Dự án luật thuế Tài sản: Công bằng trong điều tiết thu nhập và thúc đẩy sử dụng đất có hiệu quả

PGS.,TS Lê Xuân Trường

Bộ Tài chính vừa công bố Dự án luật thuế Tài sản. Đã có khá nhiều ý kiến trái chiều xung quanh bản Dự án luật này. Điều này chứng tỏ Luật thuế tài sản thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân. Xây dựng một Dự án luật công bằng và hiệu quả là mong muốn của những người làm luật và của toàn xã hội. Bài viết này sẽ đánh giá khía cạnh công bằng và hiệu quả của Dự án luật này trên cơ sở thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Về đối tượng chịu thuế

Điểm mới cơ bản của Dự án luật thuế Tài sản so với Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là bổ sung thêm nhà vào đối tượng chịu thuế. Việc đưa nhà vào diện chịu thuế có những ưu điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, góp phần đảm bảo công bằng xã hội thông qua việc điều tiết vào thu nhập của người có thu nhập cao trong xã hội bởi lẽ, những người có thu nhập cao thì thường sở hữu nhà ở giá trị cao.

Thứ hai, thực hiện điều tiết thu nhập các khoản thu nhập ngầm, thu nhập chưa kê khai tính thuế thu nhập cá nhân. Các cá nhân có thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau, kể cả thu nhập hợp pháp và không hợp pháp, có nhiều kênh cất trữ tài sản, trong đó có bất động sản. Với các khoản thu nhập chưa thể kiểm soát để đánh thuế thu nhập cá nhân hoặc chưa có cơ sở pháp lý là thu nhập bất hợp pháp thì việc đánh thuế nhà giúp điều tiết các khoản thu nhập này.

Thứ ba, việc đánh thuế đối với nhà ở sẽ thúc đẩy chủ sở hữu sử dụng nhà một cách hiệu quả nhất để có nguồn thu nhập nộp thuế hoặc thúc đẩy các cá nhân tính toán kênh đầu tư phù hợp thay vì chỉ tập trung vào đầu cơ bất động sản. Như vậy, đưa nhà vào diện chịu thuế sẽ góp phần làm lành mạnh hóa thị trường bất động sản, hạn chế đầu cơ bất động sản, thúc đẩy việc đưa các nguồn vốn vào sản xuất, kinh doanh.

Thứ tư, giá trị của bất động sản nói chung và nhà ở nói riêng chịu tác động rất lớn từ sự đầu tư vào kết cấu hạ tầng của Nhà nước. Vì vậy, việc đưa nhà ở vào diện chịu thuế góp phần đảm bảo công bằng theo nguyên tắc đánh thuế theo lợi ích.

Về ngưỡng đánh thuế

Dự án luật đề xuất hai phương án xác định ngưỡng đánh thuế nhà là 700 triệu đồng và 1 tỷ đồng. Có một số người lo ngại rằng, nếu lấy ngưỡng đánh thuế là 700 triệu đồng thì những người có thu nhập thấp cũng phải nộp thuế nhà do mức giá nhà ở xã hội hiện nay cũng có thể cao hơn mức 700 triệu đồng. Nhìn nhận như vậy là chưa đúng với nội dung Dự án luật, bởi lẽ, giá nhà mà người có thu nhập thấp được mua thực chất bao gồm giá quyền sử dụng đất và giá nhà, chứ không chỉ là giá nhà. Giá đất được tính theo giá cho UBND tỉnh quy định.

Theo Dự án luật thì giá nhà được tính theo suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng quy định. Nhà ở dành cho người có thu nhập thường có diện tích từ 50 đến 70 m2 và cao từ 5 đến 10 tầng. Suất vốn đầu tư xây dựng cho nhà chung cư từ 5 đến 7 tầng là 8.060.000 đồng/m2; từ trên 7 đến 10 tầng là 8.300.000 đồng/m2. Giả sử một căn hộ cho người có thu nhập thấp với diện tích rộng 70 m2 trong căn chung cư 10 tầng thì giá trị nhà làm căn cứ xác định thuế tài sản chỉ là 581.000.000 đồng, mặc dù giá căn nhà này có thể được bán từ 900 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng.

Điều này cho thấy, người có thu nhập thấp không thuộc diện phải nộp thuế đối với nhà ở. Như vậy, có thể thấy, ngưỡng đánh thuế mà Bộ Tài chính đề xuất hướng đến điều tiết thu nhập của người có thu nhập trên trung bình và điều này là nhằm đảm bảo công bằng xã hội, hướng đến điều tiết vào thu nhập của người có thu nhập cao trong xã hội.

Về thuế suất

Dự án luật đề xuất 3 phương án thuế suất khác nhau tính riêng đối với đất và nhà ở phụ thuộc vào loại đất và mục đích sử dụng đất, sử dụng nhà. Các phương án có các mức thuế suất khác nhau nhưng mức thuế suất dự kiến là 0,23%, 0,3% và 0,4%, 0,52%. Riêng đất sử dụng không đúng mục đích thì đánh thuế 1%; đất lấn chiếm thì thuế suất là 2%. Đề xuất này nhằm khắc phục hạn chế của Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện hành khi mức thu quá thấp, không điều tiết thỏa đáng thu nhập của người giầu, sở hữu giá trị bất động sản lớn. Xem xét mức thuế suất của một số nước trong khu vực sẽ có cái nhìn khách quan về mức thuế suất đề xuất trong Dự án luật. Theo Deloitte (2017) và Roy Baht (2009) thì mức thuế suất thuế tài sản của một số nước trong khu vực như sau:

Nước

Tên sắc thuế

Cơ sở tính thuế

Thuế suất

Indonesia

Thuế nhà và đất

Giá trị của nhà, đất

0,3%

Philippines

Thuế bất động sản

Giá trị đất và công trình kiến trúc trên đất

Có nhiều mức tùy thuộc vào vị trí tài sản nhưng tối đa 3%

Singapore

Thuế bất động sản

Giá cho thuê tài sản

0% - 16% (Chủ sở hữu tài sản)

10% - 20% (Không xác định chủ sở hữu tài sản)

Thái Lan

Thuế nhà và đất

Giá cho thuê tài sản

12%

Trung Quốc

Thuế bất động sản đô thị

Giá bất động sản (nhà và đất)

1,2%

Giá cho thuê tài sản

12%

Bảng trên cho thấy, so với những nước có cơ sở thuế là giá trị bất động sản thì lựa chọn mức thuế suất trong Dự án luật thuế tài sản tương đương thuế suất của Indonesia và thấp hơn Trung Quốc. Như vậy, có thể thấy, nhìn chung mức thuế suất trong Dự án luật là phù hợp, qua đó, góp phần điều tiết thu nhập của người có thu nhập cao, góp phần đảm bảo công bằng xã hội.