Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh):
“Dư địa rất lớn để thực hiện các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ”
Tham dự thảo luận trực tuyến về dự kiến Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ cấu nền kinh tế trên cơ sở thích ứng với biến đổi khí hậu và sống an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng: Chúng ta có dư địa rất lớn để thực hiện các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi.
Chung quanh nội dung thảo luận nói trên tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV (đợt 1), nhiều đại biểu Quốc hội tập trung đánh giá những kết quả việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2021; phân tích, làm rõ nguyên nhân của những mục tiêu và chỉ tiêu chưa hoàn thành và cho ý kiến về quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn tới.
Quá trình lâu dài và liên tục
Theo nhìn nhận của đại biểu Trần Hoàng Ngân, thời điểm năm 2008, 2009, trước tác động mạnh do suy thoái nền kinh tế toàn cầu lại vừa bị tác động của lạm phát cao nên kéo theo sự bất ổn về kinh tế vĩ mô đối với Việt Nam, từ đó đòi hỏi Việt Nam phải đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế.
Ông cho rằng, tại các kỳ Đại hội Đảng, Ban chấp hành Trung ương đều thảo luận rất nhiều và rất sâu về vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế, cho thấy cơ cấu nền kinh tế là một quá trình lâu dài và liên tục.
Đánh giá nhiều năm thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã mang lại nhiều kết quả nhất định, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu các số liệu cụ thể: 5 năm qua, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân một năm là 5,79% so với mục tiêu là 5,5%; đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt trên 45%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 30-35 %; kiểm soát lạm phát 5 năm liên tiếp dưới 4%; các cân đối lớn như cán cân thương mại suất siêu 5 năm khoảng 40 tỷ USD, cán cân vãng lai thì thặng dư; nợ công giảm sâu từ 63,7 % xuống 55,2%.
“Điều này cho chúng ta có dư địa rất lớn để thực hiện các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi trong giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 như hiện nay”.
Trao đổi với chúng tôi, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị Chính phủ quan tâm 4 quan điểm sau để nền kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững trong giai đoạn 2021-2025.
Đó là: Tiếp tục thực hiện đồng bộ, liên tục các giải pháp đặt ra từ trên xuống dưới ở các địa phương, tất cả các ngành. Việc đổi mới tăng trưởng cần kiên định theo mục tiêu phải đổi mới theo chiều sâu, đẩy mạnh chuyển đổi số, công nghệ số trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng sức lao động và cạnh tranh của nền kinh tế.
Mặt khác, đại biểu cũng nhấn mạnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế nếu như trước đây chỉ thích ứng với biến đổi khí hậu thì hiện nay phải thích ứng với việc sống an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19. Bên cạnh đó cần có cơ chế đột phá hơn để thu hút vốn trong hợp tác công tư.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, nếu đi sâu vào vấn đề cơ cấu kinh tế đối với đầu tư công và lĩnh vực công tuy đạt được kết quả tích cực, nhưng nhìn nhận thẳng thắn thì hiệu quả đầu tư công vẫn đạt thấp.
Nâng cao hiệu quả đầu tư công
“Trong đó, điểm yếu lớn nhất trong đầu tư công là yếu tố giải ngân với việc phát huy vai trò dẫn dắt vốn đầu tư của xã hội chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng - cụ thể vốn đầu tư công trong tổng vốn đầu tư xã hội còn rất cao”, ông nói.
Nhận xét trong nội dụng các mục tiêu đề ra, đại biểu Trần Hoàng Ngân đưa ra nhận xét: Trong báo cáo, một điều không khả thi nữa là mục tiêu đưa ra của giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ đầu tư công kéo xuống từ 10-11% sẽ khó thực hiện; bởi vì, muốn thực hiện phải có lộ trình, bước đi phù hợp.
“Không thể từ con số 20% mà giảm xuống còn một nửa; vì vậy chúng ta chỉ có thể điều chỉnh xuống còn 15% đến 16% trong tổng vốn đầu tư xã hội”.
Ông Trần Hoàng Ngân cũng phân tích thêm, việc phân bổ vốn đầu tư phải được đặt ra sau khi bàn đến việc tái cơ cấu, vì phải bàn đến tái cơ cấu thì mới quyết định cơ cấu cái gì, đầu tư cái gì, từ đó mới bàn đến quyết định phân bổ đầu tư, phục vụ cho mục tiêu của nền kinh tế.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều đến phân bổ vốn theo cơ cấu đầu tư, đặc biệt là đến cơ sở liên kết vùng, liên kết ngành, đến hạ tầng chuyển đổi số, kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Về hoàn thiện thể chế, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, hiện nay tài sản công trong các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập bị bế tắc và thiếu cơ chế sử dụng hiệu quả tài sản công. Đơn cử, gần đây đối với Sân vận động Mỹ Đình đã có cơ chế cho liên doanh, liên kết, khai thác nên đây là tín hiệu vui, có cơ chế để thực hiện.
Ông liên hệ thực tế tại TP. Hồ Chí Minh như Sân vận động Thống Nhất hay các cơ sở công lập khác cũng cần được Chính phủ quan tâm áp dụng cơ chế này để làm sao Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh được vận dụng, từ đó sử dụng hiệu quả tài sản công, tránh lãng phí, giải toả bức xúc cho cử tri thành phố.
Đề cập về vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, đánh giá trên cả nước số doanh nghiệp trước đây yếu kém nay đã hoạt động trở lại, bắt đầu phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, từ thực tiễn thời gian qua, đại biểu chỉ ra vấn đề tồn tại hiện nay là doanh nghiệp vẫn còn chậm cổ phần hóa vì bế tắc về phương án sử dụng đất (chậm có hướng dẫn từ các bộ ngành chức năng) khiến doanh nghiệp lúng túng khi thực hiện cổ phần hoá. Đồng thời đối với vấn đề thoái vốn, do chưa có phương án sử dụng đất nên các doanh nghiệp Nhà nước chậm thoái vốn trong các Ngân hàng, các công ty tài chính.
Vì vậy, Chính phủ cần xem xét giao quyền thoái vốn cho chủ doanh nghiệp, để doanh nghiệp chủ động trong việc chọn giá hợp lý để thoái vốn. Chính phủ nên tạo điều kiện, đẩy mạnh quá trình thoái vốn của các doanh nghiệp Nhà nước qua đó bổ sung vốn, tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng Thương mại cần vốn, có kết quả kinh doanh hiệu quả.