Động lực mới cho nền kinh tế Nhật Bản
Hạ viện Nhật Bản vừa thông qua dự thảo ngân sách 112.570 tỷ yen (750 tỷ USD) cho năm tài chính tiếp theo bắt đầu vào tháng 4/2024 nhằm ổn định an sinh xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Gói ngân sách này được kỳ vọng tạo thêm động lực phát triển mới, trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước Mặt trời mọc đang xuất hiện những tín hiệu khả quan.
Theo truyền thông Nhật Bản, Hạ viện do liên minh cầm quyền gồm Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Kishida và Đảng Công Minh đã thông qua dự luật ngân sách nêu trên sau các cuộc thảo luận tại Ủy ban Ngân sách.
Theo quy định của Hiến pháp, ngân sách được ban hành 30 ngày sau khi được Hạ viện phê duyệt và việc ban hành ngân sách tài khóa năm 2024 hiện đã chắc chắn. Gói ngân sách trình Hạ viện vừa qua là ngân sách lớn thứ hai từ trước đến nay của Nhật Bản, chỉ thấp hơn ngân sách 114.380 tỷ yen được trình trong năm tài chính 2023.
Mục tiêu của khoản ngân sách này là “tiếp sức” cho phát triển kinh tế, xã hội trên nhiều mặt, trong đó có giúp các hộ gia đình đối phó với lạm phát và hỗ trợ các nỗ lực phục hồi ở những khu vực bị xảy ra động đất vào ngày đầu năm mới; trợ cấp cho các công ty để tăng lương cho người lao động…
Giới phân tích kỳ vọng rằng quyết định thông qua dự thảo ngân sách nêu trên của Hạ viện sẽ trở thành “liều thuốc tăng lực” kịp thời vực dậy kinh tế Nhật Bản, trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang xuất hiện thêm những tín hiệu tích cực.
Thống kê của Chính phủ Nhật Bản công bố hôm 1/3 cho biết, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 2,4% trong tháng 1 từ mức 2,5% của tháng trước, mức cải thiện đầu tiên trong ba tháng, do có ít người bị sa thải hơn trong bối cảnh thiếu lao động.
Theo các chuyên gia kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản được cải thiện là do tình trạng giảm số người rời bỏ công việc không tự nguyện do công ty phá sản hoặc tái cơ cấu.
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, trong số các lĩnh vực tăng lượng việc làm trong tháng 1, dịch vụ liên quan đến chất lượng cuộc sống và giải trí tăng 5,7%, thông tin và truyền thông tăng 4,5%.
Dù kinh tế đang phục hồi, thị trường việc làm xuất hiện “điểm sáng” nhưng thách thức phía trước của nền kinh tế Nhật Bản vẫn rất lớn.
Số liệu thống kê mới nhất của Chính phủ Nhật Bản cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm 2023 chỉ đạt 4.210 tỷ USD, thấp hơn so với 4.460 tỷ USD của Đức.
Theo đó, Nhật Bản chính thức đánh mất vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Riêng trong quý IV năm 2023, GDP của Nhật Bản cũng giảm 0,4%. Con số này không chỉ thấp hơn dự kiến mà còn xác lập kỷ lục hai quý tăng trưởng âm liên tiếp, khiến nền kinh tế xứ sở Hoa anh đào rơi vào suy thoái kỹ thuật.
Giới phân tích nhận định, có hai lý do chính khiến kinh tế Nhật Bản “rớt hạng”.
Một là, việc đồng yen liên tục mất giá trong năm 2023 đã làm xói mòn lợi nhuận xuất khẩu. Theo thống kê, đồng yen đã giảm đến 20% giá trị so với đồng USD trong hai năm 2022 và 2023, trong khi đồng euro lại tăng 3,7%, giúp GDP của Đức vượt Nhật Bản.
Hai là, Nhật Bản tiếp tục đối mặt với những khó khăn mang tính cơ cấu, dài hạn, bao gồm tình trạng già hóa dân số, tỷ lệ sinh thấp và lạm phát tăng cao, khiến tiêu dùng của người dân tiếp tục sụt giảm. Tiêu dùng cá nhân, chiếm hơn một nửa hoạt động kinh tế ở Nhật Bản, đã giảm 0,2% trong quý IV năm 2023.
Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản như Panasonic, Toshiba, Hitachi và Misubishi… từng phát triển bùng nổ trong vài thập kỷ trước nay đang ngày càng “thiếu sức sống” cùng khả năng đổi mới và sáng tạo, khiến nền kinh tế đất nước lún sâu hơn vào trạng thái trì trệ.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, việc vừa qua Nhật Bản để mất vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào tay nước Đức có thể là một đòn giáng mạnh vào đất nước Mặt trời mọc cũng như đối với Thủ tướng Fumio Kishida, theo đó, sẽ “làm thức tỉnh những cải cách kinh tế đang bị lãng quên” để đưa kinh tế Nhật Bản bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.
Hy vọng rằng, gói ngân sách khổng lồ mà Hạ viện Nhật Bản thông qua cuối tuần qua sẽ là khởi đầu của những cải cách quan trọng nhằm tạo động lực mới để kinh tế Nhật Bản hùng cường trở lại.