Để hút nguồn lực kiều hối
Cần có bước đột phá về chính sách với Việt kiều theo hướng bình đẳng thực sự, không phân biệt đối xử trên mọi phương diện.
Cả thế giới đang cố hút kiều hối
Hiện nay số kiều bào định cư ở nước ngoài tương đương với 5% dân số Việt Nam. Nguồn kiều hối kiều bào gửi về cũng ngày một tăng. Ngân hàng Thế giới (WB) xếp Việt Nam nằm trong top 11 nước tiếp nhận kiều hối lớn nhất thế giới.
Nhưng “luồng vốn này không có tác động lớn đến phát triển kinh tế vì có đến 50% lượng kiều hối được tích trữ, một phần để trả nợ ngân hàng, rồi gửi tiết kiệm còn phần đầu tư trực tiếp thì không nhiều”, theo WB. Theo TS. Trần Thu Hà (trường Đại học Kinh tế Quốc dân), chỉ có 15,9% lượng kiều hối được đem đi đầu tư.
Thống kê trong giai đoạn 3-5 năm gần đây của Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương, Western Union và một số chuyên gia kinh tế cho thấy, có tới 30% lượng kiều hối được gửi vào ngân hàng để lấy lãi, 20% đã mua vàng để tích trữ, hơn 16% đổ vào bất động sản, 30% được đầu tư cho sản xuất kinh doanh và dịch vụ, 5-7% được tiêu dùng. Lượng đầu tư gián tiếp như đầu tư vào thị trường chứng khoán còn quá nhỏ.
Theo PGS.TS. Phạm Văn Hùng, Trưởng Khoa Đầu tư, trường Đại học Kinh tế Quốc dân: kiều hối là nguồn vốn quan trọng, cả thế giới đều đang có những chính sách hút kiều hối về quốc gia mình.
Kiều hối là nguồn vốn bổ sung trực tiếp cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh (trực tiếp bỏ vốn đầu tư kinh doanh hoặc gián tiếp qua gửi tiết kiệm), góp phần tăng tiêu dùng, dẫn đến tăng tổng cầu và thúc đẩy gia tăng đầu tư, gia tăng đầu tư gián tiếp: đầu tư vào các tài sản như chứng khoán, bất động sản.
Bất công với kiều hối, bất bình đẳng với Việt kiều
Vì vậy, cần có một chính sách tốt hơn để thu hút nguồn kiều hối này, đồng thời hướng nguồn tiền này tích cực vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. GS.TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, Việt kiều còn thiếu rất nhiều thông tin nên hiểu chưa rõ chính sách của Nhà nước, trong khi Việt Nam có chính sách thu hút kiều hối mà ít nước trên thế giới có được.
Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Bình, trưởng đại diện hội doanh nghiệp Việt kiều Ba Lan: môi trường không còn là vấn đề, chính sách không còn là vấn đề, nhưng hành xử thực tế đang có vấn đề. Một vị Việt kiều thì nói rằng, họ không được coi như nhà đầu tư nước ngoài, họ cũng chẳng được nhìn như nhà đầu tư Việt.
“Hình như đang có sự bất công với kiều hối dù đây là nguồn lực quan trọng đang tăng dần và ổn định”, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đặt vấn đề. Còn theo ông Bình phân tích: tiền ở nước ngoài đang nhiều lắm. Nhưng muốn hút được tiền về thì phải để cho Việt kiều thấy được, nguồn tiền mà họ đang đầu tư về Việt Nam được quan tâm.
Đơn cử như mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có chính sách cho Việt kiều mua nhà, nhưng hàng trăm Việt kiều đã mua nhà ở làng quốc tế Việt kiều hơn mười năm rồi chưa được cấp sổ đỏ. Vì muốn có sổ đỏ phải có hộ khẩu. Ông cũng dẫn ra trường hợp dự án làm xong, mãi mà đường vào không có…
“Kỳ lạ là cùng là người Việt nhưng lại có sự phân biệt. Đối xử không công bằng với Việt kiều đang là cản trở của Việt Nam”, TS. Lưu Bích Hồ lên tiếng. Ông nhấn mạnh phải tạo được niềm tin, niềm tin vào môi trường, niềm tin vào quản lý và niềm tin của chính người dân trong nước.
Cùng quan điểm phải củng cố niềm tin, xóa bỏ phân biệt đối xử trong hành xử, TS. Tài - chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương còn đề nghị nên thành lập quỹ đầu tư Việt kiều để tạo cơ hội cho Việt kiều góp vốn đầu tư.
Đưa ra những góp ý để thu hút ngày càng nhiều hơn kiều hối về Việt Nam và hướng vào đầu tư, GS. Nguyễn Mại cho rằng, cần có bước đột phá về chính sách với Việt kiều theo hướng bình đẳng thực sự, không phân biệt đối xử trên mọi phương diện. Việt kiều cần được đối xử bình đẳng trước pháp luật như công dân Việt Nam.
Việt kiều được mua nhà - đã là một bước tiến lớn, nhưng mỗi Việt kiều chỉ được sở hữu một nhà lại là một hạn chế, hơn nữa thủ tục hành chính đang làm khó việc sở hữu nhà của Việt kiều… làm sao để người Việt Nam ở nước ngoài được chuyển tiền về nước qua kênh chính thức thuận lợi hơn giảm việc chuyển tiền qua kênh phi chính thức, nhờ người khác đứng tên mua nhà…
Việt Nam đã, đang và sẽ còn cần rất nhiều vốn cho đầu tư phát triển, nhưng nguồn vốn góp phần quan trọng là ODA sẽ giảm đi trong tương lai. GS.TSKH. Nguyễn Mại cho rằng nếu có chính sách tốt thì nguồn kiều hối kết hợp với nguồn vốn đầu tư tư nhân trong nước sẽ hoàn toàn bù đắp được phần vốn ODA giảm đi này.
PGS.TS. Phạm Văn Hùng thì khuyến nghị: Việt Nam cần phải có chính sách thu hút, sử dụng hợp lý, lâu dài và bền vững dòng kiều hối, hướng nguồn vốn này đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Các quốc gia ngày càng có xu hướng tạo thuận lợi cho kiều bào chuyển tiền về nước.
Việt Nam cũng cần xây dựng niềm tin và tạo động lực cho kiều bào thông qua các chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư. Nên hình thành quỹ hỗ trợ sản xuất cho doanh nghiệp nhỏ từ dòng kiều hối. Bên cạnh đó là xây dựng chiến lược thu hút nhân tài về nước và chuyên nghiệp hóa hoạt động xuất khẩu lao động.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến năm 2014 đã có 3600 dự án của Việt kiều đầu tư ở 51 tỉnh, thành phố với số vốn hơn 8,6 tỷ USD. Thực tế đầu tư của Việt kiều lớn hơn số này, theo GS.TSKH. Nguyễn Mại, vì còn những khoản Việt kiều đầu tư chung với nhà đầu tư nước ngoài hoặc đầu tư cùng doanh nghiệp trong nước…