Đồng Rúp chạm mức thấp nhất so với đồng USD trong 17 tháng qua
Ngày 14/8, đồng Rúp của Nga chạm mức thấp nhất trong 17 tháng so với đồng USD, với tỷ giá giao dịch có lúc ở mức 101,45 Rúp đổi được 1 USD. Điều này cho thấy sức ép ngày càng tăng đối với nền kinh tế Nga do các lệnh trừng phạt của phương Tây và sự sụt giảm doanh thu xuất khẩu.
Đồng tiền của Nga đã mất gần 40% giá trị trong năm nay do xung đột với Ukraine gây thiệt hại nặng nề.
Sự sụt giảm giá trị của đồng Rúp là một trong những chỉ số tiêu cực đối với nền kinh tế Nga, ngay cả khi Tổng thống Vladimir Putin khẳng định rằng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây có tác động ở mức độ hạn chế.
Đồng tiền này đã giảm giá mạnh ngay sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022, giảm xuống mức thấp nhất là 136 Rúp đổi 1 USD vào tháng 3/2022. Sau đó, đồng tiền này tăng vọt lên khoảng 50 Rúp đổi 1 USD vào tháng 6 năm ngoái do giá dầu và các loại khí tự nhiên tăng vọt.
Song kể từ đó, các nền kinh tế châu Âu đã giảm lượng tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt của Nga, thay vào đó nhập khẩu nhiều hơn từ Mỹ, Canada và Na Uy.
Điều đó đã gây căng thẳng cho tài chính của chính phủ Nga, vốn cũng đang chịu áp lực từ việc tăng chi tiêu để chi trả cho chi phí quân sự đang nổ ra.
Theo một tài liệu của chính phủ được Reuters xem xét cho thấy, điện Kremlin đã tăng gấp đôi mục tiêu chi tiêu quốc phòng trong năm 2023 lên hơn 100 tỷ USD, tương đương 1/3 tổng chi tiêu công.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng đã làm giảm đầu tư nước ngoài vào quốc gia này và làm giảm xuất khẩu.
Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina, xuất khẩu giảm kết hợp với nhập khẩu tăng do nhu cầu trong nước mạnh mẽ đã khiến đồng Rúp mất giá hơn.
Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, “nhu cầu” của Chính phủ tăng cao và lãi suất cho vay của các ngân hàng Nga cao đã thúc đẩy hoạt động tổng thể trong nền kinh tế, gây áp lực lên lạm phát và góp phần làm đồng Rúp suy yếu.
Cơ quan quản lý tiền tệ quốc gia này cũng cho biết có thể sớm tăng lãi suất để kiểm soát việc tăng giá. “Ngân hàng Trung ương Nga thừa nhận khả năng tăng lãi suất cơ bản trong các cuộc họp sắp tới”.
Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Nga đã cho thấy lạm phát gia tăng và đồng tiền yếu hơn khi tăng lãi suất chuẩn lần đầu tiên sau hơn một năm, lên 8,5%.
Sau khi ban hành lệnh tăng lãi suất khẩn cấp lên 20% ngay sau khi xung đột quân sự nổ ra, các nhà hoạch định chính sách đã dần dần cắt giảm lãi suất xuống 7,5%, gây thêm áp lực giảm giá đối với đồng Rúp.
Maxim Oreshkin, một cố vấn kinh tế của Tổng thống Putin, đã đổ lỗi cho Ngân hàng Trung ương về việc đồng tiền mất giá và thừa nhận rằng đồng Rúp yếu có hại cho nền kinh tế Nga.
“Lý do chính khiến đồng Rúp suy yếu và lạm phát gia tăng là chính sách tiền tệ lỏng lẻo,” ông viết trong một bài báo cho cơ quan truyền thông nhà nước Nga TASS đăng ngày 14/8.
Ông nói thêm: “Ngân hàng Trung ương có tất cả các công cụ cần thiết để bình thường hóa tình hình trong tương lai gần. “Đồng Rúp yếu sẽ làm phức tạp quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và có tác động tiêu cực đến thu nhập thực tế của người dân”.