Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi:
Đóng góp hiệu quả của báo chí giúp ngành Tài chính đạt được nhiều kết quả tích cực
Chiều 30/3/2023, Bộ Tài chính tổ chức Họp báo thường kỳ quý I/2023. Tham dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính và các cơ quan thông tấn, báo chí. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì cuộc họp.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi bày tỏ cảm ơn sự phối hợp, hỗ trợ có hiệu quả của các phóng viên, biên tập viên, các cơ quan thông tấn, báo chí đối với Bộ Tài chính trong thời gian qua. Nhờ đó, Bộ Tài chính có đủ điều kiện để thực hiện và đạt nhiều kết quả khả quan trong triển khai nhiệm vụ của ngành Tài chính trong 3 tháng đầu năm 2023.
Đảm bảo duy trì quyền đánh thuế của Việt Nam
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến Luật Thuế thu nhập cá nhân, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, trong năm qua, Bộ Tài chính đã có nhiều chương trình xây dựng pháp luật, trong đó có nhiệm vụ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân. Theo ông Đặng Ngọc Minh, Tổng cục Thuế đã tổng hợp với các đơn vị chức năng để đưa vào Đề án sửa luật gồm 17 nhóm vấn đề. Tuy nhiên, do chương trình sửa đổi pháp luật, sửa đổi luật phải có thời gian nghiên cứu, ưu tiên nên hiện nay Chính phủ đã báo cáo lên Quốc hội sẽ đưa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào chương trình sửa đổi năm 2025.
“Về phía Bộ Tài chính cũng như Tổng cục Thuế, chúng tôi luôn luôn đánh giá, ghi nhận ý kiến vướng mắc trong việc thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân để tổng hợp tài liệu đưa vào chương trình sửa đổi chung của Chính phủ, Quốc hội”, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh.
Về vấn đề hoàn thuế, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho hay, trong một năm, cơ quan thuế được Quốc hội, Chính phủ giao hoàn thuế khoảng 150.000 tỷ đồng/năm. Thời gian qua, đối với hoàn thuế xuất khẩu của các doanh nghiệp, đã xuất hiện tình trạng vi phạm sử dụng hóa đơn đầu vào bất hợp pháp để hợp thức hóa đầu vào. Đơn cử vào năm 2021 tại Phú Thọ đã có vụ việc liên quan đến doanh nghiệp thu gom dăm gỗ bị Công an Phú Thọ phối hợp với cơ quan thuế điều tra. Chính vì thế, ông Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh, việc hoàn thuế xuất khẩu cần có biện pháp tăng cường.
“Pháp luật đã quy định rõ về việc hoàn trước, kiểm tra sau. Nếu có rủi ro thì kiểm tra trước, hoàn thuế sau. Riêng lĩnh vực dăm gỗ, đã có nhiều vụ việc được phát hiện và chuyển cho cơ quan an ninh điều tra các tỉnh, Bộ Công an để hỗ trợ điều tra xác minh. Trong quá trình xác minh, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo pháp luật. Để tăng cường công tác hoàn thuế, ngày 6/9/2022, Tổng cục Thuế đã có công văn gửi cục thuế các tỉnh, thành phố đẩy mạnh giải quyết hoàn thuế cho các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn. Đồng thời, để giải quyết hoàn thuế xuất khẩu nói chung và dăm gỗ nói riêng, chúng tôi sẽ phối hợp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và một số cơ quan của Chính phủ để đối thoại với doanh nghiệp, đánh giá rủi ro trong hoạt động xuất khẩu nói chung”, ông Đặng Ngọc Minh nêu.
Liên quan đến nội dung thuế tối thiểu toàn cầu được dư luận quan tâm, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh, đây là vấn đề quan trọng tác động trực tiếp đến chính sách ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, với thuế tối thiểu theo chương trình BEPS (hiện 143 nước tham gia, trong đó Việt Nam là thành viên thứ 100), để tránh cạnh tranh, các nước đưa mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu ở mức 15%. Một số đối tác lớn của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... sẽ áp dụng từ năm 2024, do đó, sẽ tác động trực tiếp đến Việt Nam. Hiện nay, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính vẫn đang bám sát ý kiến các nước này để có những giải pháp hiệu quả nhất.
Ông Đặng Ngọc Minh thông tin thêm, tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác và Bộ Tài chính cũng đã có tổ giúp việc Tổ công tác do Thứ trưởng Cao Anh Tuấn làm Tổ trưởng. Trong khuôn khổ, Bộ Tài chính đã có tờ trình báo cáo đánh giá tác động trực tiêp tới doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam. "Dự kiến tới đây Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì cuộc họp của Tổ công tác để đánh giá nội dung này, đảm bảo duy trì quyền đánh thuế của Việt Nam, nhưng vẫn phải đảm bảo hài hòa lợi ích của DN, hài hòa lợi ích trong, ngoài nước và tuân thủ quy định chung", ông Đặng Ngọc Minh cho biết.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh: “Thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề rất mới và quan trọng. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo thành lập tổ công tác và Bộ Tài chính đã có tổ giúp việc đánh giá tác động của chính sách này; đồng thời đề xuất giải pháp làm sao tận dụng được lợi thế, hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực của chính sách này. Vì là vấn đề mới, nên Bộ Tài chính cũng mong các nhà báo, cơ quan báo chí với những thông tin có được sẽ đóng góp cho Bộ, Chính phủ nên làm thế nào để đạt được mục tiêu chính sách và thực hiện.”
Đường dây nóng lúc nào cũng thông suốt
Tại buổi họp báo, trả lời phóng viên về vấn đề liên quan đến đường dây nóng phản ánh tình trạng ngân hàng bắt tay với doanh nghiệp “ép” khách hàng mua bảo hiểm, ông Doãn Thanh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, ngày 21/2/2023, Bộ Tài chính công bố đường dây nóng, bao gồm số điện thoại, email để tiếp nhận nhanh thông tin phản ánh của người dân về phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng và tổ chức tín dụng. Sau hơn 1 tháng, Bộ đã tiếp nhận 178 cuộc điện thoại và 218 email của công dân phản ánh về vấn đề này.
“Theo đó, việc xử lý thông tin này phải theo quy định chung của pháp luật, có cán bộ ghi nhận thông tin, sau đó phân loại thông tin rồi xác minh thông tin ban đầu vì nội dung thông tin chuyển đến cơ quan Nhà nước để hoàn thiện chính sách, còn những thông tin phản ánh mang tính chất tố cáo vi phạm pháp luật, hoặc có căn cứ thì đã hướng dẫn công dân chuyển đơn đến các cơ quan chức năng.”, ông Doãn Thanh Tuấn cho hay.
Cuối năm 2022, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã tổ chức 4 đoàn thanh tra về hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng. Quá trình thanh tra đã phát hiện có những sai phạm nhất định. “Cho đến nay, quá trình thanh tra đang trong giai đoạn hoàn thiện và sẽ ban hành kết luận trong thời gian tới.”, Phó Cục trưởng Doãn Thanh Tuấn cho biết.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định, đường dây nóng lúc nào cũng thông suốt, vừa hướng dẫn, phản ánh xem xét giải quyết theo thẩm quyền.
Tăng cường chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp lại cơ sở nhà đất
Tại buổi họp báo, thông báo về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn, ông Lê Xuân Hải – Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, giai đoạn 2016-2020 cổ phần hóa đã đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025, nhất là 2021-2022 đã bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh COVID-19 khiến công tác xác định, sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn đều bị ảnh hưởng lớn.
Trong năm 2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, năm 2022 ban hành 2 quyết định về phê duyệt đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2023. Đến nay, các địa phương đã và đang chỉ đạo các doanh nghiệp sắp xếp lại phải rà soát kiểm kê tài sản, xắp xếp lại nhà đất. Bộ Tài chính thường xuyên báo cáo Chính phủ, hướng dẫn bộ ngành địa phương đẩy nhanh công tác này.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ đã trực tiếp trả lời câu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.