Lạm phát 6 tháng đầu năm 2016 và dự báo
Mặc dù có nhiều yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng trong trung hạn, song theo nhận định của các tổ chức và chuyên gia, kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn khó có khả năng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao khi những nền tảng cho tăng trưởng chưa được thiết lập chắc chắn. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng có ý nghĩa quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế.
Nhiều chuyên gia nhận định, dù mức lạm phát 6 tháng đầu năm 2016 còn thấp và cách khá xa mục tiêu kiểm soát, nhưng đây vẫn là một biến số khó lường và đòi hỏi sự thận trọng trong điều hành.
Diễn biến lạm phát 6 tháng đầu năm 2016
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,52%. Tốc độ tăng trưởng năm nay tuy cao hơn tốc độ tăng chung của cùng kỳ các năm từ 2012 – 2014 (lần lượt là 4,93%; 4,9%; 5,22%) nhưng có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,28% trong 6 tháng đầu năm 2015. Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm thấp, đặt ra thách thức lớn trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2016 là 6,7%.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 6/2016 tăng 0,46% so với tháng trước, tăng 2,35% so với tháng 12/2015 và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2016 tăng 1,72% so với cùng kỳ năm 2015.
Lạm phát cơ bản theo thước đo CPI (sau khi loại trừ lương thực - thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 6/2016 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 1,88% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 6 tháng đầu năm 2016 so cùng kỳ năm 2015 tăng 1,8%.
Như vậy, bình quân 6 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng lạm phát cơ bản (+1,8%) tương đối sát so với tốc độ tăng của lạm phát chung (+1,72%), qua đó cho thấy, chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2016 tuy có mức tăng cao hơn so với bình quân 6 tháng đầu năm 2015 (+0,86%) nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ các năm trước (năm 2014 tăng 4,77%, năm 2013 tăng 6,73%, năm 2012 tăng 12,2%).
Mức tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2016 chủ yếu do tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ công (y tế, giáo dục) theo lộ trình thị trường, biến động tăng của giá nguyên nhiên, vật liệu, lương thực, thực phẩm và việc điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu vùng và lương cơ sở.
Giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm được điều chỉnh tăng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 và giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ cũng đã có những tác động đến CPI trong 6 tháng đầu năm 2016. Giá dịch vụ y tế hiện đã thực hiện bước 1, theo đó mức giá khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù thực hiện từ 1/3/2016 đẩy giá các mặt hàng dịch vụ y tế tăng 23,12%, góp phần làm cho CPI 6 tháng đầu năm tăng khoảng 0,86% so cùng kỳ năm trước. Thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, một số tỉnh đã tăng học phí các cấp học làm cho chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục 6 tháng đầu năm tăng 4,47% so cùng kỳ năm trước, góp phần làm cho CPI 6 tháng đầu năm tăng khoảng 0,22% so cùng kỳ năm trước.
Mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp tăng từ ngày 1/1/2016 (Tính trung bình, mức lương tối thiểu vùng năm 2016 cao hơn mức lương tối thiểu vùng năm 2015 khoảng 250.000-400.000 đồng/tháng) và lương cơ sở tăng từ ngày 1/5/2016 (tăng 60.000đ) nên giá một số loại dịch vụ như: dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình, dịch vụ bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ điện, nước; dịch vụ thuê người giúp việc gia đình... có mức tăng giá từ 1%-2,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: Tổng Cục Thống kê, Cục Quản lý Giá Bộ Tài chính.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, các dịp Tết Nguyên đán, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, kỳ lễ 30/4 và 1/5 đều được kéo dài nên nhu cầu mua sắm, vui chơi giải trí tăng cao, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm đều tăng. Bên cạnh đó, việc thương lái thu mua thịt lợn xuất sang Trung Quốc cùng với khô hạn ở miền Trung và Tây Nguyên, xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 4, tháng 5 cũng đã ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm trong nước.
Theo đó, bình quân 6 tháng đầu năm, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,03% so với cùng kỳ năm 2015, góp phần vào mức tăng chung của CPI khoảng 0,71%; chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,37% so với cùng kỳ năm 2015, góp phần vào mức tăng chung của CPI khoảng 0,08%; chỉ số giá nhóm may mặc tăng 2,47% so với cùng kỳ năm 2015, góp phần vào mức tăng chung của CPI khoảng 0,15%; chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.
Một nguyên nhân khác cũng khiến CPI tăng là giá xăng dầu, khí ga tăng trong quý II theo xu hướng biến động tăng trên thị trường thế giới. Ngoài ra, do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu dùng điện tăng, làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,27%, góp phần làm CPI cả nước tăng khoảng 0,03%.
Hình 1: Diễn biến CPI và lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm 2016 (%)
Nguồn: Tổng cục Thống kê, Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính
Công tác điều hành trong 6 tháng đầu năm
Trong 6 tháng đầu năm 2016, mặc dù thị trường hàng hóa chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi (cả chủ quan và khách quan) như: thời tiết, khí hậu, môi trường, giá hàng hóa thế giới, việc thực hiện lộ trình giá thị trường của hàng hóa trong nước... Tuy nhiên, công tác điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương khá sát sao nên thị trường vẫn khá bình ổn, các vấn đề phát sinh được các cấp, ngành, địa phương phối hợp xử lý kịp thời, hiệu quả.
Các ngành, các cấp đã và đang tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp như:
- Bộ Tài chính đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý bình ổn giá tại một số địa phương. Về quản lý giá xăng dầu, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương điều hành kinh doanh xăng dầu phù hợp tình hình thị trường thế giới và trong nước góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
- Ngành Công Thương đã phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại dự trữ hàng hóa, tham gia bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên Đán nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến vào dịp Tết.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều hành lãi suất và tỷ giá linh hoạt phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô. Ngày 31/12/2015, NHNN Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2730/QĐ-NHNN có hiệu lực từ ngày 4/1/2016 về việc công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD và biên độ giao dịch là +/-3%, theo đó tỷ giá trung tâm được điều chỉnh hàng ngày, bám sát diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước và quốc tế, tỷ giá trung tâm biến động có tăng, có giảm. Với cách thức điều hành tỷ giá mới, sau 6 tháng, tỷ giá VND/USD trên thị trường thấp hơn nhiều so với mặt bằng tỷ giá cuối năm 2015 và khá ổn định.
Dự báo CPI năm 2016 và giải pháp kiểm soát giá cả những tháng cuối năm
Thực tế những năm qua cho thấy, mức lạm phát cả năm ở nước ta luôn cao hơn so với 6 tháng đầu năm. Theo thống kê, đặc biệt là trong những năm gần đây, CPI dù không còn biến động theo chu kỳ (những tháng sau tết âm lịch tăng thấp, quý 2 và 3 không tăng và từ tháng 9 tới cuối năm tăng cao), nhưng hầu như chỉ số CPI 6 tháng cuối năm đều tăng và chưa bao giờ CPI cả năm lại thấp hơn CPI 6 tháng đầu năm.
Lạm phát tiềm ẩn khả năng diễn biến bất thường, vì từ nay đến cuối năm 2016 có nhiều yếu tố dự báo sẽ gây áp lực lên CPI, đặc biệt có thể sẽ có những diễn biến phức tạp đến từ nhiều yếu tố ngoại sinh như thị trường thế giới và biến đổi khí hậu (gây xáo trộn trên thị trường lương thực), việc nước Anh rời khỏi EU… và nội sinh như khả năng kiểm soát cung tiền của NHNN và biến động của tổng cầu. Nếu tình hình bất lợi, sẽ không loại trừ việc lạm phát năm 2016 vượt qua mức mục tiêu 5% của Chính phủ.
Báo cáo của Tạp chí The Economist về tình hình Việt Nam 2016 cũng đã đưa ra nhận xét: Áp lực lạm phát ở Việt Nam vẫn ẩn chứa trong năm nay. Giá cả sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn một chút. Áp lực lạm phát từ phía cầu cũng sẽ mạnh hơn. Dù vậy, Economist cho rằng, mức tăng của lạm phát từ nay đến 2018 sẽ ở mức độ vừa phải, không tăng sốc như giai đoạn 2011-2015.
Hình 2: Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng CPI và GDP (%)
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Để kiềm chế lạm phát dưới 5%, Chính phủ đã xây dựng những kịch bản khác nhau. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung, cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác phân tích, dự báo thông tin thị trường.Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp đề ra trong Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của Chính phủ.
Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục triển khai các biện pháp phù hợp nhằm hạn chế tác động của tình trạng ô nhiễm hiện nay ở khu vực miền Trung đến hoạt động du lịch; cũng như hạn chế tác động tiêu cực đến thu hút khách du lịch quốc tế. Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, tăng cường thu nợ đọng thuế và triển khai thu kịp thời phần bán vốn cổ phần của Nhà nước ở một số doanh nghiệp... Bộ Công Thương tăng cường công tác chống buôn lậu; gian lận thương mại; cần phối hợp với các hiệp hội ngành hàng nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu đối với một số mặt hàng chủ lực mà kim ngạch đang có xu thế giảm thấp so với cùng kỳ năm trước (như: sản phẩm dệt may, đồ gỗ, sản phẩm điện tử).
NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô; phối hợp với Bộ Tài chính trong phát hành trái phiếu Chính phủ nhằm duy trì mặt bằng lãi suất ổn định. Phấn đấu giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Theo ý kiến của các chuyên gia, việc phối hợp chính sách phải cần tiếp tục được làm tốt, đặc biệt liên quan đến tiền tệ, tài khóa và kiểm soát giá cả (nhất là những mặt hàng nhà nước quản lý). Riêng với chính sách tiền tệ cần đặc biệt tập trung vào điều hành lãi suất, tỷ giá, lượng cung tiền và tín dụng…
Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật Giá, thuế, phí, đặc biệt đối với những hàng hóa dịch vụ tiêu dùng thiết yếu; Xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng; Giám sát chặt chẽ kê khai giá của các doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng kê khai giá; Kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công.
Trong trường hợp điều chỉnh giá phải xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá, tránh điều chỉnh giá vào cùng một thời điểm, để tránh tác động của việc điều chỉnh giá tới mặt bằng giá.
Tài liệu tham khảo:
1. Các báo cáo thống kê, Tổng cục Thống kê năm 2015, 6 tháng 2016;
2. Kỷ yếu hội thảo: “Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2016”;
3. http://www.mof.gov.vn/;
4. http://www.gso.gov.vn/;
5. http://qlg.mof.gov.vn/portal/page/.