Đột phá trong Luật Hải quan
(Tài chính) Theo đánh giá của các chuyên gia, việc bổ sung nội dung Quản lý rủi ro (QLRR) vào dự án Luật Hải quan sửa đổi mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào tháng 1/2014 là một bước đột phá.
Yêu cầu cấp bách
Trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020, Chính phủ cũng yêu cầu, thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan phải áp dụng đầy đủ phương thức quản lí hải quan dựa trên quản lí sự tuân thủ theo các trụ cột: Thu thập, xử lí thông tin nghiệp vụ, QLRR và kiểm tra sau thông quan.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá hàng nghìn thông tin liên quan đến doanh nghiệp, mặt hàng, tuyến đường… cơ quan Hải quan sẽ sàng lọc để thực hiện thủ tục một cách hiệu quả, không đánh đồng giữa doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật và doanh nghiệp có nguy cơ gian lận, rủi ro cao.
Phó Ban QLRR - Tổng cục Hải quan Bùi Thái Quang chia sẻ: Trong quản lý hải quan hiện đại, việc áp dụng phương pháp QLRR được coi là khâu quan trọng. QLRR có thể xác định trọng điểm các đối tượng tiềm ẩn nguy cơ cao về buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, gây thất thu ngân sách, để từ đó cơ quan hải quan có biện pháp xử lý ngăn ngừa hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan”.
QLRR còn tạo ra sự thay đổi căn bản trong phương thức quản lý hải quan, từ thủ công sang tự động hóa dựa trên đánh giá rủi ro. QLRR làm giảm đáng kể tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa (từ việc kiểm tra đối với hầu hết các lô hàng xuất khẩu (năm 2005), nay xuống còn dưới 11,46%), góp phần đơn giản hoá thủ tục hải quan, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí của doanh nghiệp trong quá trình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Mặt khác, QLRR còn là một cấu phần quan trọng trong việc vận hành hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS/VCIS) do Chính phủ Nhật Bản tài trợ sẽ được chính thức triển khai từ 1/4/2014.
Trách nhiệm nặng nề
Được triển khai từ năm 2005, việc triển khai các biện pháp QLRR luôn là một yêu cầu cấp bách. Qua quá trình thực hiện cho thấy, vấn đề quan trọng là phải tổ chức, xây dựng được cơ sở dữ liệu, thông tin về doanh nghiệp hiệu quả, việc phân tích, sàng lọc thông tin kịp thời, chính xác giúp ngăn chặn các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng buôn lậu.
Trên thực tế, để hàng hóa được phân vào luồng Xanh (miễn kiểm tra thực tế trong khâu thông quan) cơ quan Hải quan phải có quá trình điều tra, theo dõi, sàng lọc, đánh giá thông tin về doanh nghiệp, mặt hàng, tuyến đường… trong một thời gian dài với rất nhiều tiêu chí khác nhau ở quá trình trước thông quan.
Ngoài ra, các hệ thống văn bản liên quan quy định về QLRR chưa được rõ ràng, chưa đủ tầm cho việc triển khai áp dụng QLRR đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Đặc biệt, các văn bản này chưa quy định rõ quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan Hải quan dẫn đến thiếu hành lang pháp lý trong việc tổ chức thu thập thông tin doanh nghiệp phục vụ quản lý, đánh giá chấp hành pháp luật của doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu vì cơ sở đánh giá dựa trên hệ thống thông tin nghiệp vụ, trên cơ sở hệ thống tự động tích hợp, xử lý dữ liệu từ hồ sơ doanh nghiệp; và các hệ thống thông tin, dữ liệu có liên quan của ngành Hải quan.
Những vấn đề trên nếu được quy định hơn trong Luật Hải quan sửa đổi, chắc chắn hoạt động QLRR sẽ đi vào nền nếp, tạo ra môi trường cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong việc tuân thủ tốt pháp luật, góp phần đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình cải cách hiện đại hóa như chương trình thông quan điện tử, cơ chế một cửa….