Dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp
(Tài chính) Thực hiện Nghị quyết số 23/2012/QH13 ngày 12/6/2012 của Quốc hội về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2013, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII; Nghị quyết số 685/NQ-UBTVQH13 ngày 15/10/2013 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2013, năm 2014 và nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, Bộ Tài chính đã khẩn trương tổ chức việc nghiên cứu, soạn thảo Dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Tại phiên họp chuyên đề của Chính phủ ngày 12-13/8/2013, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ xin được điều chỉnh tên dự án Luật thành Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN.
Cần thiết phải ban hành Luật
Việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách về quản lý vốn, tài sản của DN nhà nước (DNNN) trong thời gian qua cơ bản đã khắc phục được một số tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng vốn, tài sản của DNNN để đầu tư vào sản xuất kinh doanh. DNNN đã từng bước thực hiện được vai trò, nhiệm vụ chủ sở hữu giao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội; là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước điều tiết kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế.
Các quy định pháp luật trên đã trao quyền cho DN chủ động tìm kiếm cơ hội kinh doanh, mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm thị trường; tạo điều kiện cho DNNN thực hiện vai trò chủ đạo trong cung ứng các sản phẩm dịch vụ công ích cho xã hội, đầu tư vào các vùng - địa bàn kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn, bảo đảm phát triển cân đối vùng miền và an ninh kinh tế quốc gia, cũng như tập trung đầu tư ở một số lĩnh vực trọng điểm quốc gia như: năng lượng, kết cấu hạ tầng, dịch vụ viễn thông.
DNNN đã tạo việc làm cho khoảng 1.255 nghìn người lao động, có mức thu nhập tương đối ổn định so với thực trạng của kinh tế Việt Nam trong những năm qua. Vốn nhà nước đầu tư vào DN được bảo toàn và phát triển, tăng từ 136.000 tỷ đồng trước năm 2006 lên trên 921.000 tỷ đồng năm 2012 (trong đó: vốn đầu tư vào các công ty mẹ là 857.000 tỷ đồng) và tập trung chủ yếu ở các tập đoàn, tổng công ty. Phần lớn các DNNN hoạt động có lãi, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trung bình của DNNN những năm 1999-2000 đạt khoảng 14%/năm, tăng lên 20,5% năm 2005. Trong giai đoạn 2007-2012 tuy gặp khó khăn, nhưng vẫn đạt trung bình khoảng 16%/năm. Số DN thua lỗ và hòa vốn giảm mạnh, từ 60% xuống còn 20% năm 2012. Nộp ngân sách tăng bình quân 10-30%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cơ chế chính sách cho DNNN và hoạt động của DNNN cũng đã bộc lộ hạn chế, bất cập. Do đó, cần phải ban hành một dự án Luật về Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại phát sinh trong thực tiễn đầu tư, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN trong thời gian qua. Đồng thời, đáp ứng các yêu cầu quản lý của nhà nước đối với DNNN trong việc định hướng, tổ chức lại, nâng cao và phân định rõ vai trò quản lý nhà nước
Dự án Luật được ban hành với mục tiêu nhằm tạo cơ sở pháp lý cao cho hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN trên cơ sở kế thừa những quy định dưới Luật đã ban hành có liên quan đang thực hiện ổn định và có hiệu quả; đồng thời bổ sung thêm những vấn đề đang diễn ra trong thực tiễn cần phải có sự quản lý của Nhà nước.
Đồng thời phân định và làm rõ chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của đại diện chủ sở hữu nhà nước, đại diện chủ sở hữu của DN trong hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước đã đầu tư tại DNNN; xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với người quản lý DN.
Ngoài ra, sẽ góp phần khắc phục việc đầu tư vốn nhà nước vào DN và việc DN sử dụng vốn, tài sản để đầu tư vào sản xuất kinh doanh không đúng mục tiêu, chiến lược, đầu tư dàn trải. Tuân thủ nguyên tắc phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo bình đẳng giữa mọi thành phần kinh tế trước pháp luật, thực hiện công khai, minh bạch và giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trong đầu tư và quản lý vốn đã đầu tư của Nhà nước vào DN.
Sẽ giám sát chặt hoạt động đầu tư vốn nhà nước của DN
Dự thảo Luật bao gồm 6 Chương, 54 Điều. Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật là “Luật này quy định việc đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN và giám sát các hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN”.
Dự án Luật sẽ quy định về đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN. Theo đó, Luật tập trung điều chỉnh việc đầu tư, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (bao gồm cả việc DN này sử dụng vốn, tài sản của DN để đầu tư ra ngoài DN), quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN khác thông qua người đại diện.
Quy định phạm vi điều chỉnh như trên sẽ thống nhất, không chồng chéo, đảm bảo tính đồng bộ với các quy định của pháp luật hiện hành. Phù hợp với nguyên tắc chung về việc sử dụng vốn đầu tư của nhà nước.
Đồng thời, Dự án Luật điều chỉnh các quy định liên quan đến đầu tư vốn nhà nước vào DN như: Về phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào DN; Về thẩm quyền quyết định đầu tư vốn nhà nước vào DN
Dự án Luật cũng sẽ quy định về một số nội dung về quản lý vốn nhà nước tại DN như: Vốn điều lệ của DN; quản lý, sử dụng tài sản cố định; quản lý nợ phải thu, nợ phải trả; đầu tư vốn ra ngoài DN; bảo toàn vốn của DN; vai trò điều tiết của Nhà nước đối với việc phân phối lợi nhuận của DN;
Ngoài ra, các quy định về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN khác; Về cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại DN; Về quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước; Về giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động DNNN... cũng được quy định cụ thể trong dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN.