Dư địa tăng trưởng của ngành bán lẻ online còn cực lớn
Việt Nam có khoảng 2,5 triệu cửa hàng bán lẻ, nhưng chỉ có 350 ngàn cửa hàng trong số đó có sử dụng kênh bán hàng online; trong tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2017, giá trị hàng hóa giao dịch bằng hình thức thương mại điện tử (TMĐT) mới chỉ chiếm 1,4%; dư địa tăng trưởng còn cực lớn.
Đó là nhận định của ông Trần Trọng Tuyến - CEO Sapo, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) tại hội thảo “Giải pháp tăng trưởng doanh thu cho các cửa hàng bán lẻ tại Đà Nẵng” do VECOM phối hợp với Công ty Cổ phần Sapo tổ chức chiều 25/11, tại TP. Đà Nẵng với sự tham dự của gần 400 doanh nghiệp, chủ cửa hàng bán lẻ và các đơn vị cung cấp dịch vụ TMĐT trên địa bàn thành phố.
Hội thảo nhằm cung cấp, cập nhật thông tin về xu hướng kinh doanh của ngành hàng bán lẻ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy các doanh nghiệp bán lẻ tham gia mạnh mẽ vào TMĐT.
Theo ông Trần Trọng Tuyến – Tổng Thư ký VECOM, ngành bán lẻ hiện có 3 xu hướng cùng tồn tại gồm kinh doanh truyền thống (offline), kinh doanh trực tuyến hay còn gọi là thương mại điện tử (online) và kinh doanh đa kênh (tích hợp online và offline – O2O).
Kinh doanh truyền thống có lợi thế là tạo được niềm tin với khách hàng thông qua sản phẩm trực tiếp. Tuy nhiên, hạn chế rất lớn là không có khả năng tiếp cận rộng rãi với khách hàng. Trong khi đó, kinh doanh trực tuyến có lợi thế về lượng khách hàng khổng lồ, tuy nhiên, chất lượng sản phẩm và uy tín doanh nghiệp là vấn đề lớn đối với người tiêu dùng.
Xu hướng tất yếu của TMĐT buộc phương thức bán hàng truyền thống phải có sự thay đổi. Dù vậy, đến thời điểm hiện tại, mới có rất ít doanh nghiệp bán hàng truyền thống thay đổi và thích ứng với môi trường của TMĐT.
Ông Trần Trọng Tuyến nhận định: “Trong 10 năm tới bán lẻ truyền thống vẫn giữ một vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam. Nhưng bán lẻ hiện đại (gồm kênh phân phối hiện đại như siêu thị, chuỗi cửa hàng và bán lẻ trực tuyến) đang trỗi dậy. Bán lẻ truyền thống phải chuyển mình, nếu không sẽ bị đào thải.”
Ông Tuyến cho hay, mặc dù bán lẻ trực tuyến giúp người bán hàng tiếp cận được một nguồn khách hàng khổng lồ một cách nhanh chóng, đa dạng, nhưng cũng tiềm ẩn khá nhiều rủ ro về chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng. Vì vậy, tâm lý e dè, cẩn trọng khi giao dịch thương mại điện tử là không tránh khỏi.
Để khắc phục được nhược điểm và tận dụng được ưu điểm của 2 loại hình trên, xu hướng kinh doanh hiện tại là bán hàng đa kênh. Tức là triển khai song song online và offline (O2O). Online để tăng khả năng tiếp cận khách hàng. Offline để tạo dựng niềm tin cho khách hàng. Ông Tuyến khuyến nghị: “Doanh nghiệp ngành bán lẻ hiện nay, nếu có thể nên triển khai càng nhanh càng tốt hình thức kinh doanh O2O. Đây là tiêu chuẩn của bán lẻ hiện đại.”
Trong tổng doanh thu bán lẻ 2017, tổng giá trị giao dịch bán lẻ qua hình thức TMĐT mới chỉ chiếm 1,4%. Tiềm năng của ngành bán lẻ online còn dư địa tăng trưởng lớn.Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa Việt Nam năm 2017 ước đạt 130 tỷ USD. Ngành bán lẻ của Việt Nam đứng thứ 6 của thế giới về độ hấp dẫn cho thấy đây là thị trường cực rộng mở và là miếng bánh “béo bở” mà các tập đoàn bán lẻ nước ngoài như Big C, Aeon, Auchan, Lotte không thể bỏ qua.
Tại Đà Nẵng, theo Cục Thống kê thành phố, tống mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn thành phố trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 50.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân chiếm đến 92% trên tổng doanh thu hàng hóa. Thị trường bán lẻ Đà Nẵng hoàn toàn có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới; thị trường này được nhìn nhận có sức tiêu thụ tốt và khá ổn định.
Tại hội thảo, các chuyên gia công nghệ cũng giới thiệu nền tảng công nghệ Sapo hỗ trợ doanh nghiệp Đà Nẵng giải quyết những khó khăn về tăng trưởng doanh thu trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp nội địa với nhau, doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ quốc tế; và các giải pháp nhằm tối ưu hóa chi phí vận hành thông qua ứng dụng công nghệ.
Sapo là nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh được sử dụng nhiều nhất Việt Nam với hơn 47.000 khách hàng tại 20 tỉnh thành trong cả nước. Đơn vị này có tham vọng sẽ phát triển ứng dụng Sapo phủ khắp 63 tỉnh thành và lấn ra “sân chơi” Đông Nam Á vào năm 2020.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, chủ cửa hàng cũng được các chuyên gia về quảng cáo, thanh toán từ các thương hiệu lớn như Zalo, VNPay, Phong Vũ chia sẻ những kinh nghiệm để tiếp cận khách hàng tiềm năng, gia tăng trải nghiệm trong thanh toán tại cửa hàng….