Dự báo đầy đủ các tác động để lập dự toán ngân sách nhà nước 2025 sát thực tiễn
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về công tác triển khai xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2025, diễn ra chiều 19/7.
Ước các khoản thu tiềm năng để đưa vào dự toán
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Hội nghị nhằm đánh giá lại việc thực hiện dự toán NSNN 2024 và dự báo 6 tháng cuối năm, trên cơ sở đó đảm bảo việc lập dự toán NSNN năm 2025 sát, đúng và chính xác, đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chính trị giao cho các địa phương và bộ, ngành.
Bộ trưởng cho biết, thu NSNN 6 tháng đầu năm 2024 đạt kế hoạch dự toán đề ra. Bộ trưởng đề nghị trong nửa cuối năm, các đơn vị, địa phương phấn đấu để đảm bảo thu NSNN đạt dự toán, phấn đấu vượt thu. “Năm 2024, chúng ta cố gắng phấn đấu vượt thu 10%, nếu được như vậy là 4 năm liền chúng ta vượt thu NSNN”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, sở dĩ thời gian qua thu NSNN tăng là do khai thác được khoản thu tiềm năng, mở rộng cơ sở thu, do đó thu ngân sách mới được đảm bảo.
Thực tế 6 tháng đầu năm tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,5%, dự kiến cả năm đạt trên 6,5%. Với kết quả này, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 có thể vào khoảng 6,5%. Bộ trưởng đề nghị các đơn vị, địa phương “tiên liệu” thu NSNN để tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, Bộ trưởng cũng lưu ý các đơn vị về thu nội địa, nhất là thu từ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để xây dựng dự toán sát nhất.
“Phải dự báo hết các vấn đề tác động đến thu, chi NSNN để lập dự toán năm 2025 sát thực tiễn”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Chỉ đạo cụ thể về việc lập dự toán năm 2025, Bộ trưởng yêu cầu, đối với dự toán thu ngân sách phải đảm bảo thực tế, tổng hợp đầy đủ các khoản mới phát sinh trên địa bàn, tính đúng, tính đủ, phấn đấu thu ngân sách tăng từ 5-7% so với ước thực hiện năm 2024, ước các khoản thu tiềm năng để đưa vào dự toán.
Đối với xây dựng dự toán chi cân đối ngân sách năm 2025, người đứng đầu ngành Tài chính yêu cầu tiếp tục ổn định tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia và số bổ sung phân bổ ngân sách Trung ương cho địa phương như năm 2024. Trong đó, cần xây dựng cơ sở dự toán chi ngân sách địa phương trên cơ sở dự toán thu được hưởng theo phân cấp và số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương, đảm bảo ưu tiên đủ dự toán chi nhu cầu thực hiện các dự án, nhiệm vụ và chế độ chính sách đã ban hành…
Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo UBND tỉnh, sở tài chính, cục thuế bám sát các quy định pháp luật để lập dự toán NSNN 2025 chính xác. Sau khi lập dự toán, các địa phương cần gửi Bộ Tài chính để xem xét, thẩm định, sau đó báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong kỳ họp cuối năm.
Tính đúng, tính đủ các khoản thu theo quy định
Phát biểu tại Hội nghị, ông Mai Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, thu NSNN 7 tháng đầu năm mặc dù còn một số khoản thu, sắc thuế địa bàn đạt thấp, tuy nhiên về tổng thể với tiến độ thu này, ngành Thuế phấn đấu đảm bảo hoàn thành vượt mức dự toán thu năm 2024 được giao.
Tuy nhiên, diễn biến thu qua các tháng chưa thấy chuyển động tích cực theo sự hồi phục của nền kinh tế. Kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2024 và năm 2025 còn nhiều yếu tố bất định, khó dự báo, nền kinh tế vẫn còn đang phải đối phó với rất nhiều khó khăn.
Để tổ chức thực hiện tốt công tác lập và giao dự toán thu ngân sách năm 2025, Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn cho biết, ngành Thuế sẽ xác định đúng mục tiêu thu NSNN năm 2025, bám sát các nguồn thu trên địa bàn để nắm bắt những nguồn thu mới, các dự án hết thời gian ưu đãi, những nguồn thu phát sinh đột biến, đặc thù… Trên cơ sở đó tổ chức lập giao dự toán cho các đơn vị cấp dưới sát với khả năng thu theo thực tế tại từng địa bàn.
Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời các chính sách để tháo gỡ khó khăn, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tiếp tục theo dõi sát sao tình hình sức khỏe doanh nghiệp, tác động của diễn biến tình hình kinh tế thế giới, các chính sách của nước lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để kịp thời tham mưu các giải pháp ứng phó; thực hiện quyết liệt công tác quản lý thu theo chức năng quản lý thuế; nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Nêu ý kiến về dự toán thu NSNN năm 2025, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh, các đơn vị xây dựng dự toán thu phải tính đúng, tính đủ các khoản thu theo quy định của Luật thuế, các chế độ thu hiện hành và dự báo về chính sách, thủ tục xuất nhập khẩu tại địa bàn để xây dựng dự toán thu năm 2025 theo hướng vững chắc, có tính khả thi cao, tăng thu so với ước thực hiện năm 2024.
Tham gia ý kiến tại Hội nghị, ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, thời gian qua, tình hình thu ngân sách của Thành phố là điểm sáng và được HĐND đánh giá cao. Tuy nhiên, qua đánh giá cho thấy, tình hình doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Vừa qua, TP. Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường quản lý thương mại điện tử nhằm mở rộng cơ sở thuế theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, qua đó đã tạo ra nguồn thu mới.
Liên quan đến công tác lập dự toán thu ngân sách năm 2025 trên địa bàn, Lãnh đạo TP. Hà Nội kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi, nghiên cứu để có cơ chế hỗ trợ thuế, phí cho doanh nghiệp; tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực triển khai hoá đơn điện tử, hoá đơn điện tử kết nối từ máy tính tiền... Đặc biệt, áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt để người dân thanh toán đúng giá, đảm bảo tiền thu về NSNN minh bạch.
“Xác định tài nguyên số là hướng đi tốt, nên thời gian qua, TP. Hà Nội đã triển khai hiệu quả công tác quản lý thuế thương mại điện tử, kinh tế sáng tạo. TP. Hà Nội kiến nghị cần có cơ chế thu thập chia sẻ cơ sở dữ liệu để quản lý, khai thác nguồn thu tốt”, ông Hà Minh Hải nêu rõ. Đồng thời, việc giao dự toán số thu năm 2025 tiếp tục phải đánh giá kỹ khi giao nhiệm vụ cho các đơn vị.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 49/2024/TT-BTC quy định về hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN năm 2025 và kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm 2025 - 2027. Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu, trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2024 và các năm 2021 – 2024, làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân khách quan, chủ quan và kiến nghị (nếu có) trong việc thực hiện các nhiệm vụ năm 2024 để xây dựng dự toán NSNN năm 2025, kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm 2025 - 2027 sát thực tế, sát khả năng thực hiện và nguồn đảm bảo, hạn chế tối đa việc hủy dự toán và chuyển nguồn sang năm sau.