Dự báo CPI tháng 8 sẽ có mức tăng nhẹ

PV.

Đó là thông tin đưa ra tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 7 diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 7 diễn ra mới đây tại Hà Nội cho biết, CPI tháng 7/2016 tăng 0,13% so với tháng 6/2016. Đây là mức tăng khá thấp so với các tháng trước (tháng 6 tăng 0,46%, tháng 5 tăng 0,54%, tháng 4 tăng 0,33%). Tính chung 7 tháng đầu năm, CPI đã tăng 2,48% so với tháng 12/2015, tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Tạ Thị Thu Việt (Tổng cục Thống kê) lý giải về mức tăng này, trong mức tăng 0,13% của CPI tháng 7, giá dịch vụ thuốc và dịch vụ y tế có mức tăng cao nhất là 24,74% do việc điều chỉnh phí dịch vụ y tế trong quý I và II; tiếp đến là giáo dục 4,16%, do một số địa phương điều chỉnh học phí. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,11% do giá lương thực, thực phẩm tăng trong quý I và II…

Tuy nhiên, Tổ điều hành thị trường đánh giá, CPI tháng 7 tăng không quá cao do nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào khiến giá gạo giảm. Bên cạnh đó, giá xăng dầu giảm 2 lần, giá gas vừa giảm 14.000 đồng/bình nên cũng góp phần giúp kiềm chế CPI tháng 7.

Dựa vào những diễn biến của thị trường và trên cơ sở những nhân tố tác động chính đến CPI, Tổ Điều hành thị trường trong nước dự báo, CPI tháng 8 sẽ có mức tăng nhẹ so với tháng 7 do 17 tỉnh, thành phố trên cả nước bắt đầu bước vào đợt điều chỉnh dịch vụ y tế.

Mặc dù, nhiều địa phương cũng đã có phương án điều chỉnh học phí từ cấp học mầm non đến đại học. Tuy nhiên, tháng 8, nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào; nhu cầu thép chưa có dấu hiệu tăng đột biến sẽ là những yếu tố quan trọng kiềm giữ chỉ số CPI không tăng quá mạnh.

Một số chuyên gia cho rằng, dù trước mắt chưa ảnh hưởng nhiều, tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục và y tế sẽ tác động trực tiếp đến CPI. Chưa kể, giá xăng dầu đã vượt đáy và có dấu hiệu tăng dần nên để đảm bảo CPI không vượt quá con số Quốc hội phê duyệt (tăng 5%) đòi hỏi những giải pháp điều hành linh hoạt.

Nhận định từ phía Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã phối hợp với Bộ Y tế đề ra 5 lộ trình tăng giá dịch vụ y tế theo hướng các địa phương nào có tỷ lệ che phủ bảo hiểm y tế (BHYT) cao được điều chỉnh trước, địa phương nào có tỷ lệ che phủ BHYT thấp điều chỉnh sau. Do đó, riêng giá dịch vụ y tế sẽ không có biến động gây sốc đến chỉ số CPI.