Dự án Luật Thuế tài sản đang tiếp thu ý kiến để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân
Trao đổi với Tạp chí điện tử Tài chính, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho rằng, Dự thảo Luật Thuế tài sản đang tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến rộng rãi trong xã hội nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân.
Ông Lưu Đức Huy |
Ông Lưu Đức Huy: Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội đóng góp vào Dự án Luật Thuế tài sản và đã nhận được rất nhiều ý kiến về các đề xuất của Bộ Tài chính đưa vào dự thảo…
Mục tiêu của Dự án Luật Thuế tài sản là nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về tiếp tục cải cách chính sách thuế đối với tài sản; Thực hiện cải cách hệ thống thuế, góp phần xây dựng hệ thống thuế đồng bộ phù hợp với các quy định của Hiến pháp, thống nhất và đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan; Đảm bảo mở rộng cơ sở thuế, bao quát nguồn thu từ thuế tài sản, phù hợp với thông lệ quốc tế về thuế tài sản.
Dự thảo Luật Thuế tài sản quy định đối tượng chịu thuế là đất phi nông nghiệp (hiện đang là đối tượng điều chỉnh của Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, nếu ban hành Luật Thuế tài sản sẽ bãi bỏ Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp).
Đối với nhà ở, trước đây Pháp lệnh thuế nhà đất đã có quy định thu đối với nhà, tuy nhiên, trên cơ sở tình hình thực tế thời điểm đó, tạm thời chưa thu thuế nhà. Dự thảo Luật Thuế tài sản đưa ra 2 phương án đánh thuế khác nhau như thu thuế đối với nhà ở; nhà và công trình thương mại, dịch vụ.
Đối với tàu bay, du thuyền, ô tô, Dự thảo Luật Thuế tài sản đưa ra 2 phương án: Phương án 1 đối tượng chịu thuế đối với tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên; Phương án 2 không đánh thuế tài sản đối với tàu bay, du thuyền, ô tô…
Như vậy, các nội dung tại Dự thảo Luật Thuế Tài sản hiện đang lấy ý kiến rộng rãi theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong giai đoạn nghiên cứu để đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, chưa phải là phương án chốt cuối cùng.
Theo suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở ban hành kèm theo Quyết định số 1161/QĐ-BXD ngày 15/10/2015 của Bộ Xây dựng, suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở bình quân khoảng 7.300.000 đồng/m2 (suất vốn đầu tư xây dựng là căn cứ để UBND tỉnh xây dựng và ban hành giá 1m2 nhà ở xây dựng mới). Khi đó, giá trị xây dựng mới của căn nhà 100 m2 bình quân khoảng 730 triệu đồng.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính xây dựng phương án đề xuất ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng.
Nếu áp dụng ngưỡng đánh thuế tài sản theo phương án đề xuất của Bộ Tài chính, theo ông, làm thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân?
Thuế tài sản là một loại thuế ra đời sớm trong hệ thống thuế của đa số các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển. Hiện nay, có 174/193 nước trên thế giới thực hiện thu thuế tài sản (thuế thu hàng năm, trong quá trình sử dụng tài sản) với nhiều tên gọi khác nhau. Đối tượng chịu thuế tài sản ở các nước chủ yếu là đất và nhà. Thuế tài sản ở các nước thể hiện vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách của các quốc gia, chiếm tỷ lệ trung bình 3 - 4% so với tổng thu thuế ở các nước phát triển.
Ở Việt Nam, qua đánh giá cho thấy, thuế thu hàng năm, trong quá trình sử dụng tài sản (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp) chỉ chiếm khoảng 0,036% GDP và mới chỉ điều tiết đối với đất. Do đó, để bao quát nguồn thu từ tài sản, thực hiện cải cách hệ thống chính sách thuế, góp phần xây dựng hệ thống thuế đồng bộ cần nghiên cứu điều chỉnh mức thu thuế trong quá trình sử dụng đối với đất và nghiên cứu bổ sung thu thuế đối với nhà và các tài sản khác cho phù hợp.
Dự thảo Luật Thuế Tài sản đang tiếp thu ý kiến của xã hội, để tạo sự đồng thuận trong xã hội cũng như đảm bảo tính khách quan, hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân.
Xin cảm ơn ông!