Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025:
Bảo đảm tính liên thông giữa chính sách tiền tệ và tài khóa
Theo dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đặt mục tiêu phát triển thị trường tài chính theo hướng bảo đảm sự lành mạnh, bền vững. Để làm được điều này, trước tiên cần hoàn thiện thể chế, bảo đảm tính liên thông giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đề xuất.
Điều chỉnh hợp lý giữa các thị trường
Báo cáo của Chính phủ cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển thị trường tài chính đã có những kết quả tích cực. Theo đó, quy mô và cơ cấu thị trường có sự điều chỉnh hợp lý hơn giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, thị trường vốn cổ phiếu và trái phiếu, thị trường trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, giữa dịch vụ tín dụng và các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng.
Riêng với thị trường chứng khoán, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường cổ phiếu đạt 21,6% và thị trường trái phiếu đạt 24,9%. Tính đến cuối năm 2020, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 84,1% GDP (mục tiêu là 70% GDP), quy mô thị trường trái phiếu đạt 47,83% GDP (trong đó quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 15,75% GDP), vượt mục tiêu đề ra. Các sản phẩm mới như Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ, chứng quyền có bảo đảm được đưa vào giao dịch...
Mặc dù vậy, hoạt động của thị trường tài chính hiệu quả chưa cao, nhất là thị trường chứng khoán. Quy mô thị trường vốn còn nhỏ (tính đến cuối năm 2020, giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu là 87%, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (102,8%), Malaysia (121,6%), Singapore (192%). Trong khi đó, tín dụng/GDP tại Việt Nam năm 2020 là 146% và tính theo GDP đánh giá lại là 115,82%, vượt xa mức vốn hóa của thị trường vốn. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển.
Phải kiểm soát được rủi ro hệ thống
Theo dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, phát triển các loại hình thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực là một trong 5 nhóm nhiệm vụ được Chính phủ đặt ra. Mục tiêu phát triển thị trường tài chính theo hướng bảo đảm sự lành mạnh, bền vững, cân bằng giữa thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ, để thị trường chứng khoán thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, giảm dần sự phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng...
Để làm được điều này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, trước tiên, cần hoàn thiện thể chế để kiến tạo, hỗ trợ thị trường tài chính phát triển lành mạnh hơn, cân bằng hơn. Theo đó, phải kiểm soát được rủi ro hệ thống (rủi ro đan xen giữa lĩnh vực ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm).
Bên cạnh đó, sớm có khung pháp lý cho mô hình kinh doanh mới trên thị trường tài chính ngân hàng, như khung pháp lý cho công nghệ tài chính (fintech), kể cả khung pháp lý dưới dạng thử nghiệm (sandbox) cho fintech, cho vay ngang hàng, tiền kỹ thuật số…
“Mỗi khi ban hành chính sách tài khóa hay tiền tệ phải bảo đảm tính liên thông, tức là tính đến tác động của chính sách đối với từng lĩnh vực cũng như cả nền kinh tế. Cần tính đến phương án lập trình tài chính quốc gia để bảo đảm tính liên thông giữa chính sách tiền tệ và tài khóa như các nước vẫn làm. Khi phối hợp tốt giữa chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ kiểm soát được rủi ro hệ thống”, ông Lực nói.
Ngoài ra, tạo điều kiện để định chế tài chính (ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán…) phát triển lành mạnh hơn, bền vững hơn. Muốn vậy, cần nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng theo hướng quản lý dựa trên mức độ rủi ro thay vì theo hành chính như hiện nay.
Đồng thời, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng; tăng cường giáo dục tài chính để nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân, doanh nghiệp đối với sử dụng, đầu tư và tiết kiệm tài chính, qua đó giảm tín dụng đen…
Còn theo Giám đốc Điều hành FiinRatings (FiinGroup) Nguyễn Minh Tú, để thị trường chứng khoán thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, trước tiên cần đẩy mạnh tăng trưởng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Hiện, trong khi kênh huy động vốn qua thị trường chứng khoán đã khá phát triển tại Việt Nam với vốn hóa GDP ở mức khoảng 80% thì kênh trái phiếu doanh nghiệp mới chỉ 15% GDP.
Nếu loại bỏ trái phiếu phát hành bởi chính các tổ chức tín dụng (và họ cũng là người mua chính) thì kênh trái phiếu doanh nghiệp đúng nghĩa chỉ chiếm 7,8% GDP. Do đó, kênh dẫn vốn trung và dài hạn qua trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều dư địa, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của COVID-19 khiến nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp bị đứt dòng tiền tạm thời.
Bên cạnh đó, việc tạo một thị trường trái phiếu doanh nghiệp giao dịch tập trung trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng là một giải pháp quan trọng để minh bạch hóa thị trường.
Riêng với thị trường cổ phiếu, “vấn đề chính là cần tạo cơ chế để có nhiều “hàng hóa” chất lượng hơn. Điều này không chỉ thể hiện ở quy mô và hiệu quả của doanh nghiệp niêm yết mà thể hiện ở cả mức sở hữu có thể được tự do chuyển nhượng”, ông Tú chia sẻ.
Theo dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, đối với phát triển thị trường tài chính, Chính phủ đặt các mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2025, quy mô của thị trường cổ phiếu tối thiểu 85% GDP, quy mô thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 20% GDP). Số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt mức 5% dân số vào năm 2025; hoàn thành việc nâng hạng thị trường trước năm 2025…