Đồng bộ các chính sách để tăng hiệu ứng phục hồi
Để kiềm chế lạm phát nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng không hy sinh quá lớn, theo các chuyên gia cần phải có sự phối hợp linh hoạt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Giảm lãi suất mới chỉ là điều kiện cần
Tại Tọa đàm trực tuyến "Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới", TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, cho biết, trong 6 tháng vừa qua, tín dụng chỉ tăng trưởng 4,73% (đến 30/6). Nhưng thực tế đến hiện tại, mức tăng giảm bớt đi, chỉ tăng đâu đó xoay quanh 4%. Điều này có nghĩa là dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng rất thấp.
Ngân hàng muốn đẩy tiền vào nền kinh tế cũng rất khó, bởi khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu. TS. Cấn Văn Lực đưa ra ví dụ trong lĩnh vực bất động sản, cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản 5 tháng đầu năm vẫn tăng khoảng 15%, nhưng cho vay để mua nhà, sửa nhà, chữa nhà giảm 1,32%.
“Rõ ràng người dân không đi vay tiền để mua nhà, sửa nhà, chữa nhà nữa mà thậm chí người ta còn giảm sản xuất”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Theo TS. Cấn Văn Lực, để có thể tăng khả năng sản suất, đáp ứng được điều kiện để vay vốn cần 4 yếu tố, đòi hỏi nỗ lực từ cả các phía, bên vay, cho vay và Chính phủ.
Thứ nhất, về mặt bằng lãi suất, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục giảm như Thủ tướng đã chỉ đạo, cũng là tăng kích cầu.
Thứ hai là linh hoạt hơn điều kiện cho vay, linh hoạt hơn chứ không hạ chuẩn. Ví dụ, trước đây tài sản thế chấp phải là nhà cửa, phải là bất động sản nhưng bây giờ có thể là "động sản" như hàng tồn kho, hay là đơn hàng tương lai, hợp đồng ký hợp tác với nhau…
Thứ ba là bản thân doanh nghiệp cũng cần có những chuyển đổi, tái cơ cấu, hồ sơ minh bạch hơn, và đặc biệt chứng minh có thể trả nợ trong tương lai, chứng minh được nỗ lực của mình.
Thứ tư, là thay đổi sự trì trệ ở bộ phận công chức, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là về pháp lý.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, giảm lãi suất cũng không thể giảm quá nhiều, quá mạnh, quá nhanh được. Quan sát trong 2 tháng vừa rồi, một số dòng tiền đã bắt đầu dịch chuyển từ kênh tiết kiệm riêng tư sang kênh đầu tư chứng khoán do lãi suất tiết kiệm giảm.
Do đó, theo TS. Cấn Văn Lực, vẫn phải đảm bảo một mức độ hấp dẫn nhất định để dòng tiền tiếp tục vào ngân hàng, ngân hàng có thanh khoản cho vay, đảm bảo nguồn vốn đi vào kinh doanh thay vì chỉ đầu tư tài chính hay tồn kho bất động sản như thời gian vừa qua.
Giảm lãi suất chỉ là một vế của vấn đề, điều kiện cần. Điều kiện đủ là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp mới quan trọng. Ngoài chính sách tiền tệ, tài khoá đã vào cuộc thì rõ ràng những chính sách khác cũng phải vào cuộc quyết liệt như đầu tư công; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
“Phía cầu là lãi suất đã giảm, còn phía cung là tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp. Tôi nghĩ rằng phải đồng bộ chính sách như vậy thì mới đảm bảo mức độ thẩm thấu, việc giảm lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ mới có hiệu quả”, TS. Cấn Văn Lực nói.
Cộng hưởng các chính sách là điều kiện đủ
Nhất trí với từ khoá “phối hợp chính sách”, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng, không chỉ đơn giản là sự phối hợp giữa chính sách tài khoá và tiền tệ mà cần có sự phù hợp mặt liều lượng, cách thức, thời gian. Quan trọng ở đây là sự hấp thụ khi phối hợp chính sách tiền tệ với các chính sách khác. Chính sách tiền tệ, tài khóa hiện nay như giãn, hoãn thuế đều để hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp.
"Nếu không có sự phối hợp với các chính sách khác như hoàn thuế giá trị gia tăng thì chính sách tiền tệ cũng sẽ giảm hiệu quả. Sự phối hợp chính sách phải tính đến việc khơi thông rào cản, đẩy nhanh giải quyết thủ tục hành chính”, ông Phan Đức Hiếu cho biết.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, để chính sách tiền tệ tác động tốt nhất tới doanh nghiệp, đồng bộ nhóm chính sách là rất quan trọng.
“Chẳng hạn như chúng ta rất cố gắng để giảm lãi suất, chi phí vay nhưng ở đâu đấy vẫn có những chính sách làm tăng chi phí rất lớn, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn của doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Phó Tổng Thư ký VCCI cho rằng, cộng hưởng chính sách là điều rất quan trọng trong thời gian tới.