Dòng vốn FDI thế giới xoay trục sang lĩnh vực số và xanh

Thanh Hằng

Trong bối cảnh thế giới liên tục biến động bởi các yếu tố kinh tế, địa chính trị và công nghệ, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang có sự tái cấu trúc rõ nét. Các nhà đầu tư toàn cầu không còn mặn mà với các lĩnh vực truyền thống, mà đang dịch chuyển mạnh mẽ sang công nghệ cao, kinh tế số và năng lượng sạch, những lĩnh vực được xem là nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Dòng vốn FDI toàn cầu khởi sắc sau giai đoạn trầm lắng

Sau hai năm liên tiếp sụt giảm, vốn FDI toàn cầu đã ghi nhận sự phục hồi nhẹ trong năm 2024, đạt khoảng 1.370 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2023. Trong nửa đầu năm 2025, xu hướng này tiếp tục được duy trì với mức tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ lực kéo từ các thị trường mới nổi tại châu Á và châu Phi.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang có sự tái cấu trúc rõ nét.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang có sự tái cấu trúc rõ nét.

Báo cáo mới nhất của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho thấy, các dòng vốn đầu tư đang tập trung vào những lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng dài hạn, ít chịu ảnh hưởng bởi biến động ngắn hạn như công nghệ cao, AI, bán dẫn và năng lượng tái tạo.

Đặc biệt, các dự án gắn với tăng trưởng xanh tại các nước đang phát triển ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ. Ví dụ, dự án sản xuất hydro xanh trị giá 34 tỷ USD tại Mauritania được xem là bước tiến lớn trong xu hướng đầu tư thân thiện với môi trường.

Việt Nam, Ấn Độ và Singapore đang nổi lên như những điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư nhờ vào lợi thế về nhân lực trẻ, chi phí cạnh tranh và chính sách thu hút đầu tư cởi mở. Trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam ghi nhận 21,52 tỷ USD vốn FDI đăng ký, trong đó hơn một nửa tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là công nghệ cao.

Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu hậu COVID-19, cùng với căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đang khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia chủ động phân tán rủi ro và tìm kiếm các trung tâm sản xuất thay thế. Tỷ lệ dự án FDI của Mỹ tại Trung Quốc đã giảm mạnh từ 5,2% năm 2019 xuống còn 1,8% năm 2023; trong khi đó, các nền kinh tế như Việt Nam, Ấn Độ và Mexico lại ghi nhận sự gia tăng rõ rệt.

Thuế tối thiểu toàn cầu định hình lại chiến lược FDI

Một yếu tố tác động sâu sắc đến dòng vốn đầu tư toàn cầu trong năm 2025 là việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu (Global Minimum Tax - GMT). Đây là công cụ mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) kỳ vọng sẽ chặn đứng tình trạng chuyển giá và cạnh tranh không lành mạnh trong chính sách thuế giữa các quốc gia.

Đối với những nước phụ thuộc vào ưu đãi thuế để thu hút FDI, thuế tối thiểu toàn cầu là một thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, nếu tận dụng tốt, đây cũng là cơ hội để tái định vị môi trường đầu tư theo hướng minh bạch và bền vững hơn, hướng đến chất lượng thay vì số lượng.

Đáng chú ý, FDI từ các quốc gia đang phát triển đang tăng nhanh, chiếm tới 6% tổng dòng vốn toàn cầu trong năm 2023. Các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore không chỉ hút vốn mà còn đang tích cực đầu tư ra nước ngoài, với trọng tâm là Đông Nam Á và châu Phi.

Điều này cho thấy sự chuyển dịch sâu sắc trong cấu trúc đầu tư toàn cầu - nơi vai trò của các nước đang phát triển ngày càng trở nên rõ nét và có tính  quyết định hơn trong việc định hình dòng vốn quốc tế.

Dù có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng không thể phủ nhận rằng dòng vốn FDI toàn cầu vẫn đang đối mặt với những lực cản đáng kể. Tại nhiều quốc gia đang phát triển, hạ tầng vẫn còn yếu kém, chất lượng lao động chưa theo kịp yêu cầu của công nghiệp 4.0.

Thêm vào đó, những bất cập trong thể chế, thiếu minh bạch, hay những rủi ro địa chính trị như xung đột Nga - Ukraine, căng thẳng Mỹ - Trung vẫn là những yếu tố khiến nhà đầu tư phải tính toán thận trọng hơn khi chọn điểm đến.

Trong một thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ bởi công nghệ, biến đổi khí hậu và cạnh tranh địa chính trị, việc thu hút FDI không còn là cuộc đua của ưu đãi thuế hay lao động giá rẻ, mà là bài toán tổng hợp giữa năng lực thể chế, chất lượng hạ tầng và khả năng thích nghi với xu hướng phát triển bền vững. Những quốc gia nắm bắt được sự chuyển dịch này sẽ là người đi trước trong cuộc đua đầu tư toàn cầu thế hệ mới.