Dư nợ tín dụng trên địa bàn Tây Nguyên tăng hơn 11%

PV.

Ngân hàng Nhà nước cho hay, đến 30/9/2016, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Nguyên ước đạt 206.913 tỷ đồng, tăng 11,35% so với 31/12/2015; Nguồn vốn huy động đạt khoảng 116.801 tỷ đồng, tăng 20,47% so với cuối năm 2015 (mức tăng trưởng huy động vốn của cả nước là 10,93%).

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến 30/9/2016, kết quả tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn khu vực Tây Nguyên ước đạt khoảng 91.382 tỷ đồng, tăng 12,55% so với 31/12/2015;

Dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới tại tất cả các xã trên địa bàn Tây Nguyên đến 30/6/2016 đạt 78.910 tỷ đồng, chiếm 88% dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, trong đó dư nợ cho vay từ nguồn vốn tín dụng thương mại đạt 62.598 tỷ đồng.

Kết quả cho vay tái canh cà phê tại khu vực Tây Nguyên, đến 31/8/2016, dư nợ cho vay tái canh cà phê khu vực Tây Nguyên tại Agribank là 741,66 tỷ đồng, tái canh diện tích 10.167 ha đối với 5.686 khách hàng (12 tổ chức và 5.674 cá nhân).

Về triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ, NHNN đã phê duyệt cho 1 dự án đối với 1 doanh nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng tham gia chương trình cho vay thí điểm phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể là Công ty TNHH Thương mại – dịch vụ Trường Hoàng với dự án đầu tư dây chuyền sản xuất nước chanh dây cô đặc và đầu tư nhà kính trồng hoa lan hồ điệp. Doanh số cho vay tại Agribank của Công ty Trường Hoàng từ đầu chương trình thời điểm kết thúc chương trình là 109 tỷ đồng, dư nợ là 47 tỷ đồng, chủ yếu là dư nợ trung, dài hạn với lãi suất cho vay là 5,5%/năm.

Sau 02 năm triển khai thực hiện, NHNN đã Báo cáo Thủ tướng Chính phủ (số 84/BC-NHNN ngày 06/7/2016) về kết quả thực hiện của chương trình, đồng thời NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục triển khai chương trình theo chủ trương của Chính phủ.

Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, NHNN chi nhánh trên địa bàn các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Kon Tum cũng đã có văn bản chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn rà soát, xác định thiệt hại về nguồn vốn tín dụng do hạn hán trên địa bàn để có các biện pháp hỗ trợ người dân theo thẩm quyền.

Đến nay, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã cho vay mới 51 tỷ đồng với 2.266 khách hàng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 139 khách hàng với dư nợ là 35,4 tỷ đồng.

Tại tỉnh Đăk Lăk, dư nợ được các tổ chức tín dụng thực hiện hỗ trợ khắc phục hậu quả do hạn hán kéo dài đến nay là 141 tỷ đồng với 592 khách hàng (591 khách hàng cá nhân và 01 khách hàng doanh nghiệp). Trong đó, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 104,89 tỷ đồng; dư nợ được miễn giảm lãi vay là 34,7 tỷ đồng với số tiền lãi được miễn, giảm là 8,679 tỷ đồng.

Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp cũng đã được triển khai quyết liệt trên tất cả 5 tỉnh tại khu vực Tây Nguyên với 32 hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ dân…

Tính đến hết quý II/2016, tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt gần 40.000 tỷ đồng cho khoảng 3.500 khách hàng doanh nghiệp; các hình thức hỗ trợ khác như cơ cấu nợ, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ… đạt dư nợ hơn 3.000 tỷ đồng cho hơn 200 doanh nghiệp.