Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân làm chậm tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công


Ngày 11/3, Văn phòng Chính phủ đã gửi công văn hoả tốc tới các bộ, ngành và địa phương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu đẩy mạnh thực hiện và thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019.

Vẫn còn trên 58.319 tỷ đồng chưa được Thủ tướng giao vốn do chưa đủ điều kiện. Nguồn: Internet
Vẫn còn trên 58.319 tỷ đồng chưa được Thủ tướng giao vốn do chưa đủ điều kiện. Nguồn: Internet

Theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) và vốn trái phiếu Chính phủ 2 tháng đầu năm năm 2019, số liệu ước giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN của các bộ, ngành địa phương trong 2 tháng qua khoảng 16.210,314 tỷ đồng, đạt 4,52% kế hoạch vốn, cao gấp 2,31 lần cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn ở mức thấp.

Trong khi đó, theo kế hoạch chi đầu tư phát triển vốn NSNN năm 2019 được Quốc hội phê duyệt thực hiện là 416.000 tỷ đồng. Tới nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao vốn hơn 355.617 tỷ đồng. Như vậy, vẫn còn trên 58.319 tỷ đồng chưa được Thủ tướng giao vốn do chưa đủ điều kiện.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nguyên nhân là do những tháng đầu năm, kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN mới được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao; Các bộ, ngành Trung ương và địa phương mới cơ bản hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án, đồng thời nhập dự toán trên hệ thống Tabmis; các chủ đầu tư đang hoàn thiện các các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện hồ sơ tạm ứng, thanh toán theo quy định. Đồng thời, tháng 2 có thời gian nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn. Bộ Tài chính đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2019.

Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổng hợp các dự án đáp ứng đủ điều kiện giao vốn trình Thủ tướng tiếp tục giao kế hoạch đối với số vốn còn lại theo phê duyệt của Quốc hội.

Trong trường hợp, dự án không đủ điều kiện giao vốn kế hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có trách nhiệm tổng hợp, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý phù hợp.

Đối với số vốn đã được giao, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết hết số vốn đã được cơ quan có thẩm quyền giao cho các dự án đúng quy định và gửi báo cáo các các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng. Đối với các dự án đã được giao vốn kế hoạch năm 2018 nhưng chưa giải ngân hết và có nhu cầu kéo dài sang năm 2019, các bộ, ngành và địa phương khẩn trương làm thủ tục với Kho bạc Nhà nước theo quy định của Chính phủ.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành và địa phương phải có các biện pháp xử lý trách nhiệm cụ thể đối với chủ đầu tư, nhà thầu chậm hoàn thiện thủ tục liên quan tới giải ngân vốn đầu tư.

Hiện nay, Luật Đầu tư công 2014 chưa được Quốc hội chỉnh sửa, bổ sung, do đó một số địa phương còn lúng túng trong việc thực hiện phân bổ, giải ngân theo quy trình thủ tục, Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần lấy trách nhiệm và ý thức công vụ là yếu tố quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân theo yêu cầu của Quốc hội. 

Trong quá trình triển khai thực hiện và thanh toán vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 3/8/2017 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, trong đó phải gửi báo cáo định kỳ hàng tháng về tình hình triển khai tới các bộ để báo cáo Thủ tướng.

Theo đó, các bộ, ngành và địa phương chủ động tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch. Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định của pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công.

Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trình độ hoặc suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc thao túng, chi phối trong quản lý vốn đầu tư công, đấu thầu. Kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực như thông thầu, gian lận, cản trở, hối lộ, can thiệp bất hợp pháp. Trường hợp phát hiện thì xử lý theo quy định hoặc rút vốn, điều chuyển vốn cho dự án, công trình khác...