Dòng vốn ngoại sẽ “chảy” mạnh vào thị trường địa ốc Việt trong năm 2018
Với những diễn biến trong năm 2017, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, năm 2018 và thời gian kế tiếp, xu thế hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ còn tăng mạnh, khiến cho dòng vốn ngoại chảy vào thị trường địa ốc sẽ ngày càng mạnh mẽ.
Nhiều tiềm năng hút dòng vốn ngoại vào địa ốc
Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, năm 2017, bất động sản là lĩnh vực đứng thứ 3 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (cả vốn trực tiếp - FDI và góp vốn mua cổ phần), với 3,05 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đăng ký. Đáng chú ý, dòng vốn ngoại vào lĩnh vực bất động sản năm qua chủ yếu tập trung ở thị trường phía Nam; trong đó, TP. Hồ Chí Minh là thỏi nam châm hút vốn mạnh nhất.
Theo số liệu của UBND TP. Hồ Chí Minh, dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất trên địa bàn Thành phố trong năm qua, đạt 1,01 tỷ USD, chiếm 43,4% tổng vốn đăng ký. Trong đó, Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, vào TP. Hồ Chí Minh, cũng như vào thị trường bất động sản, tiếp theo là Hàn Quốc.
Bên cạnh thu hút dòng vốn ngoại, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho biết, thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh năm qua còn thu hút dòng kiều hối lớn. Cụ thể, năm 2017, lượng kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh đạt khoảng 5,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2016, trong đó có khoảng 22% lượng kiều hối được đổ vào bất động sản.
Vào hồi cuối 2017, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đã đưa ra dự báo khá ấn tượng về khả năng đón dòng vốn ngoại trong năm nay và những năm tới. Theo đó, xu thế hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai sẽ còn tăng mạnh hơn. Đây là xu hướng đánh dấu sự trưởng thành và ngày càng chuyên nghiệp hơn của thị trường bất động sản. Đồng thời, dự báo về khả năng “đổ bộ” của dòng vốn ngoại vào thị trường địa ốc Việt trong tương lai sẽ ngày càng mạnh mẽ.
Thực tế, thị trường thời gian qua cũng cho thấy lĩnh vực bất động sản vẫn luôn nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư ngoại. Đơn cử như Hưng Thịnh Corp chỉ trong năm 2017 đã phát triển 5 dự án thì tất cả đều được doanh nghiệp này góp vốn phát triển.
Hay Công ty cổ phần Nhà Mơ, sau khi góp vốn phát triển dự án Dream Home Palace tại quận 8, đơn vị này tiếp tục bắt tay với Tập đoàn The Global Group, nhà đầu tư, phát triển và quản lý bất động sản hàng đầu Nhật Bản để triển khai xây dựng dự án này.
Đặc biệt, năm 2017 ghi nhận những cái bắt tay góp vốn “khủng”, điển hình là thương vụ Công ty Nishi Nippon và Hankyu đến từ Nhật Bản hợp tác cùng Nam Long triển khai Dự án khu dân cư Mizuki Park diện tích rộng 26ha tại quận Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh, với tổng vốn đầu tư 351 triệu USD hồi tháng 7/2017 vừa qua.
Mới đây nhất, vào ngày 24/12, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang (Phuc Khang Corporation) đã hợp tác với Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) thành lập liên doanh Phuc Khang Mitsubishi Corporation Holding (PKMC) theo tỷ lệ 51% - 49% để cùng đầu tư, phát triển dòng sản phẩm xanh Diamond Lotus.
Được biết, trước mắt, khoản đầu tư đầu tiên của PKMC được giải ngân thực hiện ngay trong tháng 1/2018 có giá trị 30 triệu USD vào Dự án Diamond Lotus Riverside tại quận 8, TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, liên doanh PKMC Holding thống nhất sẽ tập trung nghiên cứu, đầu tư, phát triển các quỹ đất hiện hữu của Phúc Khang có giá trị trên 500 triệu USD với tổng quy mô 20 ha trong khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh, gồm quận 1, quận 2, quận 8, quận 10, Tân Bình, Tân Phú… và 1.000ha ở các vùng lân cận chỉ cách khu trung tâm thương mại TP. Hồ Chí Minh từ 20 - 30 km.
Ngoài những cái bắt tay nhằm triển khai dự án cụ thể, cũng có những cam kết hợp tác phát triển nói chung. Chẳng hạn, cái bắt tay lâu dài giữa Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Tiến Phước và doanh nghiệp bất động sản hàng đầu tại Singapores Keppel với mục tiêu phát triển các dự án tại TP. Hồ Chí Minh.
Còn theo nghiên cứu của CBRE Việt Nam, dòng vốn ngoại đổ bộ vào thị trường bất động sản Việt Nam đã xuất hiện những tín hiệu mới, thay vì trước kia, chỉ rót vốn vào phát triển dự án, nay đã xoay trục, với việc có sự tham gia của các quỹ rót vốn vào những doanh nghiệp bất động sản. Minh chứng là trong 9 tháng năm 2017, tổng giá trị góp vốn mua cổ phần chiếm tới hơn 30% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào lĩnh vực bất động sản.
Có thể, phải kể đến một số thương vụ đáng chú ý như Shinhan hợp tác với Vinacapital đầu tư 100 triệu USD vào Novaland. Samsung Securities cùng với quỹ đầu tư tư nhân từ Hồng Kông (Trung Quốc) - Caldera Pacific đã mua 40% cổ phần của Dragon Capital và trở thành cổ đông lớn thứ hai của công ty này...
Thị trường phía Bắc được kỳ vọng
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu CBRE Hà Nội cho biết, trong năm 2017, theo thống kê chưa đầy đủ của CBRE, tổng giá trị giao dịch M&A đã gần gấp đôi so với năm 2016.
“Sự kiện APEC diễn ra tại Đà Nẵng vừa qua là một cú hích lớn cho thị trường bất động sản khi đã thu hút toàn bộ sự chú ý của quốc tế, mở ra cơ hội lớn trong việc thu hút dòng vốn ngoại chảy vào thị trường bất động sản trong thời gian tới”, bà An nhận định.
Theo đánh giá của Công ty Jones Lang Lasalle, bên cạnh tiềm năng của một thị trường mới nổi, sự vận động của thị trường, chính sách của Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện thu hút sự quan tâm trở lại của các quỹ ngoại. Lợi suất đầu tư ở các thị trường đang phát triển như Việt Nam cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng nội địa, đã khuyến khích các quỹ đầu tư chuyển dịch dòng vốn vào đây. Nhờ đó, không ít doanh nghiệp bất động sản đã tận dụng được cơ hội để huy động hàng trăm triệu USD từ các đối tác nước ngoài.
Liên quan đến khả năng đón dòng vốn ngoại trong năm 2018, nhiều chuyên gia bất động sản còn cho rằng, nếu như năm 2017 chứng kiến dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy mạnh vào thị trường địa ốc TP. Hồ Chí Minh thì năm 2018, Hà Nội rất có thể sẽ có những bước đột phá trong việc thu hút nguồn vốn ngoại.
Ông Alex Crane, Tổng giám đốc Cushman & Walefield Việt Nam nhận định: “Theo tôi, năm 2018 sẽ ghi nhận mức tăng trưởng về lượng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào khu vực phía Bắc. Ở phía Nam, giá đang chạm tới điểm bất ổn định cho chủ đầu tư trong việc xây dựng các dự án bất động sản nhà ở, thương mại hay công nghiệp”.
Bà Nguyễn Hoài An thì cho rằng, trong năm 2017, CBRE đã tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài và họ đều thể hiện sự quan tâm, sốt ruột tìm mua các dự án mới tại Hà Nội, đặc biệt là các khu đất trống có diện tích lớn, có thể triển khai các dự án quy mô. Có thể bởi các nhà đầu tư ngoại đã nhận thấy sự sôi động của thị trường, đặc biệt ở thị trường nhà ở.
“Nhìn chung, cùng với thị trường châu Á – Thái Bình Dương và với các lĩnh vực khác, tôi cho rằng sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào bất động sản Việt Nam còn rất lớn, đặc biệt rất có thể, năm 2018 sẽ cho thấy nhiều dự án có dòng vốn ngoại được triển khai ở thị trường Hà Nội, nhất là khi họ đang có sự đánh giá cao các loại hình bất động sản tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh”, bà An nhận định.