Động lực nào để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023?
Dù dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, song vẫn có thể nhìn thấy nhiều động lực nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 với mức tăng 6,5% như Quốc hội đã đề ra.
Năm 2023, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 6,5%, thấp hơn nhiều so với kết quả đạt được năm 2022 (8,02%). Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, đây là mục tiêu hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế vẫn được dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh khó khăn chung trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, mục tiêu này cũng khá sát với các dự báo của nhiều tổ chức quốc tế trước đó như: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam đạt 6,2%; Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo đạt 6,7%; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo đạt 6,3%.
Theo ông Lê Trung Hiếu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam có một số động lực tăng trưởng trong năm 2023. Cụ thể, ở góc độ sản xuất, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, bất chấp trong hoàn cảnh khó khăn, luôn thể hiện vai trò là "bệ đỡ" của nền kinh tế, đồng thời ngành này cũng đang thực hiện quá trình tái cơ cấu chuyển từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” và cũng đã đạt được những kết quả tích cực.
Trong khi đó, ngành Công nghiệp chế biến chế tạo, đặc biệt là sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu (may mặc, da giày, điện tử, đồ gỗ) dự báo sẽ có suy giảm do cầu tiêu dùng thế giới giảm đặc biệt trong quý I và có thể sang quý II/2023; nhưng việc chuyển hướng sang khai thác hiệu quả thị trường nội địa 100 triệu dân còn nhiều tiềm năng để bù đắp.
Đối với lĩnh vực dịch vụ, năm 2023 tiếp tục có sự tăng trưởng khá, nhất là kinh tế số nói chung và hoạt động thương mại điện tử nói riêng có xu hướng phát triển mạnh trong những năm gần đây. Trong báo cáo e-Conomy 2022 từ Google, Temasek và Bain & Company, năm 2022, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ USD năm 2021 lên 23 tỷ USD năm 2022. Với mức tăng trưởng 31% trong giai đoạn 2022 - 2025, nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt mức 49 tỷ USD vào năm 2025 và đạt mốc kỷ lục 120 - 200 tỷ USD vào năm 2030.
Bên cạnh đó, với chính sách mở cửa và tiềm năng du lịch, Việt Nam tiếp tục kỳ vọng sẽ đón lượng khách du lịch trong nước và quốc tế tăng cao. Từ đó, kéo theo sự phục hồi và tăng trưởng của các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống; vận tải; nghệ thuật vui chơi, giải trí... Đặc biệt, khi Trung Quốc mở cửa trở lại vào đầu năm 2023 thì dự báo lượng lớn khách du lịch từ quốc gia láng giềng này sẽ đến Việt Nam rất lớn, khi đó xuất khẩu dịch vụ sẽ tăng mạnh.
Trong khi đó, về góc độ sử dụng, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, năm 2023 sẽ là “điểm rơi” của đầu tư công trung hạn và giải ngân thực hiện gói đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Đây được coi là nguồn "vốn mồi" hết sức quan trọng giúp thúc đẩy đầu tư tư nhân, thúc đẩy sản xuất, kích cầu nền kinh tế. Ngoài ra, với việc nền kinh tế được dự báo phục hồi và môi trường đầu tư thuận lợi, dòng vốn FDI vào Việt Nam dự báo tăng khá khi một số dự án lớn đang hoàn thành thủ tục đầu tư, dự kiến đăng ký và thực hiện trong quý I/2023.
Động lực tăng trưởng của nền kinh tế còn đến từ việc phục hồi hoạt động xuất nhập khẩu nhờ từ năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã vượt mốc 700 tỷ USD. Dù năm 2023 sẽ có khó khăn xuất khẩu đến các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, song Việt Nam có thể bù đắp ở các thị trường FTA thế hệ mới; RCEP khi Trung Quốc mở cửa trở lại khi nới lỏng chính sách Zero COVID.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cùng với các chính sách tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế của Chính phủ; ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội thông qua đẩy mạnh và điều chỉnh có hiệu quả Chương trình phục hồi kinh tế; lạm phát được kiểm soát là yếu tố giúp cho kinh tế Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng tốt trong năm 2023.