Dự án nghìn tỷ chậm tiến độ...
Dự án đường Trì Bình - Dung Quất có chiều dài chưa đầy 9km, với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, được khởi công vào năm 2015 và dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn còn ngổn ngang. Mới đây, Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi tiến hành thanh tra dự án và chỉ ra hàng loạt sai phạm.
Vẫn còn ngổn ngang
Dự án đường Trì Bình - Dung Quất được chia làm 2 giai đoạn, do Ban Quản lý KKT Dung Quất (nay là Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh) làm chủ đầu tư. Giai đoạn 1 có vốn đầu tư hơn 1.113 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2014 - 2016 và giai đoạn 2 có vốn đầu tư hơn 390 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2016- 2018. Dự án đi qua các xã thuộc địa phận huyện Bình Sơn, có điểm đầu tại nút giao với Quốc lộ 1 và Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, điểm cuối giao với đường Võ Văn Kiệt.
Ngày 19/5/2015, dự án khởi công thực hiện giai đoạn 1. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện công trình không thể về đích đúng hẹn nên UBND tỉnh đồng ý cho phép điều chỉnh thời gian hoàn thành giai đoạn 1 đến năm 2020. Nhưng rồi, dự án này vẫn giậm chân tại chỗ. Ghi nhận trên công trường dự án cho thấy, hiện không có công nhân thi công; nền đường tại một số vị trí bị sạt lở do mưa lũ; nhiều nhà dân chưa được tháo dỡ...
Theo Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Ngô Văn Trọng, đến nay tiến độ thi công dự án đạt hơn 90% khối lượng. Toàn tuyến đã thông và khi thời tiết thuận lợi sẽ chỉ đạo nhà thầu tổ chức thi công. Đối với các vị trí còn vướng, chủ yếu là phần lề đường, sẽ được đơn vị thực hiện bồi thường tập trung thực hiện.
Riêng vị trí nền đường sụt lún khu vực đầu tuyến, sau khi Chủ tịch UBND tỉnh cho ý kiến, đơn vị sẽ tiến hành đánh giá lại và đưa ra giải pháp khắc phục để đảm bảo việc thi công hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng.
... trở thành điểm nghẽn
Dự án đường Trì Bình - Dung Quất là một trong những dự án trọng điểm, được đầu tư nhằm phục vụ quá trình phát triển của KKT Dung Quất trong giai đoạn 2015 - 2020. Tuyến đường sẽ tăng tính kết nối giữa KKT Dung Quất với các đầu mối giao thông, giúp doanh nghiệp (DN) hoạt động tại đây thuận lợi trong lưu thông hàng hóa và “chia lửa” cho hai tuyến đường Võ Văn Kiệt và Dốc Sỏi - Dung Quất đã trở nên quá tải. Tuy nhiên, dự án thi công dang dở, kéo dài đã biến công trình động lực trở thành điểm nghẽn làm ảnh hưởng đến quá trình thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất, cũng như việc lưu thông hàng hóa của DN.
Ngoài tuyến đường Võ Văn Kiệt, thì mỗi ngày có hàng trăm lượt phương tiện chở hàng hóa vào cảng Dung Quất qua đường Dốc Sỏi - Dung Quất phải đi vòng vào tuyến đường nội bộ thuộc Phân khu Công nghiệp Sài Gòn - Dung Quất.
Ở chiều ngược lại, nhiều DN muốn xuất hàng hóa đến các tỉnh phía bắc bằng đường bộ không thể đi một mạch lên Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, mà phải đi đường vòng ra Quốc lộ 1 đến KKT mở Chu Lai (Quảng Nam) rồi mới nhập làn vào cao tốc. Việc phương tiện chở hàng hóa phải chạy vòng không chỉ làm mất thêm thời gian, chi phí vận chuyển, làm tăng giá thành sản phẩm, mà còn ảnh hưởng đến nhiều vấn đề liên quan khác.
Một bất cập khác là do đường Trì Bình - Dung Quất chậm đưa vào sử dụng, trong khi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ở KKT Dung Quất, nhất là xe tải lớn, ngày càng tăng lên nên tình hình trật tự an toàn giao thông trở nên phức tạp. Nhiều vụ tai nạn xảy ra gây thiệt hại về người và tài sản khiến người dân bức xúc.
Chủ đầu tư chưa làm tròn trách nhiệm
Không chỉ chậm tiến độ, mà dự án đường Trì Bình - Dung Quất còn có những sai phạm đã được Thanh tra tỉnh chỉ ra. Cụ thể, việc phê duyệt dự án nhưng không cân đối được vốn triển khai, nên phải dừng thực hiện trong hơn 5 năm (từ tháng 12/2008 - 4/2014); công tác lập dự toán tính toán sai khối lượng làm tăng giá trị dự toán gần 1,2 tỷ đồng; công tác lập thiết kế, dự toán còn nhiều sai sót dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung, xử lý kỹ thuật nhiều hạng mục công trình, tư vấn thiết kế tính toán xử lý lún, nền đất yếu dự báo lún không chính xác. Đặc biệt, chủ đầu tư chưa tiến hành kiểm tra, đánh giá khối lượng xây lắp nhưng đã cho tạm ứng dẫn đến dư nợ tạm ứng chưa thu hồi được gần 8 tỷ đồng.
Riêng việc xử lý nền đất yếu tại Km0- Km1+00 xuất hiện từ năm 2019 đến nay vẫn chưa có giải pháp thực hiện. Các hạng mục điều chỉnh nút N1, xử lý vỉa hè nút giao N3, bổ sung cống thoát nước tại ngã 6 vẫn chưa trình thủ tục pháp lý để thi công. Ngoài ra, dự án phải chuyển mục đích sử dụng đất gần 80ha, chủ đầu tư có công văn gửi Sở TN&MT, song không cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ và đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất lúa của dự án.
Trong quá trình phối hợp thực hiện, các cơ quan liên quan thiếu trách nhiệm, sai sót dẫn đến khi UBND huyện Bình Sơn kiến nghị thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ để thực hiện dự án nhưng không có tài liệu, hồ sơ chứng minh số liệu đề xuất. Đồng thời, trong quá trình lập, phê duyệt 55 phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng với tổng số tiền hơn 175,3 tỷ đồng, đã vượt so với dự toán được UBND tỉnh phê duyệt hơn 33,8 tỷ đồng, nhưng chưa làm thủ tục điều chỉnh.
Trong khi đó, công tác thi công chậm tiến độ. Cụ thể, gói thầu số 18 có giá trị hơn 77 tỷ đồng, mới hoàn thành khoảng 64%; gói thầu số 20 thi công khoảng 95% khối lượng; gói thầu số 21 thi công đạt khoảng 85% giá trị.
Riêng gói thầu số 2 thi công chỉ đạt khoảng 60% giá trị hợp đồng. Trong quá trình thi công còn xảy ra sai sót, vi phạm. Một số nội dung xử lý kỹ thuật chưa được triển khai kịp thời, thiết kế dự toán còn nhiều tồn tại và sai sót phải điều chỉnh nhiều lần; chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu khắc phục những khó khăn để thi công hoàn thành dự án, chưa tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để tháo gỡ những vướng mắc...
UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản chỉ đạo Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh lập thủ tục, hồ sơ, trình UBND tỉnh xem xét việc đề xuất phương án xử lý lún nền đường; điều chỉnh, bổ sung thiết kế, tổng dự toán và cơ cấu tổng mức đầu tư của dự án... Đồng thời, điều chỉnh thời gian thực hiện hoàn thành dự án giai đoạn 1 là 2014 - 2022 và giai đoạn 2 là (2022 - 2024). Trước đó, dự án đã được Kiểm toán Nhà nước Khu vực III và Thanh tra Bộ Xây dựng lần lượt kiểm toán và thanh tra vào năm 2017 và 2018; qua đó, kiến nghị xử lý tài chính hơn 27 tỷ đồng. Đến nay, chủ đầu tư đã thực hiện hơn 19,1 tỷ đồng, chưa thực hiện hơn 7,8 tỷ đồng.