Đột phá trong môi trường kinh doanh

PV.

Môi trường kinh doanh tiếp tục ghi nhận những bước cải thiện mạnh mẽ qua sự đánh giá của các doanh nghiệp châu Âu. Với sự cải thiện tích cực này, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Còn nhớ, cách đây 7 năm, lần đầu tiên, công bố Sách Trắng về môi trường kinh doanh Việt Nam, Phòng thương mại công nghiệp châu Âu (Eurocham) bày tỏ hai chữ: Thất vọng. Môi trường kinh doanh Việt Nam còn rất nhiều rào cản bằng các thủ tục hành chính và các giấy phép con...

Tuy nhiên, với quyết tâm cải cách được đẩy lên cao, không buông tay lúc khó khăn... Chính phủ cũng các cấp chính quyền địa phương, các bộ, ngành đã vào cuộc thực hiện cải cách mạnh mẽ.

Kết quả của lòng quyết tâm đã có được thành quả. Môi trường kinh doanh Việt Nam đã ghi nhận những bước cải cách vượt bậc ngay trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Minh chứng cho điều này, 6 tháng đầu năm 2016, các doanh nghiệp châu Âu "chấm điểm" môi trường kinh doanh Việt Nam bằng sự hài lòng cao trước những đổi mới tích cực.

Theo kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý II/2016 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố cho thấy các doanh nghiệp châu Âu tiếp tục đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Theo đó, với 56,3% số doanh nghiệp được khảo sát đánh giá, môi trường kinh tế vĩ mô Việt Nam "ổn định và cải thiện”; chỉ có 9,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát dự đoán kinh tế vĩ mô sẽ suy giảm.
Cùng với đó, 49% doanh nghiệp được khảo sát lạc quan, với môi trường kinh doanh được cải thiện, số lượng đơn đặt hàng hoặc doanh thu của họ sẽ tăng nhẹ trong quý tiếp theo.15,6% trong số doanh nghiệp khảo sát lạc quan khẳng định sự gia tăng đáng kể trong doanh thu của quý tiếp theo.

Do đó, khi được hỏi về kế hoạch đầu tư và phát triển số lượng nhân sự, phản hồi của các doanh nghiệp châu Âu cũng rất tích cực, nhất quán với phản hồi về doanh thu và số lượng đơn hàng.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sự lạc quan của doanh nghiệp châu Âu là hoàn toàn có cở sở và không chỉ các doanh nghiệp châu Âu mà hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài. Cơ sở dễ dàng nhận biết là Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện môi trường kinh doanh, kết quả mang lại là liên tục có sự xếp hạng vượt lên trong những năm qua.

Điển hình nhất là việc sửa đổi, ban hành và triển khai Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, với nhiều cải cách mạnh mẽ. Cùng với đó, là những nỗ lực cao trong cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa thuế, hải quan của ngành Tài chính.

Cũng theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, với sự ghi điểm mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài, cùng việc Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (trong đó có Hiệp định thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu) sẽ là điều kiện "cộng hưởng" tốt cho nền kinh tế Việt Nam cất cánh.

Với quan hệ thương mại Việt Nam - châu Âu, trong những tháng đầu năm 2016 cũng ghi nhận chuyển biến tích cực.

TheoVụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), tính đến đầu tháng 7/2016, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam và EU đã đạt 21,2 tỷ USD, tăng 9,05% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam là 16,2 tỷ USD, tăng 8,68% so với cùng kỳ và nhập khẩu vào Việt Nam đạt trên 4,97 tỷ USD, tăng 10,28%, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng có thế mạnh như hàng dệt may, giày dép các loại, cà phê, hải sản, máy vi tính...

Việt Nam cũng nhập khẩu từ hầu hết các nước thành viên EU những sản phẩm trong nước chưa sản xuất được hoặc còn thiếu như máy móc-thiết bị-dụng cụ, dược phẩm, sữa và sản phẩm từ sữa.
Trong chiến lược xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 thì EU được coi là một trong những đối tác trọng tâm phát triển kinh tế thương mại.
Để tận dụng tốt từ thị trường rộng lớn này, đặc biệt là các ưu đãi từ Hiệp định Việt Nam-EU mang lại, cộng đồng doanh nghiệp cần phải nắm vững thông tin để phân tích tác động của tiến trình hội nhập đối với doanh nghiệp và sản phẩm của mình.

Hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rằng,muốn xâm nhập thị trường EU luôn phải đảm bảo chất lượng trong thời gian dài.

Cùng với đó, phải đặt vấn đề môi trường, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng lên hàng đầu. Muốn làm được điều này, doanh nghiệp cần nắm vững những quy tắc và tâm lý người dân bản địa để đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn khi xuất khẩu sang thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng này.

Theo đó, mỗi doanh nghiệp cần chuẩn bị cho mình một kế hoạch hành động chủ động và tích cực trên các phương diện: định hướng thị trường, đối tác, đổi mới phương thức sản xuất và quản trị gắn với thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và chú trọng nền tảng văn hóa kinh doanh.

56,3% số doanh nghiệp được khảo sát đánh giá, môi trường kinh tế vĩ mô Việt Nam "ổn định và cải thiện”;49% doanh nghiệp được khảo sát lạc quan, với môi trường kinh doanh được cải thiện, số lượng đơn đặt hàng hoặc doanh thu của họ sẽ tăng nhẹ trong quý tiếp theo.15,6% trong số doanh nghiệp khảo sát lạc quan khẳng định sự gia tăng đáng kể trong doanh thu của quý tiếp theo.