Đón xu thế để chuyển đổi số thành công
Từ khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ, câu chuyện về kinh tế số, chuyển đổi số trong doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh bắt đầu được nhắc đến. Khi dịch Covid-19 bùng phát, kéo dài tạo thêm chất xúc tác làm cho quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, mạnh mẽ hơn so với lộ trình vạch ra trước đó. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, song DN phải thay đổi tư duy, có bước chuẩn bị kỹ càng để tận dụng lợi thế và hạn chế rủi ro từ việc số hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Vừa qua, Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Facebook Việt Nam tổ chức khóa đào tạo Chiến lược tiếp thị và nội dung để thành công trên nền tảng số bằng hình thức trực tuyến. Các chuyên gia khẳng định, DN thực hiện chuyển đổi số và mang lại hiệu suất cao trong quản trị, điều hành sản xuất, tiết giảm chi phí, nguồn nhân công, xúc tiến đầu tư, giao thương.
Dù ở quy mô nào, công thức chung để giúp DN không chỉ tồn tại mà còn phát triển hơn nữa khi chuyển đổi số chính là: tăng nhận diện, đẩy mạnh trải nghiệm khám phá, thường xuyên trò chuyện cùng khách hàng và cởi mở với thương mại xuyên biên giới.
Là một điển hình về DN chuyển đổi số thành công, bà Lương Thanh Hạnh, Giám đốc Hợp tác xã Dệt đũi Nam Cao, người sáng lập thương hiệu Hạnh silk, chia sẻ: "Năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 khởi phát, chúng tôi gặp rắc rối do không chuyển hàng sang được các đối tác nước ngoài như cam kết. Lúc ấy, tôi đã viết mail đến các khách hàng đề nghị họ cho phép bán sản phẩm tại thị trường nội địa và đổi lại sẽ trả tiền hợp đồng lại cho họ. Điều này là chưa có tiền lệ do quá trình ký hợp đồng chúng tôi cam đoan không bán thiết kế và sản phẩm ra bên ngoài với bất cứ hình thức nào. Rất may mắn, khách hàng đã vui vẻ đồng ý và gửi lời cám ơn vì họ cũng đang gặp khó khăn do Covid-19. Tiếp sau đó, tôi bắt đầu đẩy mạnh bán hàng lên Fanpage, Facebook và zalo cá nhân cũng như các sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki. Và điều bất ngờ xảy ra, sau 1 tuần 3.000 chiếc chăn của Hạnh Silk đã được tiêu thụ tại thị trường nội địa. Lúc đó tôi cảm thấy vô cùng biết ơn khách hàng trong nước và giật mình với sức mạnh của mạng xã hội và thương mại điện tử".
Theo Facebook Việt Nam, ở khu vực Đông Nam Á, ngày càng nhiều người chuyển sang mua sắm hàng trực tuyến. Đặc biệt, dưới tác động của dịch Covid-19 càng thúc đẩy DN kinh doanh trên các nền tảng số để phòng ngừa dịch bệnh và duy trì, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Riêng Việt Nam, 46% người tiêu dùng đã chuyển sang mua hàng trực tuyến trong năm vừa qua. Mua sắm trực tuyến giờ đây đa dạng hơn, không chỉ ngành hàng điện tử, gia dụng mà còn có cả quần áo, giầy dép, hàng tạp hóa…
Ông Lê Khôi - Giám đốc Kinh doanh toàn cầu Facebook Việt Nam, thông tin: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, nhu cầu khách hàng và xu thế thị trường hiện nay đi theo 3 hướng chính: video trực tuyến (thời lượng ngắn, trung bình), mua sắm trực tuyến (khu vực thành thị, ngoại thành và nông thôn) và thương mại khám phá (livestream, đàm thoại, thực tế ảo…). Nếu DN nắm bắt được các xu thế này và vận dụng khéo léo, linh hoạt sẽ mang hiệu ứng rất tốt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Có thể thấy, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và đem lại nhiều lợi ích cho DN trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số ở nước ta vẫn vướng phải nhiều khó khăn: lãnh đạo DN ngại thay đổi; thể chế, khung pháp lý, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế chưa đủ mạnh, chưa phát huy hết vai trò kiến tạo cho phát triển kinh tế số…
Mặt khác, hiện nay nguồn nhân lực chuyển đổi số thiếu hụt, từ nhà quản lý đến chuyên gia, kỹ sư, công nhân công nghệ số. Trong khi đó, nhiều lao động lại phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm khi không được đào tạo lại, đào tạo nâng cao kịp thời để bắt kịp các yêu cầu về kỹ năng mới… Từ thực tế này, đòi hỏi DN phải thay đổi tư duy và vạch ra lộ trình để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số diễn ra thuận lợi và đạt kết quả như kỳ vọng.
Bà Lương Thanh Hạnh, bộc bạch: Ban đầu khi chuyển đổi số, chúng tôi rất bỡ ngỡ không biết xây dựng nội dung như thế nào để thu hút được khách hàng; thời điểm nào đăng bài để thu hút được nhiều lượt tương tác; video clip, hình ảnh chụp ra sao để khách hàng cảm nhận được độ chân thực của sản phẩm… Do đó, chuyển đổi số là hành trình dài, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và đòi hỏi DN phải dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu. Đặc biệt, DN phải chuẩn bị nguồn nhân lực thật tốt mới có thể thích ứng tốt với công nghệ và phát huy được sức sáng tạo trong quá trình làm việc.
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Chuyên gia marketing, khi kinh doanh trên nền tảng số, bản thân mỗi DN phải xác định là làm ăn chân chính, gây dựng niềm tin nơi khách hàng mới có thể giữ vững thương hiệu, vị thế. Bởi trên nền tảng số việc kiểm chứng thông tin khá dễ dàng nếu DN làm ăn chộp giựt sẽ dễ dàng bị “bốc phốt” và bị khách hàng tẩy chay.
Bên cạnh đó, khi xây dựng chiến lược tiếp thị, kinh doanh trên nền tảng số, DN cũng cần chú ý đến việc đầu tư hình ảnh, video clip sao cho bắt mắt, đa chiều; thông điệp truyền tải, hình ảnh nhận diện sản phẩm, thương hiệu phải được thực hiện xuyên suốt, nhất quán. Trong xây dựng nội dung cần chú ý truyền tải năng lượng tích cực; hình thành các câu chuyện gần gũi với cộng đồng để tạo sự đồng cảm...
Đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Quyết định số 12/QĐ-BKHĐT về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Chương trình nhằm hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong DN thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, 100% DN được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 100.000 DN được nhận các hỗ trợ từ chương trình; 100 DN được hỗ trợ là các thành công điển hình trong chuyển đổi số…
Hoạt động của chương trình tập trung xây dựng các công cụ số, nền tảng số, cơ sở dữ liệu chuyển đổi số cho DN. Đồng thời, thu thập và kết nối thông tin về các DN có nhu cầu chuyển đổi số với DN cung cấp giải pháp chuyển đổi số; xây dựng công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cho DN và các công cụ hỗ trợ DN chuyển đổi số; hình thành, tổ chức điều phối mạng lưới chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số cho DN… Như vậy, với sự hỗ trợ từ phía Nhà nước và nỗ lực từ DN, tổ chức, cá nhân, tin rằng quá trình số hóa sẽ thành công và tạo được sức bật mới cho nền kinh tế trong bối cảnh mới.