Dự báo chỉ số giá tiêu dùng năm 2017
Ngày 29/12/2016, Viện Kinh tế Tài chính – Học viện Tài chính đã tổ chức Hội thảo “Diễn biến thị trường giá cả ở Việt Nam năm 2016 và dự báo năm 2017". Tại đây, phần đông ý kiến các chuyên gia cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã có xu hướng tăng trở lại. Trong năm 2017, để thực hiện được mục tiêu CPI khoảng 4% như Nghị quyết của Quốc hội đề ra, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê mới công bố, CPI tháng 12/2016 tăng 0,23% so với tháng trước và tăng 4,74% so với tháng 12 năm trước.
Như vậy, lạm phát năm 2016, theo cách tính hiện tại (so với tháng 12 năm trước) chỉ là 4,74%, thấp hơn mục tiêu đề ra cho năm nay là 5%. Còn nếu tính bình quân - cách tính lạm phát mới, đang được Tổng cục Thống kê đề xuất thực hiện từ năm 2017, thì lạm phát năm nay chỉ ở mức 2,66%.
Tại Hội thảo “Diễn biến thị trường giá cả ở Việt Nam năm 2016 và dự báo năm 2017", TS. Nguyễn Ngọc Tuyến đến từ Học viện Tài chính cho biết, CPI đã chấm dứt xu hướng giảm từ các năm trước. Tuy nhiên, nếu xét trong thời gian 5 năm (2012-2016) thì mức tăng năm 2016 trên trung bình đôi chút (bình quân 5 năm CPI tăng 4,06%).
Bình luận về nguyên nhân khiến CPI tăng cao trong năm 2016, TS. Lê Quốc Phương - Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cho rằng, CPI năm 2016 không chịu nhiều tác động từ giá trên thị trường thế giới mà chủ yếu tăng do các yếu tố trong nước. Việc điều chỉnh theo lộ trình phí dịch vụ y tế và giáo dục là nguyên nhân chính dẫn tới tăng chỉ số CPI trong năm vừa qua.
Dự báo về CPI năm 2017, TS. Lê Quốc Phương cho rằng nếu tính CPI bình quân năm thì CPI có thể đạt 3,5-4%. Tuy nhiên, nếu sử dụng phương pháp so sánh tháng 12/2007 với tháng 12/2016 thì mục tiêu CPI năm 2017 dưới 4% là không dễ đạt được bởi giá hàng hóa thế giới có khả năng tăng (khi giá dầu thô đã tăng trên 5% sau khi các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC cắt giảm sản lượng trong tháng 12/2016); Giá dịch vụ y tế tiếp tục tăng theo lộ trình.
Bên cạnh đó, việc đồng USD tăng giá và mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 tương đối cao là 6,7% sẽ tạo sức ép lên lạm phát trong năm tới.
Dự báo CPI tiếp tục duy trì ở mức như năm 2016, PGS., TS. Ngô Trí Long cho rằng, để thực hiện được mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% như Nghị quyết Quốc hội đề ra, cần thực hiện những giải pháp cơ bản gồm: Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, sử dụng linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ. Mức tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng; Phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; Kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá (điện, nước, xăng dầu…); Giám sát chặt chẽ kê khai giá của DN…
Trước mắt, các bộ, ngành phối hợp với các địa phương chủ động chuẩn bị nguồn hàng cho thị trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ưu tiên các sản phẩm sạch, không để xảy ra thiếu hàng gây sốt giá, có kịch bản đối phó với điều kiện thời tiết khó khăn, triển khai chương trình bình ổn thị trường phù hợp với thực tế địa phương cho các dịp tiêu dùng cao điểm Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.