Du lịch Lào Cai tìm hướng phục hồi tăng trưởng và phát triển bền vững


Sau 2 năm thực hiện Chương trình hành động số 148-CTr/TU của Tỉnh uỷ Lào Cai du lịch Lào Cai đã có bước chuyển mạnh mẽ, thực sự trở thành khâu “đột phá” trong phát triển kinh tế của Tỉnh và được đánh giá là địa phương dẫn đầu khu vực Tây Bắc về phát triển du lịch. Tuy nhiên, tăng trưởng của du lịch Lào Cai không chỉ dựa hoàn toàn vào những con số, mà còn phải đảm bảo tính bền vững trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Lào Cai

Với vị trí địa lý, địa hình núi cao, đa dạng sinh thái, văn hóa, tỉnh Lào Cai có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Điểm nổi bật của Lào Cai là thị trấn Sa Pa – được mệnh danh là “Thị trấn trong mây”, nơi đây khí hậu quanh năm mát mẻ, một ngày có đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cùng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những bản làng ẩn hiện trong sương, trăm hoa khoe sắc, thu hút du khách đến với Lào Cai.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, thời gian tới, tỉnh Lào Cai cần phát triển du lịch theo hướng bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan thiên nhiên; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; giải quyết tốt vấn đề môi trường, lao động, việc làm…

Bên cạnh Sa Pa, Lào Cai còn có đỉnh Fansipan nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn trong khu vực Vườn quốc gia Hoàng Liên. Đỉnh Fansipan cao 3.143m so với mực nước biển và được biết đến là “Nóc nhà của Đông Dương”. Vườn quốc gia Hoàng Liên có hệ động thực vật và thiên nhiên kỳ thú, tại đây có rất nhiều cây Hoàng Liên - một loại dược liệu quý cùng các loại gỗ, chim, thú quý hiếm như gà gô, gấu, khỉ, sơn dương…

Ngoài tiềm năng về tự nhiên, Lào Cai có tiềm năng rất lớn về văn hóa. Trên địa bàn Lào Cai có 25 dân tộc thiểu số sinh sống… mỗi một dân tộc mang lại nét đặc trưng văn hóa riêng, tạo nên một bức tranh văn hóa miền núi sinh động, đầy sắc màu thu hút du khách tham quan.

Trong những năm gần đây, Lào Cai đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch như: Nghị quyết số 39/NQ-HĐND về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển kinh tế du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011-2015; Chương trình hành động về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định, xây dựng Lào Cai trở thành một trong những điểm đến du lịch bậc nhất của vùng Tây Bắc, là trọng điểm du lịch của Vùng và quốc gia. Đến năm 2030, Lào Cai sẽ là trung tâm du lịch thiên nhiên và văn hóa miền núi lớn nhất của Việt Nam, có sức thu hút đối với khách du lịch nội địa và quốc tế.

Cùng với việc kiện toàn cơ chế, chính sách, thời gian qua, UBND Tỉnh phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Bắc cùng các bên liên quan tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch nhằm giới thiệu tiềm năng du lịch cũng như thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược tham gia phát triển du lịch bền vững của Lào Cai.

Tình hình phát triển du lịch tại tỉnh Lào Cai

Giai đoạn 2016-2020, du lịch Lào Cai đã đạt được kết quả ấn tượng, nhiều dự án du lịch quy mô lớn, các sản phẩm du lịch tại Lào Cai… được triển khai, thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược đầu tư phát triển, theo đó ngành Du lịch từng bước trở thành khâu “đột phá” trong phát triển kinh tế của tỉnh Lào Cai.

Tốc độ tăng trưởng khách du lịch đến Lào Cai bình quân 22,6%/năm (gấp 2 lần so với giai đoạn 2010-2015), tổng lượt khách du lịch đến Lào Cai năm 2019 đạt 5,1 triệu lượt, tổng thu từ du lịch đạt 19.200 tỷ đồng. Kinh doanh du lịch phát triển cả về chất và lượng, nhiều khách sạn, khu, điểm du lịch đạt tiêu chuẩn cao. Năm 2020, lường trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Lào Cai sớm đề ra nhiều giải pháp kích cầu, khôi phục du lịch, nhờ đó, đến hết tháng 6/2021, tổng lượt khách đến Lào Cai đạt trên 2 triệu lượt, doanh thu đạt khoảng 9.000 tỷ đồng.

Nhiều dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái đã đi vào hoạt động hiệu quả, góp phần nâng số lượng các cơ sở lưu trú du lịch nghỉ dưỡng với hơn 1.300 cơ sở lưu trú trên địa bàn Tỉnh (tăng gấp 2 lần so với năm 2015). Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 3 đến 5 sao được đầu tư; các thương hiệu hàng đầu về kinh doanh lưu trú nổi tiếng đã có mặt tại Lào Cai như: Victoria, Acord...

Chất lượng cơ sở lưu trú du lịch, nguồn nhân lực du lịch cũng được nâng lên và thay đổi tích cực. Điểm đến: Fansipan Legend, Topas Ecologe, Hàm Rồng, Cát Cát … và các khách sạn 5 sao như Hotel de la coupole - Mgallery by sofite, Silk Path, Pao’s Sa Pa... đem lại nhiều trải nghiệm mới, hấp dẫn cho du khách.

Các di sản văn hóa được xây dựng và khai thác phát triển, trở thành sản phẩm du lịch mang đặc sắc của du lịch Lào Cai như: Chương trình "Hành trình khám phá cung đường di sản Văn hóa Ruộng bậc thang - Tây Bắc”; chương trình “Du lịch khám phá nét văn hóa của chợ phiên vùng cao”; chương trình “Du lịch tâm linh dọc sông Hồng”. Các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa truyền thống cũng được duy trì và phát triển bền vững như: “Lễ Tết nhảy người Dao Đỏ”, “Lễ hội Gầu tào người Hmong”, “Lễ hội Lồng tồng người Tày”, “Lễ hội Roóng poọc người Giáy”, “Lễ Cúng rừng Gạ ma do, Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì”; Chương trình du lịch "Sắc hoa Tây Bắc", Lễ hội hoa Sa Pa giới thiệu trưng bày các loài hoa Lan, hoa Anh Đào và hoa Đỗ Quyên; Chương trình du lịch chuyên đề "Mùa hoa Đỗ Quyên", điểm thăm quan thung lũng hoa Bắc Hà, Công viên hồ Na Cồ, chương trình ngắm hoa Tam giác mạch…

Du lịch cộng đồng được quan tâm phát triển theo đúng định hướng, gắn với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Lào Cai, với trên 20 điểm tại: Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên... hơn 350 hộ gia đình dân tộc thiểu số tham gia kinh doanh lưu trú tại gia.

Văn hóa ẩm thực được ngành Du lịch Lào Cai khai thác hiệu quả với khách du lịch trong nước và quốc tế, quảng bá các món ăn độc đáo như thắng cố Bắc Hà, cá hồi Sa Pa, thịt lợn muối người Hmong, rượu của người Pa Dí, xôi màu Nùng Dín… Hiện nay, toàn tỉnh Lào Cai đã hình thành 51 sản phẩm được OCOP công nhận hỗ trợ du lịch phát triển.

Nhiều sản phẩm du lịch sinh thái gắn với thăm quan như: vườn mận, bưởi, quýt, thung lũng hoa Bắc Hà, vườn hồng mộng mơ Sa Pa... Các điểm du lịch sinh thái như Thác Bạc, Suối Vàng, Thác Tình Yêu... đã được quan tâm xây dựng bước đầu đáp ứng nhu cầu của du khách. Ngoài ra, các tour du lịch gắn với các nghề thủ công truyền thống như nghề chạm khắc dân tộc Hmong, nghề thêu thổ cẩm người Dao, Hmong, nghề đan lát mây, tre người Hà Nhì... cũng được quan tâm phát triển.

Nhiều sự kiện quy mô cấp quốc gia và quốc tế được tổ chức thành công, đặc biệt đã hình thành các sự kiện văn hóa, thể thao nổi tiếng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như: Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà, Giải marathone vượt núi quốc tế VMM, Giải đua xe đạp quốc tế một đường đua hai quốc gia Việt Nam - Trung Quốc, Giải đua xe đạp vượt núi quốc tế, Giải đua xe đạp Đền Thượng, Lễ hội 4 mùa, Lễ hội trên mây Sa Pa, chương trình du lịch chinh phục đỉnh Fansipan, Ky Quan San, Nhìu Cồ San, khám phá đường đá cổ Pavi, thác Rồng Trung Lèng Hồ, giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà, giải đua ngựa “vó ngựa trên mây” Sa Pa...

Tuy nhiên, thực tiễn phát triển du lịch tại Lào Cai cho thấy nhiều bất cập tồn tại như: Tiềm năng du lịch chưa được khai thác đồng bộ, thiếu sự đa dạng hóa và làm mới sản phẩm du lịch; Hạ tầng giao thông còn hạn chế. Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cáp treo lên đỉnh Fansipan tuy đã tạo thuận lợi phát triển du lịch nhưng cũng đang tạo ra một số thay đổi đối với định hướng phát triển du lịch của Lào Cai như: Ngày lưu trú của du khách ở Lào Cai giảm, hình thành nhiều tuyến du lịch kết hợp khiến du lịch Lào Cai có sức trung chuyển lớn hơn trước...

Tình trạng xâm lấn di sản cũng đang diễn ra mạnh mẽ, khó kiểm soát. Bên cạnh đó, sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân, khách du lịch đã khiến cho hình ảnh của du lịch Sa Pa bị ảnh hưởng, nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của địa phương đang dần mất đi hoặc bị biến tướng. Nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch chưa được đáp ứng về số lượng, chất lượng hướng dẫn viên du lịch cũng còn bất cập; việc đầu tư cho các hoạt động quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch, lễ hội chưa được quan tâm đúng mức… Tất cả những tồn tại, hạn chế trên đã và đang tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của du lịch Lào Cai.

Giải pháp phát triển bền vững du lịch Lào Cai

Nối tiếp những kết quả đạt được trong giai đoạn tiếp theo (2021-2025), tầm nhìn đến năm 2030, Lào Cai kiên định quan điểm, tiếp tục đưa ngành Du lịch trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, cụ thể:

- Đến năm 2025: Phấn đấu đón từ 10 triệu lượt khách du lịch trở lên; Tổng thu từ khách du lịch đạt 44.750 tỷ đồng, đóng góp 22-23% vào GRDP; Thu hút 40- 42 nghìn lao động trong lĩnh vực du lịch (trong đó 18 nghìn lao động trực tiếp, 24 nghìn lao động gián tiếp); Phát triển 8 nhóm sản phẩm du lịch đặc thù (nghỉ dưỡng cao cấp, văn hóa cộng đồng, sinh thái nông nghiệp làng nghề, thể thao mạo hiểm, hội thảo sự kiện, mua sắm, du lịch thực tế ảo - du lịch thông minh, du lịch biên giới); Tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn Tỉnh là 1.400 cơ sở, số buồng khách sạn tiêu chuẩn từ 3-5 sao là 10.000 buồng.

- Đến năm 2030: Xây dựng Lào Cai trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, với các sản phẩm du lịch đặc sắc nhất khu vực Tây Bắc. Phấn đấu đón từ 12 triệu lượt khách du lịch; Tổng thu từ khách du lịch đạt 64.760 tỷ đồng; Tạo việc làm cho 50-55 nghìn lao động; Tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn Tỉnh đạt 1.700 cơ sở; Số buồng khách sạn tiêu chuẩn từ 3-5 sao là 15.000 buồng.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, thời gian tới, tỉnh Lào Cai cần phát triển du lịch theo hướng bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan thiên nhiên; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; giải quyết tốt vấn đề môi trường, lao động, việc làm… Trước mắt, cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 92/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới; Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch; Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch, để đảm bảo môi trường phát triển du lịch bền vững, lành mạnh. Đồng thời, ban hành Quy chế quản lý du lịch của Tỉnh, trong đó có cơ chế hỗ trợ bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là danh thắng ruộng bậc thang.

Hai là, xây dựng quy chế phối hợp, phát triển du lịch gắn với hoạt động tâm linh tại một số địa phương; triển khai các tiểu dự án về bảo tồn văn hóa và di sản văn hóa với danh sách của 500 danh mục cần bản tổn.

Bà là, kiện toàn Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tại 3 điểm cung cấp thông tin du lịch chính gồm: Sa Pa, Bắc Hà và TP. Lào Cai.

Bốn là, tiếp tục phối hợp với ngành Nông nghiệp, các địa phương phát triển thêm các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp; đồng thời hỗ trợ khai thác nhiều điểm du lịch mới, có tiềm năng trên địa bàn các huyện Bảo Thắng, Mường Khương, Bảo Yên.

Năm là, đẩy mạnh hơn nữa các chương trình liên kết du lịch; tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin và đưa vào quản lý bộ 3 phần mền sản phẩm du lịch thông minh trên địa bàn… 

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 14/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch;

2. Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 18/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch;

3. Chính phủ, Nghị quyết số 92/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới;

4. Kỷ yếu Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai khóa XV (nhiệm kỳ 2016-2021), Kỳ 1 đến kỳ 7;

5. Các website: http.laocai.gov.vn, http.baolaocai.vn…

(*) Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Tâm - Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thái Nguyên.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2021.