Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) luật hoá những vấn đề đã rõ, phù hợp thực tiễn
Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) sửa đổi được Bộ Tài chính xây dựng trên cơ sở luật hóa những vấn đề đã rõ, phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật hiện hành và sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Sửa đổi, hoàn thiện nhiều nội dung
Tại Hội thảo toàn quốc lấy ý kiến sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) ngày 11/4/2025, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước Vũ Đức Hội cho biết, dự thảo Luật được xây dựng đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của pháp luật. Đồng thời, luật hóa những vấn đề đã rõ, phù hợp với thực tiễn; kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Theo Vụ trưởng Vũ Đức Hội, dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) kế thừa kết cấu, bố cục và các nội dung còn phù hợp của Luật NSNN năm 2015, phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, những nội dung phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính còn phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước, thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, hoàn thiện nhiều nội dung, trong đó sửa đổi, bổ sung các khái niệm về chi dự trữ quốc gia; chi đầu tư phát triển; quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Đặc biệt, dự thảo Luật đã bổ sung nguyên tắc ưu tiên bố trí chi NSNN cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; quy định về quỹ thực hiện nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Một số nhiệm vụ chi NSNN được bố trí từ hai nguồn (chi đầu tư công và chi thường xuyên) cũng được quy định như: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; chi phí chuẩn bị, phê duyệt dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án, hoạt động quy hoạch.Bổ sung làm rõ việc chi NSNN từ nguồn viện trợ không hoàn lại, tạm cấp ngân sách chưa có dự toán; các khoản được bổ sung dự toán do chưa được bố trí hoặc bố trí chưa đủ.
Tại dự thảo, Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung nhiều quy định mới. Điển hình như bổ sung quy định về phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để thay đổi căn bản phương thức phân chia so với Luật NSNN năm 2015 đối với các khoản thu phân chia thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tiêu thụ đặc biệt (không phân biệt trong nước và ngoài nước), bảo vệ môi trường. Theo đó, tỷ lệ phân chia được quy định cụ thể trong Luật theo từng nhóm địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tương đồng.

Nhiều nội dung cũng đã được lược bỏ so với quy định hiện hành như: các quy định liên quan đến số kiểm tra, kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm; quy định khoản phí do cơ quan nhà nước thu nộp NSNN được khấu trừ các khoản khoán chi phí hoạt động. Dự thảo cũng đã lược bỏ quy định các nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách; quy định tổng mức hỗ trợ vốn đầu tư phát triển hằng năm của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương tối đa không vượt quá 30% tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách trung ương...
Tích hợp đầy đủ các căn cứ, ý kiến đóng góp
Bà Krisina Buende - Trưởng ban Hợp tác - Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam nhận định, Bộ Tài chính có vai trò chủ đạo trong hoàn thiện luật pháp và cải cách hành chính hiện nay. Nhấn mạnh Luật NSNN có vai trò rất quan trọng với quản lý tài chính ngân sách, bà Krisina Buende cho rằng, việc sửa đổi cần có tầm nhìn hướng đến nền kinh tế hiện đại, cơ sở pháp lý cần vững chắc để đáp ứng nhu cầu của công dân và doanh nghiệp.
Theo bà Krisina Buende, ngân sách là yếu tố cơ bản đảm bảo tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư hạ tầng chiến lược.... Trong tiến trình sửa đổi Luật NSNN, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế là rất quan trọng, do đó, bà Krisina Buende khẳng định, Liên minh châu Âu sẵn sàng hỗ trợ Bộ Tài chính hoàn thiện dự án Luật.
"Việc hoàn chỉnh Luật NSNN sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững, đặt nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội công bằng văn minh. Những ý kiến, kinh nghiệm trong lĩnh vực này sẽ đem lại giá trị cho việc hoàn thiện Luật", bà Krisina Buende đánh giá.
Thảo luận tại hội thảo, đại diện các bộ, ngành, địa phương đều cho rằng, Luật NSNN là luật khung ảnh hưởng đến nhiều luật khác, do đó việc sửa đổi Luật là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh thay đổi tổ chức bộ máy như hiện nay. Các đại biểu đánh giá cao nội dung được nêu tại dự thảo Luật và cho rằng, dự thảo đã được Bộ Tài chính tích hợp đầy đủ các căn cứ pháp lý, thực tiễn cũng như cập nhật những ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện dự thảo.
Với ý nghĩa quan trọng của việc sửa đổi toàn diện Luật NSNN lần này, các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung thảo luận làm rõ hơn các nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật. Nhằm đảm bảo dự thảo Luật phù hợp với thực tiễn, các đại biểu cũng đề xuất và kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến những khái niệm, định nghĩa còn chưa thống nhất; phân cấp, phân quyền và phân bổ nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách; quy trình lập dự toán; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị...