Dự nợ tín dụng xanh hiện khoảng 650 nghìn tỷ đồng
Đến nay đã có 50 tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh dư nợ tín dụng xanh và dư nợ vào khoảng 650 nghìn tỷ đồng, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Chờ danh mục phân loại xanh
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng diễn ra sáng 11/11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đại biểu Lê Đào An Xuân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên đặt câu hỏi tới Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng liên quan Đề án phát triển ngân hàng xanh.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, bảo vệ môi trường là vấn đề rất quan trọng trong phát triển bền vững và được các nước trên thế giới cũng quan tâm. Đối với Việt Nam, Trung ương, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm vấn đề này.
Đối với NHNN, Thống đốc nêu rõ, trên cơ sở các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, nghị quyết và kế hoạch triển khai của Chính phủ, NHNN đã ban hành các chỉ thị, văn bản để khuyến khích các TCTD tập trung nguồn lực để cấp tín dụng xanh, triển khai các giải pháp quản lý rủi ro về môi trường; hoàn thiện cơ chế, chính sách, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh.
Thống đốc cũng cho biết, NHNN đã ban hành các kế hoạch hành động, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị trong hệ thống, triển khai các chương trình tín dụng đặc thù, góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tăng trưởng xanh.
Năm 2017, từ chỉ có 5 TCTD tham gia tín dụng xanh, đến nay đã có 50 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh và dư nợ vào khoảng 650 nghìn tỷ đồng, trong đó tín dụng đối với năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm khoảng 45%; đối với nông nghiệp sạch, xanh chiếm 30%. Đặc biệt, dư nợ tín dụng mà các TCTD khi cấp tín dụng đánh giá về các rủi ro môi trường đã tăng lên khoảng 3,2 triệu tỉ đồng trong tổng số dư nợ của cả hệ thống là 15 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng chỉ rõ, hiện NHNN cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc vì hệ thống ngân hàng cần được hướng dẫn của các cơ quan, bộ, ngành liên quan đến danh mục phân loại xanh để các TCTC căn cứ vào đó khi cấp tín dụng. Còn đối với đầu tư vào lĩnh vực xanh như: Năng lượng tái tạo, năng lượng sạch…, đòi hỏi nguồn vốn với giá trị rất lớn và kì hạn dài, đây chính là những khó khăn của hệ thống ngân hàng khi nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng rất ngắn hạn.
Do đó, thời gian tới, NHNN cũng sẽ tiếp tục quan tâm thực hiện triển khai theo đúng kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục phân loại xanh thì NHNN sẽ hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng xanh và NHNN sẽ theo dõi thực hiện, đánh giá rủi ro về môi trường, nếu có vướng mắc phát sinh thì NHNN sẽ tiếp tục chỉnh sửa.
Nợ xấu vẫn cao
Cũng tại phiên chất vấn, các nội dung liên quan đến giải pháp xử lý nợ xấu, giải pháp hạn chế tác động của lạm phát nhập khẩu, kết quả tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn của khu vực kinh tế tập thể… được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.
Đặt vấn đề chất vấn liên quan đến nợ xấu, đại biểu Trần Hồng Nguyên - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đề nghị Thống đốc NHNN đánh giá tình hình nợ xấu ở nước ta hiện nay và những giải pháp để giải quyết vấn đề này?
Đại biểu đặt câu hỏi: “Nếu không xử lý được vấn đề nợ xấu thì việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ gặp khó khăn gì và Thống đốc NHNN có giải pháp cụ thể nào khi tình huống này xảy ra?”.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Hồng Nguyên, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian vừa qua, tình hình nợ xấu có xu hướng tăng cao. Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55% - gần bằng mức cuối năm 2023, tăng so với năm 2022. Đây là một thực tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID - 19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, xã hội. Doanh nghiệp và người dân khó khăn, giảm nguồn thu dẫn đến việc trả nợ càng khó khăn hơn.
Để kiểm soát nợ xấu, NHNN cũng đề ra một số giải pháp. Theo đó, đối với các TCTD, khi cho vay cần thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng về khả năng trả nợ của khách hàng vay, đảm bảo kiểm soát nợ xấu mới phát sinh. Còn đối với các nợ xấu hiện hữu, cần tích cực xử lý nợ xấu thông qua việc đôn đốc khách hàng trả nợ, thu nợ, phát mại tài sản của nợ xấu. NHNN cũng đã có khuôn khổ pháp lý đối với các công ty mua bán nợ để có thể tham gia xử lý nợ xấu.
Đối với trường hợp nợ xấu tăng cao, Thống đốc cho biết, NHNN sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vừa giảm mặt bằng lãi suất cho vay, vừa chỉ đạo các TCTD phải phấn đấu tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp và người dân. Trong giai đoạn nền kinh tế còn khó khăn, hệ thống các TCTD đã dành nguồn lực tài chính của mình để giảm được nhiều lãi suất cho khách hàng.