Đồng rúp mất giá, Trung Quốc có giúp Nga không?
(Tài chính) Trong cuộc họp với báo giới tại Bangkok cuối tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết nước này sẵn sàng hỗ trợ Nga trong lúc đồng rúp đang mất giá nghiêm trọng.
“Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Trung - Nga vẫn đang phát triển ở một tầm cao, vì vậy chúng tôi luôn ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau. Nếu phía Nga cần, chúng tôi sẽ có những hỗ trợ cần thiết trong khả năng và phạm vi cho phép”, Bộ trưởng Vương nói.
Nền tài chính Nga đang phải đối diện với cuộc khủng hoảng trầm trọng, khi chịu hai tầng sức ép lớn từ các lệnh trừng phạt của phương Tây và tình trạng giá dầu thế giới không ngừng suy giảm. “Các biện pháp hiện nay không phải là phương án lâu dài để giải quyết tình thế khó khăn trước mắt”, Financial Times dẫn báo cáo của Công ty tư vấn Anbound cho biết. “Nếu tình hình tiếp tục xấu đi, Nga sẽ cần sự hỗ trợ từ bên ngoài và Trung Quốc là đối tác lý tưởng nhất trong tình thế hiện nay”.
Việc Trung Quốc chủ động ngỏ ý hỗ trợ Nga cho thấy những tính toán chiến lược của Bắc Kinh, chủ yếu trên hai phương diện là lợi ích kinh tế và địa chính trị. “Trung Quốc nên ra tay hỗ trợ Nga, tuy nhiên phải lựa chọn chính xác thời cơ, mức độ và lĩnh vực, để vừa tạo được thế lá lành đùm lá rách, vừa tránh bị cuốn vào quá sâu”, báo cáo của Anbound nhận định.
Về phương diện lợi ích kinh tế, Trung Quốc hiện nay là nước nhập khẩu dầu khí lớn nhất thế giới, vì vậy việc giá dầu xuống thấp sẽ có lợi cho quá trình chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế nước này, đồng thời gia tăng sự lệ thuộc của Nga vào thị trường năng lượng Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu như nền kinh tế Nga không chịu nổi các sức ép từ bên ngoài, dẫn đến tình trạng phá sản, thì một hệ lụy trực tiếp nhất là việc cắt giảm nguồn cung dầu khí. Điều này có thể khiến giá dầu thế giới cao trở lại, không phù hợp với lợi ích của Trung Quốc.
Mặt khác, Moscow và Bắc Kinh vừa ký hai hợp đồng cung cấp khí đốt trị giá hàng trăm tỷ USD, vì vậy nếu như nền kinh tế hay chính trị Nga xảy ra biến động, thì các hợp đồng trên có thể phải đối diện với nguy cơ mất hiệu lực cao, tác động tiêu cực đến an ninh năng lượng Trung Quốc.
Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga vừa qua đã phải trì hoãn khởi động dự án tuyến ống vận chuyển khí đốt Sức mạnh Siberia ký hồi tháng 5 với Trung Quốc, bởi tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Một nước Nga tương đối ổn định phù hợp với lợi ích kinh tế của Trung Quốc.
Cho đến nay, Moscow không chính thức đề nghị Bắc Kinh giúp đỡ. Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev đã gặp đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường hai lần trong hai tháng. Lần gần đây nhất là tại cuộc họp Thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, ngày 15.12, nhưng hai bên không thảo luận chính thức về việc đồng rúp mất giá. Trong khi đó, cũng tại Thượng đỉnh này, ông Medvedev lại gặp Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev, để bàn về những vấn đề tài chính của Nga.
Nga hiểu rằng, không có bữa ăn nào miễn phí, Trung Quốc được cho là sẽ ra điều kiện với Nga nếu như Moscow chấp nhận hỗ trợ từ Bắc Kinh, như yêu cầu mở rộng đầu tư nước ngoài tại một số lĩnh vực chiến lược. Ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, cho biết Bắc Kinh mong muốn mối quan hệ đối tác trong lĩnh vực năng lượng, cho phép họ nắm giữ cổ phần trong các hạng mục liên quan chứ không chỉ là người mua. Tuy nhiên, Moscow không quá nhiệt tình với viễn cảnh trên, bởi lo ngại Trung Quốc sẽ chiếm thế thượng phong tại khu vực Siberia ít người, đất rộng, giàu tài nguyên.
Cho dù Trung Quốc là một trong những đối tác chiến lược quan trọng, Nga vẫn thận trọng trước nguy cơ Bắc Kinh có thể trở thành đối thủ cạnh tranh chính trị trên trường quốc tế. Ngay cả khi rất cần đến sự trợ giúp từ bên ngoài, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.
Chính vì thế, cho đến nay, ngoài việc đưa ra một tuyên bố sẵn sàng giúp Moscow, mang nặng tính chính trị và ngoại giao, Trung Quốc có một mối quan tâm thực dụng hơn. Trong 9 tháng năm 2014, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng 10,5% và nhập khẩu tăng 2,9%, so với cùng thời kỳ này năm ngoái. Tổng trao đổi mậu dịch song phương lên tới 70,78 tỷ đô la. Trước việc đồng rúp bị mất giá tới 50% trong năm nay, Bộ Thương mại Trung Quốc gợi ý nên tăng cường dùng Nhân dân tệ, thay cho đồng Rúp, trong thanh toán ngoại thương giữa hai nước.