Đồng bộ các giải pháp để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương
Địa phương chiếm gần 80% tổng số vốn đầu tư công phải giải ngân năm 2020. Như vậy, để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì vai trò của các địa phương trong công tác này là rất quan trọng.
Việc nhận diện những khó khăn, thách thức trong giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương là rất cấp thiết, để tháo gỡ nút thắt đó cần sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của các cấp chính quyền địa phương...
Chủ động triển khai đồng bộ các giải phápđẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Giải ngân vốn đầu tư công được coi là "cứu cánh" cho nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài. Giải ngân vốn đầu tư công không chỉ đơn thuần góp phần tăng trưởng, phát triển cơ sở kinh tế hạ tầng mà còn giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng triệu người dân.
Nhận thức sâu sắc và toàn diện vai trò quan trọng của công tác giải ngân vốn đầu tư công đối với phát triển kinh tế-xã hội địa phương nói riêng và nền kinh tế nói chung, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công như: Quyết định số 1706/QĐ-TTg ngày 29/11/2019 về giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Quyết định số 1053/QĐ-TTg ngày 17/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020 tại một số bộ, cơ quan, địa phương...
Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; bám sát kế hoạch thời gian qua, chính quyền các địa phương đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, cụ thể:
- Tỉnh Ninh Bình đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, các cấp chính quyền quyết liệt vào cuộc. Ninh Bình đã tổ chức họp HĐND định kỳ hàng tháng để điều chuyển vốn từ công trình này sang công trình khác. Bí thư, Phó Bí thư thường trực hỗ trợ, đồng hành cùng chủ tịch các huyện để trực tiếp vận động hệ thống chính trị đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Đồng thời, Tỉnh đã tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình; yêu cầu các chủ dự án cam kết tiến độ thực hiện giải ngân và định kỳ hàng tuần báo cáo với UBND Tỉnh; kịp thời khen thưởng, biểu dương những nơi làm tốt; phê bình những nơi còn chậm và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Đặc biệt, trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, kinh nghiệm rút ra từ tỉnh Ninh Bình là tăng cường mật độ các cuộc họp của HĐND để giải quyết các thủ tục, đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; Ninh Bình đã, đang nỗ lực hoàn thiện thủ tục và tập trung giải phóng mặt bằng được coi là hai khâu trọng tâm trong lĩnh vực này.
Đối với khâu giải phóng mặt bằng vướng mắc thường xuyên nhất trong giải ngân vốn đầu tư công, Ninh Bình chủ động khắc phục khó khăn trong thủ tục liên quan đến quản lý đất đai để đảm bảo đủ điều kiện thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, Tỉnh cũng đề cao vai trò của lãnh đạo huyện – Trưởng ban giải phóng mặt bằng trên địa bàn để đôn đốc, giao trách nhiệm thực hiện dưới sự hỗ trợ của Tỉnh. Ninh Bình cam kết sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thậm chí sẵn sàng tiếp nhận vốn chậm giải ngân từ nơi khác chuyển về.
Với những cách làm chủ động, quyết liệt đó, đến nay tỉnh Ninh Bình đã giải ngân 72% trong tổng số vốn được giao trên 3.000 tỷ đồng. Nhờ đó, Ninh Bình xếp thứ 3/11 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và là 1 trong những địa phương tốp đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công.
- Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã đảm bảo kịp thời nguồn vốn để giải ngân, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công; thực hiện điều chuyển vốn cho các dự án, công trình triển khai chậm, hiệu quả thấp để bố trí vốn cho các dự án quan trọng, tiến độ triển khai nhanh, có khả năng hoàn thành trong năm. Đồng thời, rà soát để bổ sung nguồn vốn góp phần xử lý nợ xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ một số dự án cấp bách trên địa bàn. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Hà Tĩnh đã giải ngân hơn 2.700 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch, cao hơn mức giải ngân bình quân chung của cả nước.
- Tại Cao Bằng, Chủ thịch UBND Tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 16/3/2020 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020; Kế hoạch số 1180/KH-UBND ngày 13/5/2020 về Kế hoạch hành động chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn; Tổ chức Hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn do Bí thư Tỉnh chủ trì, thành phần tham dự gồm UBND tỉnh, các sở, ngành, các huyện, thị xã và ban quản lý dự án để phản ảnh những khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án, trên cơ sở đó gắn trách nhiệm giải quyết cho từng sở, ngành và chủ đầu tư.
- Tỉnh Bắc Cạn đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 10/4/2020 về tăng cường công tác chỉ đạo giải ngân các nguồn vốn đầu tư năm 2020, thành lập Ban chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tỉnh Bắc Kạn. Đồng thời, thành lập tổ liên ngành do Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Tỉnh làm trưởng đoàn tổ chức kiểm tra việc giải ngân vốn các dự án tại 08 huyện, thành phố; yêu cầu các huyện hàng tuần có báo cáo kết quả giải ngân vốn chi tiết từng dự án về UBND Tỉnh, để có giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
- Tỉnh Lạng Sơn tổ chức giao ban hàng tháng yêu cầu các sở, ngành, chủ đầu tư báo cáo về tiến độ giải ngân vốn các dự án, nêu rõ các vướng mắc để kịp thời có những giải pháo tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn các dự án. Yêu cầu các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 40% thực hiện cam kết tiến độ thực hiện, giải ngân trước 25/9/2020 đảm bảo tỷ lệ giải ngân đạt 60% kế hoạch vốn, trong tháng 8/2020 đối với các dự án chậm thực hiện thủ tục, không có khả năng giải ngân đạt tỷ lệ 60% vốn trong tháng 9/2020 để điều chuyển sang các dự án có nhu cầu giải ngân, còn thiếu vốn để đảm bảo tỷ lệ giải ngân đến hết 25/9/2020 đạt 60%.
Thực tiễn triển khai giải ngân vốn đầu tư công cho thấy, cơ chế giao vốn, phân bổ vốn, tổ chức điều hành và triển khai các dự án khởi công mới thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2020 được áp dung theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương đến nay vẫn còn chậm.
- Tỉnh Hải Dương thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong tháng 7/2020 phải rà soát, lập kế hoạch chi tiết về thực hiện đầu tư, giải ngân vốn thanh toán năm 2020 cho từng dự án và cam kết thực hiện giải ngân theo đúng kế hoạch đề ra.
- Tỉnh Thái Nguyên tham mưu cho cấp ủy ban hành Chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2020; Ban hành Kế hoạch hành động của UBND các cấp thực hiện chỉ thị của cấp ủy địa phương, trong đó định kỳ hàng tuần UBND các cấp họp đánh giá, đề ra các biện pháp cụ thể thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.
- Tỉnh Tuyên Quang yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết đến từng công trình, dự án; định kỳ 10 ngày/lần báo cáo UBND Tỉnh về tiến độ thực hiện, giải ngân để kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc (nếu có). Tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công, yêu cầu các sở chuyên ngành, UBND cấp huyện đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình phê duyệt dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu.... Tăng cường đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các chủ đầu tư trong việc triển khai đầu tư xây dựng theo quy định hiện hành.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương , mặc dù đối diện với nhiều khó khăn của đại dịch Covid – 19 nhưng một số địa phương cũng đã bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Phú Thọ, Lào Cai, Bắc Ninh, Hà Nam, Tiền Giang đạt tỷ lệ giải ngân đạt 44-45%, có những địa phương đạt 60-70%.
Nhận diện những khó khăn, tồn tại
Mặc dù, được sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời của các bộ, ngành các cấp chính quyền địa phương nhưng trên thực tế triển khai giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương vẫn còn độ trễ nhất định, chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Thực tiễn triển khai giải ngân vốn đầu tư công cho thấy, cơ chế giao vốn, phân bổ vốn, tổ chức điều hành và triển khai các dự án khởi công mới thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2020 được áp dung theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương đến nay vẫn còn chậm. Từ thực tiễn triển khai giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương, cần nhận diện một số khó khăn, vướng mắc như sau:
Một là, trong các tháng đầu năm 2020 ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các tỉnh phải tập trung phòng chống dịch bệnh; đồng thời việc huy động nhân công gặp khó khăn đã ảnh hưởng tới tiến độ thi công, đặc biệt là một số dự án lớn, dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án... Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Hai là, vốn bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với nguồn vốn 10% dự phòng ngân sách trung ương và nguồn 10.000 tỷ đồng giao cho các dự án thuộc danh mục Nghị quyết số 797/NQ-UBTVQH14 còn chậm (Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 03/6/2020; Quyết định số 1145/QĐ-TTg ngày 29/7/2020). Sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ các địa phương phải báo cáo Hội đồng nhân dân để thực hiện phân bổ vốn cho các dự án; triển khai các thủ tục đầu tư để triển khai dự án theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật đấu thầu, Luật Xây dựng.
Ba là, các công trình, dự án khởi công mới năm 2020 phải cập nhật lại dự toán theo quy định tại Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ và Thông tư số 10/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ Xây dựng Ban hành định mức xây dựng, dẫn tới kéo dài thời gian thực hiện.
Bốn là, một số công trình, dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng do người dân chưa đồng thuận ngay với chính sách đền bù, yêu cầu xác định giá bồi thường sát giá thị trường, dẫn đến tình trạng khiếu kiện ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng chậm triển khai dự án.
Năm là, công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền địa phương còn chưa sát sao, quyết liệt, sự phối hợp giữa các ngành, huyện, thành phố còn thiếu chặt chẽ, kịp thời để tháo gỡ khó khăn triển khai các dự án, đặc biệt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Một số chủ đầu tư chưa quyết liệt đôn đốc các nhà thầu hoàn thiện thủ tục nghiệm thu khối lượng để thanh toán qua kho bạc, năng lực chủ đầu tư cấp xã còn hạn chế, còn lúng túng trong triển khai thực hiện dự án, nhất là khâu lập hồ sơ một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Tháo gỡ “nút thắt” giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương
Để thực hiện tốt hơn nữa các mục tiêu đề ra, các tỉnh cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc, kịp thời Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Văn bản số 622/TTg-KTTH ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 và thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giải ngân vốn đầu tư công.
Một số chủ đầu tư chưa quyết liệt đôn đốc các nhà thầu hoàn thiện thủ tục nghiệm thu khối lượng để thanh toán qua kho bạc, năng lực chủ đầu tư cấp xã còn hạn chế, còn lúng túng trong triển khai thực hiện dự án, nhất là khâu lập hồ sơ, một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Thứ hai, khẩn trương hoàn thành việc giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 cho các dự án và khẩn trương hoàn tất các thủ tục đầu tư, tổ chức thực hiện các dự án vừa được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (tại Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1145/QĐ-TTg ngày 29/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ), cũng như các dự án khởi công mới đến nay chưa triển khai thực hiện.
Thứ ba, chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thành việc thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án được giao kế hoạch trong năm 2020; hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án quy mô lớn, quan trọng; thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư cho dự án trong thời hạn 04 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo quy định.
Thứ tư, yêu cầu Kho bạc Nhà nước, phối hợp với Sở Tài chính thường xuyên cung cấp số liệu giải ngân vốn chi tiết từng dự án cho lãnh đạo tỉnh (Bí Thư, Chủ tịch) để kịp thời chỉ đạo điều hành (định kỳ hàng tuần, hàng tháng).
Thứ năm, có chế tài nghiêm khắc, quy trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan, tổ chức; Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Thứ sáu, ban hành kế hoạch giải ngân cho từng chủ đầu tư, yêu cầu chủ đầu tư cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án; duy trì chế độ giao ban hàng tuần, hàng tháng và tổ chức kiểm tra để chỉ đạo công tác giải ngân vốn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
Thứ bảy, tập trung chỉ đạo giải ngân 100% số vốn thuộc kế hoạch năm 2019 được phép kéo dài sang năm 2020 theo đúng Nghị quyết năm 84/NQ-CP và đẩy mạnh giải ngân vốn thuộc kế hoạch năm 2020. Trường hợp, dự án giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết đề nghị thực hiện điều chuyển vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; xem xét điều chuyển chủ đầu tư dự án theo thẩm quyền; đối với số vốn nước ngoài các năm trước thuộc kế hoạch trung hạn không thể triển khai được, cần hủy. Đề nghị các địa phương sớm thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để báo cáo cấp có thẩm quyền điều chuyển giảm vốn.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội, Luật Đầu tư công số 39;
2. Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19;
3. Nghị quyết số 87/2019/QH14 ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020;
4. Quyết định số 1706/QĐ-TTg ngày 29/11/2019 về giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương;
5. Văn bản số 622/TTg-KTTH ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020;
6. Văn bản số 945/BTC-ĐT ngày 30/7/2020 của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 6 tháng và ước thực hiện 7 tháng năm 2020;
7. Báo cáo số 8485/BC-UBND ngày 20/7/2020 của UBND tỉnh Đồng Nai về tình hình phát triển kinh tế xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ triển khai dự án thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành;
8. Báo cáo số 91/BC-UBND ngày 5/8/2020 của tỉnh Tuyên Quang tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh;
9. Báo cáo số 115/BC-UBND ngày 24/7/2020 của UBND tỉnh Thái Nguyên về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2020.