Động lực tăng trưởng đã bền vững?
Năm 2015, động lực tăng trưởng của nền kinh tế chủ yếu dựa vào khu vực doanh nghiệp FDI đối với chúng ta vừa mừng lại vừa lo. Các chuyên gia, nhà quản lý đều chung nhận định, tập trung phát triển doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động là chìa khóa dẫn đến tăng trưởng bền vững.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2015 ước tính đạt 115,1 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm trước, chiếm tỷ trọng 70,9% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
Nếu không kể dầu thô, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu đạt 111,3 tỷ USD, tăng 18,5%. Khu vực trong nước ước tính đạt 47,3 tỷ USD, giảm 3,5% so với năm trước. Tăng trưởng kinh tế lệ thuộc vào khu vực FDI đã hiện hữu, không còn là nguy cơ nữa.
Trong khi các doanh nghiệp FDI có được sự tăng trưởng khả quan thì các doanh nghiệp trong nước lại gặp nhiều khó khăn. Số phải tạm ngừng hoạt động trong năm 2015là 71.391 doanh nghiệp, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước.
Khu vực doanh nghiệp trong nước đa phần là nhỏ và siêu nhỏ, trong đó chưa đến 1/5 số doanh nghiệp thực sự sản xuất, còn lại là các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ. Phần lớn doanh nghiệp phát triển vẫn dựa vào vốn vay và nhân công giá rẻ với trình độ công nghệ ở mức trung bình. Rất hiếm những doanh nghiệp phát triển dựa trên tài sản trí tuệ từ đổi mới, sáng tạo.
Những con số này cho thấy, dường như chúng ta đang có 1 nền kinh tế với 2 tốc độ khác nhau. Điều này tiềm ẩn nguy cơ giảm tốc của nền kinh tế trong trường hợp các doanh nghiệp khu vực FDI chuyển hướng sang các thị trường khác có lợi thế chi phí lao động rẻ hơn.
Chưa kể, những lợi ích hội nhập mà nhà nước đang nỗ lực kết nối thời gian qua rất có thể sẽ chảy nhiều vào túi của những người nước ngoài làm ăn trên lãnh thổ Việt Nam.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhận định, động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm 2015 chủ yếu là doanh nghiệp FDI, không phải doanh nghiệp tư nhân trong nước. Trong khi, động lực để tạo ra tăng trưởng bền vững, làm nên sự phồn thịnh của một quốc gia phải là cộng đồng doanh nghiệp trong nước, chứ không phải FDI.
Hiện còn nhiều yếu tố kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân và dường như khu vực doanh nghiệp trong nước đang yếu đi. Lãi suất cho vay hiện còn ở mức cao và nhiều chính sách hỗ trợ chưa thực sự đến được với doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể trông chờ vào vai trò trọng tài của nhà nước trong việc chống chèn lấn của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước nhưng vai trò này còn mờ nhạt.
Mặt khác, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, năng suất lao động của Việt Nam đang giảm dần so với các nước, đặc biệt so với Lào và Campuchia do nền kinh tế chậm chuyển đổi, cơ cấu kinh tế vẫn ở dạng thâm dụng lao động, khai thác tài nguyên và lao động giản đơn. Các yếu tố kéo năng suất lao động giảm như dân số gia tăng, GDP tăng trưởng chậm, lao động chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ chỉ mang tính cơ học, không có chuyển biến về chất.
Tổng cục Thống kê cũng nhận định, trong năm 2015, khoảng cách tương đối về năng suất lao động tuy đã giảm đáng kể, nhưng khoảng cách tuyệt đối, tức chênh lệch mức năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia lại gia tăng.
Làm thế nào để tăng năng suất lao động, thúc đẩy khu vực doanh nghiệp trong nước phát triển, làm tiền đề cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững? Tại Đại hội Đảnglần thứ XIIvừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã có những gợi mở quan trọng.
Cụ thể, phải tập trung cao độ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nước, mà chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, về cả số lượng và chất lượng, coi đây là nhiệm vụ của bộ máy nhà nước các cấp. Sức khỏe của doanh nghiệp trong nước chính là sức khỏe của nền kinh tế.
Trước mắt phải nâng cao cho được năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước thông qua hoàn thiện, củng cố nền tảng của kinh tế thị trường, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản và xác định các chính sách công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên và thông tin.
Cũng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp. Nhà nước phải tạo môi trường thuận lợi. Xây dựng các trung tâm hướng dẫn, đào tạo cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp.
Cung cấp kiến thức, nguồn vốn thông qua hình thức quỹ - ngân hàng đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ cho các doanh nghiệp này, nhằm tạo ra làn sóng khởi nghiệp cùng tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ trong xã hội. Phải coi vị thế của doanh nghiệp là vị thế của quốc gia.