Dòng tiền chọn tìm cổ phiếu tốt cho năm 2020
Chuyển động của dòng tiền trên thị trường chứng khoán những phiên giao dịch cuối năm 2019 cho thấy dấu hiệu tích lũy các cổ phiếu có khả năng sẽ tăng giá mạnh trong năm 2020.
Tích lũy cho năm 2020
Vài phiên gần đây, thị trường chứng khoán có diễn biến khả quan hơn, thanh khoản nhích lên và chỉ số tăng nhẹ.
Tuy nhiên, dòng tiền trên thị trường tỏ ra khá yếu, nhiều mã cổ phiếu vẫn đang ở trong trạng thái âm tiền (tiền vào ít hơn tiền ra).
Tâm lý nhà đầu tư nhìn chung vẫn thận trọng, VN-Index dao động quanh ngưỡng 960 điểm, sau đợt sụt giảm từ đầu tháng 11 đến đầu tháng 12.
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ đầu tư, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, diễn biến của thị trường đang thể hiện rõ xu hướng tích lũy.
Theo thống kê, thị trường trong nhiều năm qua có xác suất tăng giá tốt trong tháng khởi đầu của năm tài chính mới.
Ngược lại, thời điểm cuối năm thường tạo ra áp lực bán cổ phiếu để thu hồi vốn đầu tư ở các tổ chức đầu tư, doanh nghiệp và ngay cả các nhà đầu tư cá nhân.
Thời gian qua, dư nợ cho vay chứng khoán tại các ngân hàng không tăng, lượng tiền giao dịch ký quỹ (margin) ổn định khoảng 50.000 tỷ đồng, trong khi dòng tiền nằm chờ ngoài thị trường không có sự chuyển động đáng kể.
Do dòng tiền thường rút ra trong giai đoạn cuối năm nên rất khó để kỳ vọng thị trường có sự cải thiện về dòng tiền ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, sau thời điểm chốt năm tài chính, dòng tiền sẽ có động lực để quay lại giải ngân cho năm tài chính mới, với những kỳ vọng mới, giúp thị trường khởi sắc hơn.
Kinh tế Việt Nam duy trì sự ổn định với tỷ giá và CPI được kiểm soát dưới 5% là điểm cộng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy thoái. Năm kinh doanh mới 2020 sẽ tích cực hơn với nhiều ngành nghề.
Bên cạnh đó, các tập đoàn, công ty lớn đang mạnh tay cơ cấu lại tài chính, thu hẹp các hoạt động kém hiệu quả để tập trung vào mảng cốt lõi.
Thị trường chứng khoán sẽ có nhiều cơ hội trong những tháng đầu năm 2020 và hiện tại là thời điểm tốt để nắm giữ cổ phiếu, vì nếu không, khi thị trường bứt tốc thì nhà đầu tư sẽ chậm một nhịp dài.
Trước đó, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhịp điều chỉnh mạnh và kéo dài do áp lực bán gia tăng ở một số cổ phiếu trụ cột, trong bối cảnh các thông tin trong nước không có yếu tố tiêu cực tác động và thị trường chứng khoán toàn cầu giao dịch khởi sắc.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Chiến lược, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, thị trường sẽ có xu hướng hồi phục từ nền giá thấp hiện tại và giao dịch tích cực trong giai đoạn đầu năm 2020.
Hiện là thời điểm tốt để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu.
Năm 2020 được kỳ vọng sẽ là một năm sáng sủa hơn với thị trường chứng khoán khi Luật Chứng khoán mới đã được Quốc hội thông qua, thị trường có cơ hội sớm được nâng hạng…
Kỳ vọng dòng tiền lớn sẽ quay lại, cùng nhịp với các đợt thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn.
Trong khi đó, thông điệp từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, trong năm 2020, cơ quan quản lý sẽ tập trung các giải pháp tái cấu trúc và phát triển thị trường chứng khoán như xây dựng, ban hành hướng dẫn về niêm yết/đăng ký giao dịch cổ phiếu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, triển khai cơ chế tạo lập thị trường, nghiên cứu triển khai nghiệp vụ giao dịch trong ngày và thanh toán chứng khoán chờ về…
Về những yếu tố có thể chi phối thị trường chứng khoán trong năm mới, Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS) cho rằng, tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ duy trì diễn biến “bấp bênh và suy giảm”, mức tăng trưởng bình quân khoảng 2,9 - 3%, theo nhận định của các tổ chức như OECD, WTO, IMF, WB, ADB.
Bên cạnh đó, một số rủi ro lớn khác như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thỏa thuận giai đoạn 2 đang trong quá trình đàm phán và là ẩn số khó dự đoán. Tuy nhiên, các quỹ đầu tư thụ động theo chỉ số ETF có thể sẽ bùng nổ, thúc đẩy giá cổ phiếu trong rổ chỉ số đó tăng.
Về kinh tế Việt Nam, Quốc hội đã thông qua mục tiêu GDP năm 2020 tăng 6,8%, lạm phát không quá 4% là nền tảng cho một nền kinh tế vĩ mô ổn định.
CTS dự báo, mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2020 sẽ đạt khoảng 15%, nhưng loại trừ nhóm ngành ngân hàng thì tỷ lệ này giảm còn 7% và tiếp tục loại nhóm Vingroup ra khỏi rổ tính toán, con số tăng trưởng lợi nhuận chỉ khoảng 3%.
Cổ phiếu tốt chỉ khoảng 20%?
Theo góc nhìn cá nhân, ông Nguyễn Trung Du nhận xét, thị trường năm 2019 tích cực hơn năm 2018. Chỉ số đi lên, mặc dù có mức tăng khiêm tốn.
Cơ hội đầu tư không thiếu, không ít mã có mức tăng giá tốt, thậm chí tăng trên 50% như FPT, MWG, VCB, BID, VJC, CTR, NTC, PHR... Tuy nhiên, số đông nhà đầu tư thua lỗ cũng là điều dễ lý giải, bởi số cổ phiếu giảm giá chiếm đa số.
Điều này xuất phát từ số lượng doanh nghiệp hoạt động hiệu quả không nhiều, trong khi các doanh nghiệp có chất lượng thấp, kinh doanh kém hiệu quả chiếm đa số.
Ông Du khuyến nghị, nhà đầu tư cần nghiêm túc nhìn nhận lại các khoản đầu tư thua lỗ. Để cải thiện kết quả đầu tư trong dài hạn, cách duy nhất là dành sự quan tâm tới nhóm cổ phiếu thực sự tốt, chỉ chiếm 20% và tránh xa các nhóm cổ phiếu có rủi ro cao, đang chiếm tỷ lệ 80% trên thị trường.
Trong khi đó, nhiều quan điểm cho rằng, nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn mặc dù đang bị định giá cao nhưng vẫn sẽ là nhóm chiếm ưu thế trong năm 2020, tương tự như những gì đã diễn ra vài năm trở lại đây, do dư địa tăng trưởng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh ở nhóm này là rất lớn.
Theo KBSV, 2 nhóm cổ phiếu tiềm năng trong năm 2020 bao gồm nhóm ngành mang tính chất tăng trưởng dài hạn, hưởng lợi từ bối cảnh/điều kiện vĩ mô hiện tại như ngân hàng, hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin…
Thứ hai là nhóm doanh nghiệp có thể đón nhận dòng tiền lớn từ khối ngoại nhờ khả năng ra đời các quỹ ETF mới, chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) được triển khai, thị trường chứng khoán có triển vọng nâng hạng.
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Giám đốc Đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank nhìn nhận, động lực tăng trưởng nhóm ngành hàng tiêu dùng nội địa vẫn lớn.
Ngoài ra, các lĩnh vực du lịch và vận tải, dịch vụ liên quan đến du lịch vẫn đóng góp nhiều vào hoạt động tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, có thể nói, các doanh nghiệp trong hai ngành này sẽ là điểm sáng trong năm 2020.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) cho biết, có nhiều nhóm ngành được kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2020 như năng lượng, hàng không, điện, bán lẻ, công nghệ thông tin.
Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ phân hóa mạnh hơn và sự tập trung chú ý sẽ dồn vào nhóm cổ phiếu ngân hàng có vốn cổ phần nhà nước chi phối.
Ở nhóm ngành bán lẻ, nhà đầu tư tiếp tục hướng đến nhóm cổ phiếu đang nắm giữ vị thế dẫn đầu và có thể tích lũy cho năm sau.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu bất động sản có quỹ đất lớn, nợ vay thấp sẽ có nhiều lợi thế so với phần còn lại.
Thị trường bất động sản có thể không tăng mạnh, nhưng giá đất nền vẫn giữ giá và theo thời gian sẽ tăng, vì vậy doanh nghiệp có quỹ đất lớn giá rẻ trước đó càng có nhiều lợi thế.