Đồng bộ các giải pháp phát triển logistics khu vực nông thôn


Thực tế cho thấy, việc phát triển hệ thống logistics nông thôn có thể tạo ra các kênh phân phối hiệu quả, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực thành thị và nông thôn, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản cũng như cung cấp hàng tiêu dùng giá rẻ, chất lượng cao cho khu vực nông thôn. Đối với Việt Nam, do đặc thù phân bố dân cư phần lớn tập trung tại khu vực nông thôn, việc phát triển logistics nông thôn càng có ý nghĩa đặc biệt hơn. Bài viết trao đổi về vai trò, tiềm năng, thách thức trong phát triển lĩnh vực logistics nông thôn ở Việt Nam, qua đó đề xuất giải pháp phát triển lĩnh vực này thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đặt vấn đề

Logistics đóng một vai trò quan trọng trong phân phối hàng hóa. Tại Việt Nam, trong bối cảnh nông thôn đang thay đổi nhanh chóng trước xu thế đô thị hóa, hệ thống logistics khu vực nông thôn vẫn còn yếu, cơ cấu tổ chức chưa đầy đủ, khiến việc phân phối hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ từ các DN logistics vẫn còn nhiều hạn chế. Các DN này chủ yếu tập trung cung cấp dịch vụ tại các đô thị, trung tâm kinh tế lớn mà chưa quan tâm nhiều đến các khu vực nông thôn. Có thể nói, hệ thống logistics khu vực nông thôn của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp.

Do vậy, việc thúc đẩy phát triển logistics nông thôn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều chỉnh cơ cấu và công nghiệp hóa nông nghiệp, hỗ trợ quan trọng cho quá trình hiện đại hóa nông nghiệp. Phát triển logistics nông thôn góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực thành thị và nông thôn, phát triển hài hòa và ổn định xã hội.

Mô hình logistics nông thôn và những lợi ích

Mô hình logistics nông thôn gắn với thương mại điện tử

Theo Đức Hoàng (2016), có 3 mô hình logistics phổ biến giao hàng đến các vùng sâu, vùng xa ở nông thôn gồm: Chi nhánh ở vùng nông thôn (Mỗi chi nhánh đều có kho chứa hàng được chuyển lên từ đại lý, hoặc trực tiếp từ nhà sản xuất); Kho phụ ở khu vực địa bàn xa (Thường là khủng hoảng vài chục mét vuông dùng để dự trữ hàng, phòng trường hợp thiếu hàng giữa hai lần xe hàng từ đại lý lên); và Đại lý thứ cấp (Tức bán hàng thông qua một đối tác trung gian. Với mô hình này, đại lý sẽ tập trung bán hàng và giao hàng tới những cửa hàng bán buôn).

Tuy nhiên, sự phát triển của logistics nông thôn hiện nay đã và sẽ chịu nhiều tác động từ xu thế công nghệ số nói chung và thương mại điện tử nói riêng. Trong đó, dự báo, mô hình "Logistics hai chiều" - nông thôn gắn với thương mại điện tử sẽ có vai trò hết sức quan trọng. Các thành phần cơ bản của mô hình "Logistics hai chiều" bao gồm: Người nông dân, người tiêu dùng thành phố, nền tảng thương mại điện tử (trung tâm của mô hình), người bán hàng tiêu dùng và vật tư nông nghiệp, các DN logistics, các công ty tài chính và bảo hiểm, các dịch vụ xã hội và các cơ quan bảo lãnh. Với nền tảng thương mại điện tử là trung tâm, có thể thấy 2 luồng di chuyển hàng hóa như sau:

Thứ nhất, người nông dân ở nông thôn đặt hàng các sản phẩm tiêu dùng, vật tư nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử từ người bán hàng. Các DN logistics sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển đến cho người mua.

Thứ hai, người tiêu dùng thành phố đặt hàng các sản phẩm nông nghiệp-lúc này người nông dân đóng vai trò người bán. Các DN logistics sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển đến cho người mua.

Cùng với đó, các sản phẩm, dịch vụ số sẽ được tích hợp với nền tảng thương mại điện tử nông thôn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán, sản xuất của các bên liên quan (Tín dụng, bảo hiểm, an sinh xã hội…).

Lợi ích

Có thể chỉ ra những lợi ích to lớn của việc phát triển logistics nông thôn trong bối cảnh hiện nay:

- Giúp nông dân thu hoạch và tiếp thị nông sản hiệu quả hơn và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử.

- Giúp tạo ra các kênh phân phối hiệu quả giữa thành thị và khu vực nông thôn; nâng cao chất lượng và giá trị nông sản; và cung cấp hàng tiêu dùng giá rẻ, chất lượng cao cho nông thôn.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều chỉnh cơ cấu và công nghiệp hóa nông nghiệp, do đó hỗ trợ quan trọng cho quá trình hiện đại hóa ngành Nông nghiệp.

- Tác động sâu sắc đến thu nhập, cơ hội làm việc và cuộc sống hàng ngày của cư dân nông thôn, cũng như tăng cường kết nối mối quan hệ giữa thành thị và nông thôn, đồng thời giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo, thu nhập giữa thành thị và nông thôn.

- Giúp cân bằng các dịch vụ thiết yếu, cơ bản được cung cấp ở thành thị và nông thôn, góp phần tạo sự hài hòa về xã hội.

Tiềm năng và thách thức trong phát triển dịch vụ logistics nông thôn ở Việt Nam

Tiềm năng

Phát triển dịch vụ logistics ở nông thôn hiện nay được xem là một trong những xu hướng sẽ tạo ra những giá trị to lớn cho ngành Logistics. Việt Nam hiện có khá nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ này, cụ thể:

- Chủ trương xây dựng nông thôn mới cùng với các chủ trương, chính sách, chương trình của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển kinh tế các địa phương, qua đó góp phần mở rộng mạng lưới đường giao thông nông thôn. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cả nước đến nay đã có hơn 1.000 km đường cao tốc được đưa vào khai thác; gần 600.000 km đường quốc lộ, đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng; hàng nghìn cây cầu từ thô sơ đến hiện đại đã hiện diện khắp mọi miền đất nước. Điều này sẽ là cơ sở, động lực khuyến khích các DN triển khai dịch vụ logistics nông thôn trong chiến lược, kế hoạch kinh doanh của mình.

- Đời sống người dân ở các vùng nông thôn ngày càng cao, thu nhập càng tăng nên nhu cầu mua bán cũng sẽ tăng, từ đó kéo theo lĩnh vực logistics nông thôn phát triển.

- Sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt của phân khúc logistics ở khu vực thành thị, các thành phố lớn sẽ bắt buộc các DN phải mở rộng mạng lưới hoạt động kinh doanh của mình ra các thị trường khác, trong đó có thị trường nông thôn.

- Sự phát triển của thương mại điện tử và xu hướng dùng điện thoại thông minh ngày càng nhiều ở khu vực nông thôn sẽ kích thích mua bán, tiêu dùng ở vùng nông thôn và kéo theo hoạt động logistics nông thôn phát triển.

Thách thức đặt ra

Việc phát triển hệ thống logistics của Việt Nam hiện nay đang đối mặt với không ít thách thức, rào cản như:

- Chưa có khuôn khổ pháp lý điều chỉnh riêng đối với hoạt động logistics nông thôn.

- Mạng lưới đường giao thông nông thôn chưa hoàn thiện, khiến cho DN cung cấp dịch vụ logistics nông thôn chưa mạnh dạn đầu tư, mở rộng dịch vụ này.

- Địa hình phức tạp ảnh hưởng đến việc phát triển dịch vụ logistics nông thôn và các dịch vụ đi kèm.

- Chi phí cao trong khi lợi nhuận mang lại từ phát triển logistics nông thôn chưa tương xứng, điều này cũng khiến DN chưa mạnh dạn đầu tư.

Đồng bộ các giải pháp phát triển lĩnh vực logistics nông thôn thời gian tới

Nhằm phát triển lĩnh vực logistics nông thôn trong thời gian tới, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ logistics nói chung và logistics nông thôn nói riêng phát triển nhằm tận dụng được lợi thế của Việt Nam. Cùng với đó, cải thiện các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật liên quan đến hoạt động lưu thông hàng hóa gắn với nền tảng thông tin, thiết bị và công nghệ hiện đại để hỗ trợ cho các hoạt động logistics nông nghiệp, nông thôn.

Hai là, mở rộng kênh cung cấp tài chính và các kênh đầu tư, hợp lý hóa các thủ tục hồ sơ vay vốn và hỗ trợ tài chính cho các DN logistics nông thôn phát triển. Đồng thời, xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng và thương mại, trong đó cần xếp hạng tín nhiệm cho các nhà điều hành kinh doanh có liên quan kể cả DN cung cấp dịch vụ logistics nông thôn...

Ba là, thúc đẩy tính liên kết giữa các nền tảng thông tin logistics của các DN logistics và hệ thống thông tin DN để liên kết hiệu quả các bên tham gia khác nhau trong chuỗi cung ứng. Chính phủ đóng vai trò điều phối trong nỗ lực khuyến khích các DN chuyển phát, DN vận tải nông thôn (chẳng hạn như xe bus) và các doanh nghiệp logistics sử dụng dịch vụ của bên thứ 3 để kết nối với nhau và chia sẻ nguồn lực nhằm từng bước giảm chi phí logistics nông thôn.

Bốn là, xây dựng hạ tầng logistics dùng chung phục vụ cho logistics hai chiều từ nông thôn về thành thị và ngược lại. Tăng cường phối hợp lập kế hoạch nhằm đạt được sự kết nối hiệu quả giữa cơ sở hạ tầng logistics nông thôn, nền tảng công nghệ thông tin và mạng lưới phân phối. Thành lập các tổ chức nghiên cứu chuyên nghiệp, khuyến khích họ đưa ra các kế hoạch liên quan đến phát triển và cải thiện logistics nông thôn.

Năm là, xây dựng các trung tâm logistics nông thôn toàn diện, đa chức năng. Đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển các trung tâm logistics với các chức năng toàn diện liên quan đến lưu thông, chế biến, bảo quản, vận chuyển và phân phối nông sản. Tăng cường sự liên kết giữa các trung tâm logistics hiện có và các cơ sở sản xuất nông nghiệp, các chợ đầu mối nông sản và các điểm phân phối, các trung tâm phân phối đầu vào nông nghiệp, cũng như các trung tâm phân phối bưu điện, nhằm nâng cao hiệu quả của dịch vụ logistics nông thôn.

Sáu là, đẩy nhanh việc xây dựng các điểm phục vụ logistics nông thôn cấp quận/huyện. Theo đó, Chính phủ và chính quyền địa phương cần tăng cường tích hợp các nguồn lực logistics nông thôn liên quan đến vận tải, thương mại, cung ứng và tiếp thị nông trại, và các dịch vụ chuyển phát; phát triển mạng lưới logistics nông thôn dựa trên ba cấp (quận hoặc huyện, thị xã và làng hành chính). Các trung tâm logistics nông thôn cũng nên kết hợp với các chợ, các điểm thu mua nông sản, các trung tâm tái chế tài nguyên tái tạo và các trung tâm phân phối nông sản đầu vào...

Bảy là, cải thiện việc bố trí các điểm trung chuyển logistics cấp thị trấn. Xúc tiến việc chuyển đổi các bến hành khách nông thôn cấp thị trấn theo mô hình “ba nhà ga trong một” (nhà ga hành khách, trạm kiểm soát giao thông và cửa hàng logistics nông thôn). Các điểm này có thể kết hợp các chức năng sau: (i) dịch vụ vận tải hành khách, (ii) kiểm soát giao thông, (iii) kho đầu vào nông nghiệp, (iv) kho hàng nông sản, (v) lưu kho và phân phối hàng tiêu dùng, (vi) tái chế tài nguyên tái tạo, và (vii) thu thập và phân phối bưu kiện nhanh.

Tám là, chính quyền quận và thị xã nên thúc đẩy việc sử dụng các siêu thị nông thôn, cửa hàng làng, điểm dịch vụ bưu điện, hợp tác xã trang trại; Chú trọng phát triển các trung tâm logistics nông thôn nhỏ gọn như các điểm đầu - cuối, tận dụng lợi thế cả về phân phối và thu gom hàng hóa.

Tóm lại, logistics nông thôn không chỉ mang lại lợi ích cho đời sống của người nông dân, nâng cao thu nhập kinh tế của người nông dân mà còn thúc đẩy quá trình sản xuất và phát triển nông nghiệp. Để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn- thành thị, góp phần hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, Nhà nước cần tiếp tục chú trọng đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics nông thôn trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

  1. 1. Đức Hoàng (2016), 3 xu hướng kinh doanh mới giúp tăng trưởng ngành logistics, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, https://doanhnhansaigon.vn;
  2. 2. Logistics & bài toán giao hàng hiệu quả ở nông thôn Việt Nam, https://logistics4vn.com/logistics-bai-toan-giao-hang-hieu-qua-o-nong-thon-viet-nam;
  3. 3. Government of the People’s Republic of China, National Development and Reform Commission (2014), Medium- and Long-Term Plan for Development of Logistics Industry. No. 42. Beijing;
  4. 4. Government of the People’s Republic of China, State Council (2015), State Council Directive on Rural E-Commerce Development. No. 78. Beijing.

* ThS. Cao Cẩm Linh, Tổng công ty cổ phần bưu chính Viettel (Viettel Post)

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 10/2021.