Phát huy hiệu quả thanh tra, kiểm tra điện tử trong quản lý lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Trong những năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác thu, phát triển đối tượng, giảm nợ đọng, nhất là giảm thiểu tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả từ công tac thanh tra, kiểm tra theo phương thức điện tử, cơ quan bảo hiểm xã hội cần triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp với tình hinh thực tế.
Kết quả tích cực từ thanh tra, kiểm tra theo phương thức điện tử
Thời gian qua, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thanh tra, kiểm tra kết hợp giữa phương pháp thanh tra, kiểm tra truyền thống và phương pháp điện tử, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác thu, phát triển đối tượng, giảm nợ đọng, nhất là giảm thiểu tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT).
Đặc biệt, việc áp dụng phương thức thanh tra, kiểm tra điện tử đã giúp công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; tổ chức rà soát, phân tích dữ liệu ở giai đoạn trước khi làm việc trực tiếp với đối tượng thanh tra, kiểm tra đã giúp đoàn thanh tra, kiểm tra đánh giá, khoanh vùng, lựa chọn mẫu cần kiểm tra thực tế; nâng cao khả năng phát hiện, nhận diện dấu hiệu sai sót, vi phạm một cách toàn diện, từ đó giúp nâng cao chất lượng và kết quả thanh tra, kiểm tra.
Đồng thời, qua phân tích dữ liệu cũng có thể phát hiện kẽ hở trong quản lý hoặc các hạn chế trong thực hiện các quy trình nghiệp vụ của cơ quan BHXH. Từ năm 2020 đến nay, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Trong bối cảnh đó, BHXH Việt Nam đã thay đổi cách thức tổ chức triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra; tăng cường cải tiến phương pháp thanh tra, kiểm tra, tăng tỷ trọng thời gian tự rà soát, phân tích dữ liệu và cắt giảm tối thiểu thời gian làm việc trực tiếp với đối tượng thanh tra, kiểm tra là doanh nghiệp, cơ sở khám chữa bệnh.
Nhờ đó, trong hai năm (2020 và 2021), ngành BHXH Việt Nam đã chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 24.104 đơn vị (thanh tra chuyên ngành tại 11.739 đơn vị, kiểm tra tại 8.139 đơn vị sử dụng lao động, 709 cơ sở khám chữa bệnh BHYT; thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 3.517 đơn vị).
Đặc biệt, qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan BHXH đã phát hiện gần 77.221 trường hợp sai phạm về đối tượng, mức đóng với số tiền truy thu gần 276 tỷ đồng; các đơn vị khắc phục ngay số tiền 1.523 tỷ đồng trên tổng số 4.508 tỷ đồng nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT; yêu cầu thu hồi về Quỹ BHXH gần 14,8 tỷ đồng, về Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 3,3 tỷ đồng, về Quỹ BHYT là 142,2 tỷ đồng.
Năm 2021, do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, BHXH Việt Nam đã rà soát trên cơ sở dữ liệu Ngành quản lý của 5 BHXH tỉnh, thành phố (gồm: Thanh Hóa, Hải Phòng, Kiên Giang, Ninh Bình và Nam Định) với 22 đơn vị có dấu hiệu vi phạm về đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Kết quả khắc phục số nợ của các đơn vị tính đến ngày 31/12/2021 là 28/42 tỷ đồng, đạt gần 70%.
Với khả năng rà soát, phân tích dữ liệu lớn, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thanh tra, kiểm tra đã giúp các đoàn thanh tra, kiểm tra được 100% hồ sơ nghiệp vụ (kể cả đối với các doanh nghiệp có hàng nghìn lao động hoặc cơ sở y tế có hàng triệu lượt khám chữa bệnh BHYT), so với phương pháp thanh tra, kiểm tra truyền thống trước đây (chỉ kiểm tra xác suất được một số hồ sơ nhất định do bị giới hạn về thời gian).
Theo các chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thanh tra, kiểm tra đã giúp phát hiện nhiều sai sót, vi phạm mà trước đây rất khó phát hiện hoặc không thể phát hiện bằng phương pháp truyền thống như: Dùng thẻ BHYT cùng lúc khám bệnh ngoại trú ở nhiều cơ sở y tế; sử dụng 01 thẻ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh với tần suất lớn (có trường hợp thanh toán đến 27 lần/tháng); thanh toán BHYT sau khi người có thẻ đã chết; cơ sở y tế thu trùng của người bệnh BHYT khoản chi phí đã được cơ quan BHXH thanh toán; nhân viên y tế hành nghề trùng thời gian tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh.
Bên cạnh lợi ích trên, hoạt động thanh tra, kiểm tra theo phương thức điện tử còn giúp các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ quan BHXH tăng năng suất công việc, nâng cao chất lượng, kết quả thanh tra, kiểm tra nhưng đã rút ngắn thời gian làm việc trực tiếp tại các đơn vị, đảm bảo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng được thanh tra, kiểm tra.
Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng linh hoạt cách thức tổ chức tiến hành trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đã giúp giảm thiểu việc thanh tra trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị, không vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nhưng vẫn đem lại hiệu quả; kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT.
Tóm lại, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH Việt Nam trong những năm qua đã phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác thu, phát triển đối tượng, giảm nợ đọng, nhất là giảm thiểu tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHXH, BHYT.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh tra, kiểm tra
Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý rủi ro, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, cũng như răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam đã xây dựng phần mềm “Dấu hiệu nhận diện hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT”.
Theo đó, phần mềm này được kết nối với các phền mềm, công cụ quản lý nghiệp vụ khác của ngành BHXH Việt Nam, thường xuyên tự động cập nhật, phân tích dữ liệu để đưa ra các dấu hiệu nhận diện vi phạm pháp luật BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT thuộc 3 lĩnh vực nghiệp vụ (thu BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; giải quyết, thanh toán các chế độ BHXH, bảo hiểm, BHYT) của 5 nhóm đối tượng (cá nhân, đơn vị trong ngành BHXH Việt Nam; cơ sở khám chữa bệnh; đơn vị sử dụng lao động; đại lý thu, đại diện chi trả; người lao động, người tham gia và hưởng chế độ). Việc xây dựng phần mềm đảm bảo tính bảo mật, an toàn thông tin.
Để đáp ứng được yêu cầu thời gian, hiệu suất khai thác, thời gian tới, BHXH Việt Nam tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu nghiệp vụ của theo hướng dữ liệu tập trung toàn quốc và có sự đồng bộ, liên kết giữa các cơ sở dữ liệu thu, chi, hưởng chế độ.
Đảm bảo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ như: đường truyền internet, thiết bị mạng, máy tính, thiết bị lưu trữ và các phần mềm, giải pháp an ninh, bảo mật… để việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra, kiểm tra được kịp thời, an toàn, hiệu quả. Hoàn thiện Phần mềm “Dấu hiệu nhận diện hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT”.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam tiếp tục rà soát, sửa đổi pháp luật thanh tra cho phù hợp với tình hình mới về chuyển đổi số theo hướng xác định giá trị pháp lý “dữ liệu” của các đơn vị như là một báo cáo quyết toán và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thẩm quyền, trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ là dữ liệu trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra để cải tiến phương pháp, nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian làm việc song vẫn đảm bảo tuân thủ đúng quy trình quy định của pháp luật về thanh tra, xử lý vi phạm hành chính.
Đặc biệt, với việc xây dựng thành công hệ thống tự động cảnh báo rủi ro, nhận diện hành vi vi phạm sẽ kịp thời ngăn chặn hoặc phát hiện sai phạm, góp phần giảm tải khối lượng công việc, nâng cao hiệu quả cho hoạt động thanh tra, kiểm tra và hiệu quả quản lý của ngành BHXH Việt Nam.
* Theo ThS. Phương Mai Anh - Trường Đai học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp.
** Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2022.