Đón sóng FDI công nghệ có dễ?
Hàng loạt ông lớn công nghệ thế giới đã chọn Việt Nam là điểm đến trong xu hướng chuyển dịch đầu tư. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là đón dòng FDI công nghệ có dễ?
Việt Nam đã là công xưởng của thế giới?
Mới đây, hãng điện tử Sharp thông tin sẽ xây một nhà máy mới ở Việt Nam để tránh mức thuế mới được áp trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài.
Có cùng mục tiêu này, trước đó, Tập đoàn LG cũng đã xác nhận đóng cửa nhà máy tại Hàn Quốc và chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. Ngoài ra, theo Nikkei Asian Review, Apple được cho là sẽ chuyển nhà máy sản xuất tai nghe không dây AirPods từ Trung Quốc sang Việt Nam, như một cách để giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang tiếp tục.
Đáng chú ý, thông tin từ ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, có khoảng 20.000 doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc đang loay hoay tìm hướng dịch chuyển đầu tư.
Sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư được thể hiện qua các con số thống kê. Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 14,46 tỷ USD, chiếm 71,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Những con số này cho thấy xu hướng dòng chảy của dòng vốn FDI đã có sự chuyển hướng, khi trước đây phần lớn dòng vốn FDI tập trung vào lĩnh vực bất động sản. Theo đó, lĩnh vực này giờ đây chỉ đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,47 tỷ USD, chiếm 7,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,1 tỷ USD, chiếm 5,4% tổng vốn đầu tư đăng ký...
Theo nhận định của TS Huỳnh Thế Du - Đại học Fulbright Việt Nam, nhìn ở góc độ cận ngành, Việt Nam đang là công xưởng thế giới về điện thoại di động, dệt may, trồng và chế biến cà phê, lúa gạo, cá ba sa... Những ngành này Việt Nam đang chiếm thị phần lớn trên bản đồ xuất khẩu của thế giới.
"Về triển vọng các ngành khác có thể trở thành công xưởng mới của thế giới sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cách đây vài năm không ai kỳ vọng ngành sản xuất, lắp ráp điện thoại trở thành công xưởng thế giới. Nhưng Samsung xuất hiện, Việt Nam đã thành công xưởng điện thoại của thế giới" - TS. Huỳnh Thế Du cho biết thêm.
Doanh nghiệp nội đã chuẩn bị gì?
Những tín hiệu về dòng vốn FDI như nêu trên cho thấy Việt Nam đang đứng trước giai đoạn thu hút FDI thế hệ mới. Với các dự án công nghệ cao, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử… các nhà đầu tư chủ yếu là các “ông lớn” công nghệ thế giới.
Tuy nhiên, câu hỏi được nhiều chuyên gia đặt ra rằng Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nội đã có gì và chuẩn bị như thế nào để đón được dòng chuyển dịch đầu tư từ các tập đoàn công nghệ cao như vậy?
Theo chuyên gia kinh tế Pham Chi Lan, để trở thành công xưởng giá rẻ của thế giới, một quốc gia cần rất nhiều thứ: dân số trẻ, chi phí nhân công rẻ, chính sách tốt, cơ sở hạ tầng đầy đủ, kỹ thuật công nghệ không quá nghèo nàn, lao động có trình độ tối thiểu, kinh tế tăng trưởng khá và thị trường tiêu thụ nội địa mạnh.
Đồng tình với quan điểm của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhấn mạnh yếu tố nhân lực, ông John Chong -CEO Maybank KE Group cho rằng, trong giai đoạn thú vị này Việt Nam cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho giáo dục, công nghệ cũng như hạ tầng bao gồm cả cứng và mềm. Bên cạnh đó thị trường tài chính cũng phải nhanh chóng bắt kịp để không làm cản trở cơ hội vàng tăng trưởng kinh tế, xã hội. Việt Nam không có hướng đi nào khác ngoài phát triển hơn nữa.
Song ông Michael Kelly - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam lại lưu ý, Việt Nam đang có lợi từ xu hướng trên, tuy nhiên các nhà đầu tư nước ngoài cần một sân chơi bình đẳng, không chỉ để thu hút vốn đầu tư nhiều hơn, mà để duy trì đầu tư đã có tại Việt Nam.