Câu chuyện dịch chuyển đầu tư
Việt Nam đang đứng trước cơ hội cũng như thách thức mới trong việc cải thiện tức thì chất lượng lao động trong nước, vừa để tận dụng được ngay những lợi thế thương mại, vừa tạo thêm được nguồn việc làm mới với mức lương cao hơn cho người lao động...
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lại tiếp tục gia tăng khi Mỹ dự kiến sẽ áp mức thuế nhập khẩu lên tới 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây không phải là con số cuối cùng, nước Mỹ có thể nhắm tới mục tiêu hàng trăm tỷ tiếp theo nếu như Bắc Kinh không sớm thúc đẩy gói thỏa thỏa thuận thương mại với Washington. Gói thuế quan này sẽ chính thức có hiệu lực vào thứ sáu tuần này (10/5).
Những động thái mới nhất đó càng khiến Công ty Brooks Sports chuyên về may mặc, giày và thể thao, quyết tâm hơn trong việc chuyển phần lớn các hoạt động sản xuất của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam. Công ty này vốn được biết đến với cái tên Brooks Running và là một đơn vị của Berkshire Hathaway, tập đoàn của huyền thoại chứng khoán Warren Buffett.
Trước đó, Công ty sản xuất hàng điện tử LG Electronics dự kiến sẽ đóng cửa nhà máy Pyeongtaek ở phía nam Seoul (Hàn Quốc) vào cuối năm 2019 để chuyển dây chuyền sản xuất sang Hải Phòng (Việt Nam), nơi các bộ phận khác của LG đang đặt nhà máy nhằm cắt giảm chi phí dành cho mảng kinh doanh thiết bị di động đang thua lỗ.
Không chỉ các công ty và tập đoàn của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… mà còn có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang tích cực tìm đến Việt Nam mở nhà máy sản xuất. Đơn cử, trong 4 tháng năm 2019, đã có 2 dự án quy mô lớn được các nhà đầu tư Trung Quốc đăng ký đầu tư vào Việt Nam, đưa Trung Quốc lên vị thế một trong những quốc gia dẫn đầu về nguồn vốn FDI vào Việt Nam với 1,43 tỷ USD, bao gồm cả vốn cấp mới và tăng thêm. Đó là dự án chế tạo lốp xe radian toàn thép ACTR, tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD tại Tây Ninh và Dự án lốp Advance Việt Nam của nhà đầu tư Guizhou Advance Type Investment Co.,Ltd. với tổng vốn đăng ký 214,4 triệu USD.
Điều quan trọng là, xu hướng này sẽ còn tiếp tục, ngày càng có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đã bày tỏ quan tâm và mong muốn đầu tư vào Việt Nam như Tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc, Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương, Tập đoàn xây dựng năng lượng Trung Quốc, Tập đoàn bảo hiểm Bình An, Alibaba, ngân hàng Phát triển Trung Quốc… nhằm tận dụng các lợi thế gần gũi về vị trí địa lý, có quan hệ truyền thống về thương mại và đầu tư… Các doanh nghiệp này sẽ thành công nếu bảo đảm yêu cầu về môi trường, sử dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm tiến độ dự án, giá cả hợp lý.
Theo một nghiên cứu mới đây của Công ty TNHH CBRE Việt Nam, trong tương quan về quy mô kinh tế giữa các nước ASEAN, Việt Nam có nhiều ưu thế hơn hẳn do các chỉ số kinh tế quan trọng như GDP hàng năm tăng trưởng đạt 6 - 7%, trong khi lạm phát vẫn duy trì ở mức tích cực, tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương thế hệ mới...
Bên cạnh đó, là đầu tư vào các dự án hạ tầng trọng điểm của khu vực công và tư ở Việt Nam trong những năm gần đây thường là cao nhất Đông Nam Á, thống kê của Ngân hàng Phát triển châu Á và Bloomberg cho hay. Đáng chú ý, hạ tầng cảng biển cũng được chú trọng đầu tư.
Nhờ đó, trong tổng số khoảng 326 khu công nghiệp trên cả nước, có khoảng 100 khu đã lấp đầy hoặc đạt đến 90% diện tích đất được cấp, 100 các khu khác cũng đã lấp đầy được đến 50 - 60% diện tích đất, chỉ còn lại khoảng 100 khu công nghiệp mới đạt được khoảng 30 - 40% diện tích lấp đầy.
Việc bảo hộ thương mại đang diễn ra trên toàn thế giới cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi ngày một cao hơn đối với chất lượng lao động của Việt Nam. Đặc biệt, việc Mỹ áp thuế với các sản phẩm của Trung Quốc cũng làm gia tăng nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng, tay nghề, cán bộ kỹ thuật, quản lý, giám sát giỏi đang là thách thức với doanh nghiệp FDI, khiến họ phải cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp nội địa. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi mức lương cao hơn và đưa ra nhiều điều kiện phúc lợi tốt nhất nhằm mục tiêu thu hút lao động Việt Nam chuyên môn cao đáp ứng quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn vào thị trường Mỹ.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội cũng như thách thức mới trong việc cải thiện tức thì chất lượng lao động trong nước, vừa để tận dụng được ngay những lợi thế thương mại, vừa tạo thêm được nguồn việc làm mới với mức lương cao hơn cho người lao động, một chuyên gia khuyến nghị.
Với các chính sách ưu đãi dành cho công nghệ cao và tiên tiến, Việt Nam đã có chính sách tốt tham gia vào nền công nghiệp 4.0. Do vậy, Việt Nam cần nhiều dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài với công nghệ cao làm đầu tàu. Hiện đã có chính sách ưu đãi dành cho các nhà sản xuất công nghệ cao, và khu công nghệ cao.
Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ vì các nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp công nghệ cao là đầu tàu chủ chốt của các cơ sở sản xuất, hiện vẫn chưa nhận được các chính sách ưu đãi tốt. Vì vậy, Việt Nam nên xem xét để có chính sách ưu đãi đồng đều giữa khu công nghệ cao và khu công nghiệp công nghệ cao.
Ngoài ra, nên đơn giản hóa, nhanh chóng giải quyết các thủ tục cấp giấy chứng nhận về công nghệ cao, nếu không các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể đầu tư sang các quốc gia khác với các chính sách ưu đãi tốt hơn, bà Somhatai Panichewa - Tổng giám đốc điều hành Công ty Amata VN PCL đề xuất.