Động lực nào cho doanh nghiệp tăng trưởng trong thách thức?


Doanh nghiệp đang rất khó khăn nhưng trong thách thức, doanh nghiệp vẫn có thể nhìn thấy “cửa thoát hiểm”.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những tác động bất lợi, khó lường của kinh tế thế giới, gánh nặng lãi vay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và các động lực tăng trưởng của Việt Nam. Tăng trưởng xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp giảm sâu, trong đó tăng trưởng xuất nhập khẩu xuống âm trong khi niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp chưa cải thiện.

Tại hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2023 với chủ đề “Liên kết và phát triển doanh nghiệp hướng tới xây dựng nền kinh tế tự chủ”, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết thêm: năm nay tình hình thế giới khó khăn, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, tác động đến xuất nhập khẩu. Thế nhưng để chỉ số này rơi vào tình trạng âm, một trong những lý do chính là nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào FDI, vào xuất khẩu và một số đối tác, thị trường chính. Trong đó, 6 nhóm thị trường chính chiếm hơn 70% thị phần xuất khẩu của nước ta.

Ngoài các thách thức trên, TS. Cấn Văn Lực cùng đề cập đến một số thách thức khác đang hiện hữu mà nhiều doanh nghiệp, tổ chức quan tâm là điện, thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu, thị trường lao động. Trong khi đó, thực lực của doanh nghiệp về vốn, công nghệ, lao động, tự chủ nguyên vật liệu đầu vào, nhất là công nghiệp hỗ trợ còn yếu kém.

Chuyển đổi tư duy kinh doanh bền vững

Đề cập đến các thách thức song các chuyên gia kinh tế cùng cho rằng, song hành với đó là những cơ hội. Tình hình kinh tế thế giới và trong nước không bi quan đến mức không thể làm gì được. Trái lại nên xem đây là cơ hội để nhìn lại chính mình và chuyển đổi bắt kịp xu hướng phát triển của kinh tế thế giới cũng như có chính sách phù hợp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI cho biết: xu thế phát triển trên thế giới đang chuyển đổi tư duy có hệ thống hướng đến việc vận hành trách nhiệm, chuyển đổi từ kinh doanh nâu sang xanh. Việc chuyển đổi này bao hàm nhiều ý nghĩa, không chỉ doanh nghiệp chuyển đổi mà những người làm chính sách cũng chuyển đổi nhằm hướng đến xã hội phát triển bền vững, vận hành có trách nhiệm hơn.

Chuyển đổi tư duy có hệ thống với doanh nghiệp được thực hiện ra sao? Theo Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh, để tạo ra những giá trị mới và duy trì lợi thế cạnh tranh mới trong bối cảnh mới đầy thách thức về biến đổi khí hậu, thách thức xã hội, ở đó, thách thức về mặt xã hội sẽ lớn hơn, khó đo lường hơn thách thức kinh tế, doanh nghiệp phải định hình lại.

Gần đây, khái niệm doanh nghiệp vị lợi nhuận không phải là sự lựa chọn tối ưu mà doanh nghiệp cần vị môi trường, doanh nghiệp hoạt động tạo tác động tốt đến xã hội và môi trường. Đây là cơ hội tăng trưởng cho doanh nghiệp trong thời gian tới, bên cạnh chuyển đổi tư duy và định vị vị thế doanh nghiệp, không chỉ tạo giá trị kinh tế mà giá trị xã hội. Đó là những giá trị mới, giá trị xanh, giá trị về môi trường.

Vấn đề thứ hai, chuyển đổi để xanh hoá chuỗi cung ứng tạo lợi thế cạnh tranh mới, thu hút tài chính xanh và nguồn lực khác để tạo ra lợi thế phát triển. Trong bối cảnh mới, nổi bật vai trò của doanh nghiệp trong ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và triển khai mô hình mới như kinh tế tuần hoàn chắp cánh cho doanh nghiệp phát triển bền vững, có trách nhiệm.

Điều này góp phần tăng năng lực cạnh tranh và tính giải trình của doanh nghiệp: giải trình về nguồn nguyên liệu, năng lượng sử dụng trong sản xuất. Đây là vấn đề xã hội đòi hỏi doanh nghiệp, doanh nghiệp phải giải trình với cổ đông bên trong và cổ đông bên ngoài - chính là xã hội về sản phẩm, dịch vụ của mình. VCCI cố gắng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam với 98% là doanh nghiệp SME đôi khi không biết bắt đầu từ đâu.

Một vấn đề quan trọng khác đang được quan tâm, theo Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Vinh là các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận ESG và tích hợp như thế nào vào mô hình kinh doanh. VCCI đã xây dựng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững và Chương trình xếp hạng doanh nghiệp phát triển bền vững. Năm nay là năm thứ 8 chương trình này được triển khai.  Bộ chỉ số đo lường giá trị thực, tính bền vững và năm nay sẽ tích hợp thêm ESG. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Theo Hạnh Lê/Diendandoanhnghiep.vn