Dự báo nền kinh tế Việt Nam năm 2021 và một số giải pháp phát triển

ThS. Phạm Vũ Ánh Dương, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp/tapchicongthuong.vn

Năm 2021 với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bài viết phân tích dự báo nền kinh tế Việt Nam năm 2021 và một số giải pháp của Việt Nam cho phát triển kinh tế năm 2021.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

1. Dự báo nền kinh tế Việt Nam năm 2021

Năm 2021, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ.

Thứ nhất, do việc phòng chống và kiểm soát tốt dịch bệnh, ý thức phòng chống dịch của người dân và toàn xã hội tăng cao, Việt Nam đã chuyển sang hình thức kiểm soát chặt chẽ biên giới, khoanh vùng dập dịch ngay tại gốc với phạm vi thích hợp, nền sản xuất của đất nước đã có những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ trong quý IV/2020. 

Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam đã thích ứng nhanh chóng với trạng thái kinh tế mới. Nếu xét theo số doanh nghiệp mới đăng ký thành lập và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, thì số lượng tăng hơn 0,8% so với 2019. Đặc biệt, vốn đăng ký bình quân mỗi doanh nghiệp cao hơn nhiều so với 2019.

Thứ ba, cơ cấu nền kinh tế đã có những chuyển biến đáng kể từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, năng suất lao động tăng đáng kể, đóng góp của nhân tố TFP vào tăng trưởng đạt 45 - 47%. Kinh tế tư nhân đã trở thành một nhân tố quan trọng đóng góp 44 - 45% GDP, là một động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Thứ tư, việc cải cách hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, giảm 29 loại phí, lệ phí đã góp phần tiết giảm chi phí sản xuất - kinh doanh và các chi phí tiếp cận cho các doanh nghiệp.

Thứ năm, việc hội nhập mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế thế giới thông qua hiệu quả của các Hiệp định Thương mại EVFTA, RCEPT, UKVFTA,… giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nhập khẩu các máy móc, thiết bị, các nguyên nhiên vật liệu và hưởng các ưu đãi xuất xứ, ưu đãi thuế cùng với việc đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu.

Thứ sáu, kinh tế số đã trở thành một trào lưu, một động lực phát triển của các doanh nghiệp trong nền kinh tế, đang thúc đẩy tính công khai, minh bạch, tiết kiệm chi phí và tăng năng suất lao động trong nền kinh tế.

Thứ bảy, đầu tư công đã có những chuyển biến tích cực, mức độ giải ngân năm 2020 đạt trên 92% đang góp phần tháo gỡ các khó khăn về cơ sở hạ tầng, về khả năng kết nối giữa các vùng kinh tế, góp phần tạo công ăn việc làm và tăng trưởng GDP.

Thứ tám, khả năng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2021 cũng sẽ là một nhân tố góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh.

Dự báo trong năm 2021, nếu dịch bệnh được khống chế sớm, kinh tế thế giới phục hồi tốt, kinh tế Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội, nắm bắt và thích ứng với các Hiệp định thương mại tự do và những thay đổi lớn trong nền kinh tế thế giới, tăng trưởng 6,8 - 7,4% thì khả năng lạm phát có thể sẽ là 3,8% (+, - 0,5%), thâm hụt ngân sách nhà nước trong khoảng 4,1%. Với những thay đổi chính sách của Chính phủ mới của Mỹ, nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhiều khả năng kịch bản này sẽ đạt được.

Trường hợp nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, nền kinh tế Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng 6,0 - 6,7% với lạm phát sẽ trong khoảng 3,3% (+, – 0,5%), thâm hụt ngân sách Nhà nước trong khoảng 3,5%.

GDP năm 2021 tăng khoảng 6,5% -7,0% dựa trên đóng góp của các cấu phần:

- Cầu tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng đáng kể so với mặt bằng thấp của năm 2020. Doanh thu bán lẻ hàng hóa sẽ tiếp tục phục hồi sau khi các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh đã cho thấy hiệu quả, quá trình thích nghi với chế độ “bình thường mới”, giúp cho nhu cầu tiêu dùng trở lại nhiều hơn, thậm chí cả tại các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu.

- Ngành công nghiệp chế biến - chế tạo vẫn là chỉ báo quan trọng đối với sức khỏe của ngành sản xuất, vốn có mức đóng góp đáng kể vào GDP đã cho thấy tín hiệu hồi phục tích cực sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

- Cùng với đó, việc duy trì thành công sự ổn định kinh tế vĩ mô cùng chính sách nhất quán của chính phủ trong thu hút đón đầu dòng vốn chuyển dịch từ Trung Quốc, góp phần thúc đẩy đầu tư từ cả 2 khu vực công tư. Trong đó, phải kể đến các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng không chỉ tại các trung tâm kinh tế truyền thống mà còn tại nhiều các thành phố vệ tinh xung quanh như Long An, Vũng Tàu, Đồng Nai,… tại khu vực phía Nam hay Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa… tại phía Bắc. Đây được đánh giá là những nhân tố thúc đẩy đầu tư tư nhân, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Diễn biến thuận lợi về lạm phát tiếp tục được duy trì trong năm 2021. Tỷ lệ lạm phát năm 2021 được dự báo mức không quá 4%. Năm 2021 sẽ ghi nhận nhiều yếu tố thuận lợi: Chính phủ chưa tăng lương cơ bản cho năm 2021; Mặc dù cầu tiêu dùng vẫn đang phục hồi tốt nhưng chưa thực sự mạnh mẽ đủ tạo sức ép lên lạm phát; Nhóm lương thực thực phẩm cần phải lưu ý theo dõi diễn biến giá gạo và thịt lợn, trong đó Việt Nam với thế mạnh nông nghiệp, hoàn toàn có thể chủ động và điều phối nguồn cung, bên cạnh đó, hoạt động tái đàn và nhập khẩu lợn giống cũng được đẩy mạnh; Chính sách tiền tệ điều hành linh hoạt, giảm thiểu tối đa các tác động; Giá cả của các loại hàng hóa dịch vụ công, điện, nước, y tế trong khả năng điều hảnh và kiểm soát của Chính phủ.

Mặc dù vậy, nền kinh tế vẫn luôn tồn tại những yếu tố gây áp lực tăng nhất định lên lạm phát, đó là: Cầu tiêu dùng nội địa ghi nhận cải thiện đáng kể ở nhóm tiêu dùng không thiết yếu; Giá dầu ảnh hưởng theo diễn biến của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với các chính sách về năng lượng tái tạo và dầu đá phiến. Tuy nhiên, trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn được ghi nhận, giá dầu khó có thể tăng mạnh; Do chịu tác động tiêu cực từ thiên tai, nhu cầu các mặt hàng nguyên liệu dân dụng, sửa chữa có thể tăng lên; Nhóm y tế cũng có thể ghi nhận áp lực tăng, trong đó vật tư y tế chịu áp lực tăng theo nhu cầu chung thế giới, nhu cầu chữa trị tăng do công tác dự phòng.

2. Giải pháp của Việt Nam cho phát triển kinh tế năm 2021

Để có thể đạt được các kết quả như dự báo trên vào năm 2021, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, tạo điều kiện thuận lợi đón dòng vốn đầu tư với sự nhất quán trong chính sách của Chính phủ. Điều kiện tiên quyết để phát triển: kiểm soát tốt dịch bệnh; phối hợp nhịp nhàng chính sách tài khóa và tiền tệ; Lấy đầu tư công thúc đẩy đầu tư tư nhân.

Hai là, chuẩn bị về tư liệu sản xuất cơ bản: đất đai, Điện nước, cơ sở hạ tầng; về nguồn nhân lực: chất lượng giáo dục, đặc biệt về chất lượng đào tạo bậc đại học, cao đẳng và dạy nghề Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Đầu tư cơ sở hạ tầng tại một số trọng điểm, trong đó bao gồm cả các thành phố thuộc các vùng kinh tế trọng điểm đặc biệt tại khu vực Nam Bộ và Bắc Bộ.

Ba là, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Theo dõi, quản lý và giám sát các biến động trên thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán… để có các biện pháp điều chỉnh kịp thời, tránh để xảy ra các biến động bất thường tác động xấu đến nền kinh tế. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả,…

Bốn là, đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân được coi như một động lực mới giúp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững nền kinh tế trong giai đoạn tăng tốc của nền kinh tế để vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Trong thời gian vừa qua, khu vực kinh tế tư nhân đã có sự tăng trưởng bứt phá trên nhiều lĩnh vực, đóng góp khoảng 34% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra trên 44% GDP của đất nước, nhưng vẫn còn nhiều rào cản và sự đối xử chưa hợp lý để khu vực này được phát triển bình đẳng. Cần tập trung vào các doanh nghiệp tư nhân lớn trở thành những đầu tàu, dẫn dắt kết nối được các doanh nghiệp vừa và nhỏ hình thành mạng lưới, dây chuyền sản xuất - kinh doanh.

Năm là, nâng cao hiệu quả đầu tư công, tiếp tục đẩy mạnh công tác giải ngân đầu tư công được coi là đòn bẩy để phục hồi và phát triển nền kinh tế. Đẩy mạnh cải cách cơ cấu nền kinh tế thực chất hơn, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.

Cần phải coi việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng suất và chất lượng lao động là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 để tạo bàn đạp cho việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi mô hình sản xuất - kinh doanh của nền kinh tế cho cả giai đoạn 2021 - 2030.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Báo cáo VCBS (2020), Dự báo kinh tế năm 2021.
  2. Ngân hàng United Oversea Bank (2021), Báo cáo đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu Quý II/2021.
  3. Tổng cục Thống kê (2021), Báo cáo tình hình kinh tế quí I/2021.