Tỉnh Đồng Nai:
Nhiều dự án chậm tiến độ do dịch bệnh
Gần 4 tháng qua, đại dịch COVID-19 đã làm cho nhiều dự án đầu tư trong nước và dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn Đồng Nai bị chậm tiến độ. Các dự án kéo dài gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp (DN) và phát triển kinh tế của địa phương.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai, trong các KCN của tỉnh hiện có 146 dự án đang xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 2,14 tỷ USD. Đa số các dự án trên là dự án sản xuất công nghiệp thuộc các ngành nghề: điện tử, máy móc thiết bị, xơ sợi dệt, nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, giày dép.
Thi công trì trệ
Từ tháng 6/2021, dịch bệnh bùng phát trở lại ở các tỉnh, thành phía Nam dẫn đến nhiều dự án đang thi công nhà xưởng, văn phòng của các DN bị trì trệ. Sau đó, nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội, các công trình đang thi công rơi vào tình trạng thiếu vật liệu xây dựng, giá nguyên liệu bị đẩy lên cao, thiếu lao động làm việc tại công trình...
Ông Kenichiro Abe - Chủ tịch Chi hội DN Nhật Bản tại Đồng Nai cho biết: “Năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, các DN Nhật Bản đầu tư mới và tăng vốn vào Đồng Nai khá nhiều. Trong đó, chủ yếu các dự án về sản xuất máy móc, thiết bị, phụ tùng, điện tử, linh kiện điện tử. Nhiều DN Nhật Bản dự kiến sẽ đẩy nhanh hoàn thành thủ tục hồ sơ để thi công dự án và đưa vào hoạt động trong năm nay. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát, lây lan nhanh nên khi tỉnh Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội kéo theo những dự án đang thi công bị ách tắc”.
Hiện nay, Đồng Nai đang từng bước tiến đến trạng thái “bình thường mới”, nhưng DN, cơ sở, đơn vị muốn khôi phục hoạt động phải đáp ứng các quy định trong phòng, chống dịch COVID-19. Thực tế, ít đơn vị chủ thầu đáp ứng đủ các điều kiện để trở lại hoạt động, do đó các công trình xây dựng nhà xưởng của DN tiếp tục phải chờ.
Ông Binu Jacob - Tổng giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (TP. Biên Hòa) cho hay: “Tháng 4/2021, Nestlé tăng thêm 132 triệu USD để mở rộng đầu tư vào tỉnh, xây dựng tiếp nhà máy sản xuất cà phê xuất khẩu. Dự kiến khi hoàn thành đây sẽ là nhà máy sản xuất cà phê hiện đại và lớn nhất của tập đoàn, cung cấp cà phê cho toàn thế giới. Thế nhưng, dịch bệnh đã làm tiến độ đầu tư nhà máy của Nestlé bị chậm lại so với kế hoạch ban đầu”. Trong gần 9 tháng của năm 2021, dự án của Tập đoàn Nestlé đầu tư vào tỉnh có vốn lớn nhất.
Bên cạnh đó, cũng có những nhà máy đã hoàn tất khâu xây dựng nhà xưởng, văn phòng, nhưng lại vướng giãn cách xã hội nên chưa nhập được máy móc về để lắp đặt dây chuyền sản xuất.
Ảnh hưởng hàng loạt dự án
Đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến các dự án đang xây dựng mà còn làm “lỡ nhịp” cả trăm dự án ở trong và ngoài KCN sắp triển khai. Trong đó, riêng các KCN có 80 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 504 triệu USD. Dự án đầu tư vào KCN chủ yếu là sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước, xuất khẩu. Dự án ngoài KCN tập trung vào hạ tầng kỹ thuật, bất động sản.
Ông Đoàn Phi Vân - Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Alltech Việt Nam (ở KCN Amata, TP. Biên Hòa) cho biết: “Công ty đang đầu tư một nhà máy sản xuất các chất phụ gia cho chăn nuôi lớn ở H.Long Thành. Do dịch bệnh nên tiến độ hoàn thành nhà máy bị chậm, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của công ty”.
Theo một số DN, làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ tư đã khiến cho nhiều nhà máy sản xuất có thể bị chậm lại 6-12 tháng so với kế hoạch. Trường hợp chưa đẩy lùi được dịch bệnh trong 1-2 tháng tới thì lộ trình thực hiện của nhiều dự án có thể còn kéo dài hơn nữa, đặc biệt là các dự án ngoài KCN phải tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất.
Đơn cử như Dự án KCN Công nghệ cao Long Thành của Tập đoàn Amata (Thái Lan) đang được đẩy nhanh tiến độ để có đất cho nhà đầu tư thứ cấp thuê. Tuy nhiên, dịch bệnh làm dự án bị đình trệ do không thể thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Vì vậy, tiến độ hoàn thành dự án sẽ tiếp tục phải lùi lại thêm một thời gian nữa. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nhà đầu tư hạ tầng KCN và tỉnh bỏ lỡ thu hút nhiều dự án công nghệ cao của DN FDI.
Dự kiến, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, Đồng Nai tiếp tục là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong nước, FDI.
Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Đồng Nai Park Hyun Bae cho rằng, dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ các dự án của DN Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều DN Hàn Quốc muốn đến tỉnh đầu tư mới, mở rộng đầu tư gặp trở ngại do việc đi lại khó khăn. Dù bị dịch bệnh, nhưng nguồn vốn của Hàn Quốc đăng ký vào tỉnh trong gần 9 tháng qua vẫn đạt hơn 200 triệu USD. Nếu như dịch bệnh được khống chế tốt, DN Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng đầu tư vào tỉnh nhiều hơn nữa và triển khai nhanh các dự án đưa vào hoạt động.