đường sắt và đường bộ.
“Chúng tôi cam kết thu xếp vốn đầu tư, kinh nghiệm quản lý dự án đầu tư và xây dựng tốt nhất cho các dự án”, ông Tiền nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo Ban PPP (Bộ Giao thông - Vận tải) cho biết, các dự án do Geleximco - HUI đề xuất đều là các dự án trọng điểm, có quy mô và tổng mức đầu tư lớn. Bộ Giao thông - Vận tải đang giao các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng phương án xã hội hóa đầu tư và xin chủ trương đầu tư từ Chính phủ.
Từ chối đưa ra đánh giá về năng lực cụ thể của Liên danh Geleximco - HUI do chưa có nhiều thông tin, nhưng vị lãnh đạo cơ quan chuẩn bị đầu tư dự án PPP của ngành giao thông - vận tải cho biết, các nhà đầu tư chỉ có thể được trao dự án sau khi chứng minh đầy đủ năng lực tài chính theo đúng các quy định hiện nay.
Cần phải nói thêm rằng, mục tiêu kêu gọi các nhà đầu tư tài chính có năng lực nước ngoài đang là ưu tiên hàng đầu để đón làn sóng đầu tư thứ 3 trong lĩnh vực hạ tầng giao thông theo hình thức PPP.
Theo các chuyên gia, sau hai làn sóng đầu tư trước đó (trước năm 2012 và từ năm 2013 đến năm 2015), các nhà đầu tư tư nhân cũng như các tổ chức tín dụng trong nước đều đã tới hạn năng lực đầu tư, trong khi nhu cầu vốn đầu tư cho các hạ tầng giai đoạn 2016 - 2020 là rất lớn.
Cụ thể, tổng mức đầu tư cho 68 dự án thuộc Danh mục dự án PPP ưu tiên giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất lên tới 334.655 tỷ đồng, trong đó, nhu cầu vốn nhà nước tham gia lên tới 114.211 tỷ đồng; phần còn lại dự kiến huy động vốn tư nhân.
Ngắm nhiều hơn mua
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do nguồn lực ngân sách nhà nước hạn chế, còn nhiều khó khăn khi tạo niềm tin và khuyến khích tư nhân trong và ngoài nước tham gia các dự án PPP, nên việc triển khai các dự án này cần thực hiện quyết liệt, song cũng cần phải có lộ trình phù hợp và thận trọng.
Thừa nhận thực tế này, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, để tăng sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, hàng loạt cơ chế chia sẻ rủi ro của Nhà nước trong các dự án PPP cần sớm được chỉnh sửa, trong đó có việc Nhà nước sẽ chấp nhận cơ chế bảo lãnh doanh thu; nâng cao tính hiệu quả của dự án.
Được biết, trong 3 năm qua, có khá nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hồng Kông, Tây Ban Nha, Ấn Độ đến “gõ cửa” Bộ Giao thông - Vận tải, nhưng tất cả đều dừng lại ở việc “ngắm” dự án, chứ không hẹn ngày trở lại.
Cơ chế chia sẻ rủi ro được đưa ra từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau hơn 3 năm tuy có nhiều cải tiến, nhưng chưa đủ sức thuyết phục để các nhà đầu tư ngoại quốc bỏ vốn vào các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT).
Theo các chuyên gia, sự vắng mặt của các nhà đầu tư ngoại cho thấy, chính sách chia sẻ rủi ro tại các dự án BOT giao thông tại Việt Nam chưa tiệm cận thông lệ quốc tế. Đây cũng là lý do khiến sân chơi này là sự độc diễn của các nhà đầu tư nội, mà hệ lụy lớn nhất là sự thâm dụng quá mức nguồn vốn ngắn hạn đáng ra nên chảy vào các ngành sản xuất khác.
Cần phải nói thêm, trong quá trình triển khai hai dự án thí điểm đầu tư theo hình thức PPP là Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, các nhà đầu tư nước ngoài đều yêu cầu bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh rủi ro tỷ giá và thậm chí bảo lãnh của Chính phủ đối với khoản vay.
Đối với điều kiện thị trường như Việt Nam hiện nay, cần thiết phải có các bảo lãnh trên mới có khả năng kêu gọi được nhà đầu tư nước ngoài và ngân hàng, tổ chức tín dụng nước ngoài.
Tuy nhiên, yêu cầu về bảo lãnh rủi ro tỷ giá và bảo lãnh của Chính phủ đối với khoản vay là không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, do vậy, việc kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài và ngân hàng, tổ chức tín dụng nước ngoài tham gia đầu tư vào dự án là khó khả thi.
“Đối với việc huy động các nhà đầu tư trong nước, hiện nay, thị trường tín dụng dài hạn khó khăn, dư nợ tín dụng dài hạn đang ở mức cao. Do vậy, cũng cần phải tháo gỡ một số cơ chế, chính sách để nhà đầu tư có thể tiếp cận vốn tín dụng trong nước”, ông Nguyễn Nhật đề xuất.