Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, do đâu?

Theo Hồng Quân/thoibaokinhdoanh.vn

Sau khi đạt mốc 63 tỷ USD vào hồi cuối tháng 4, dự trữ ngoại hối tiếp tục gia tăng, đến ngày 21/5 đã lên tới 63,5 tỷ USD.

 Trong vòng 2 năm qua, NHNN mua thêm tới 32 tỷ USD, cùng với lượng vốn đầu tư gián tiếp (FII) vào thị trường chứng khoán và nguồn ngoại tệ trong dân cư được chuyển đổi sang VND đã giúp dự trữ ngoại hối liên tục tăng. Nguồn: Internet
Trong vòng 2 năm qua, NHNN mua thêm tới 32 tỷ USD, cùng với lượng vốn đầu tư gián tiếp (FII) vào thị trường chứng khoán và nguồn ngoại tệ trong dân cư được chuyển đổi sang VND đã giúp dự trữ ngoại hối liên tục tăng. Nguồn: Internet

Trong vòng hai năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua thêm tới 32 tỷ USD, cùng với lượng vốn đầu tư gián tiếp (FII) vào thị trường chứng khoán và nguồn ngoại tệ trong dân cư được chuyển đổi sang VND đã giúp dự trữ ngoại hối liên tục tăng.

NHNN đều đặn mua vào

Thông tin tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết sau kỷ lục gần 60 tỷ USD cận Tết Nguyên đán (nửa đầu tháng 2/2018), NHNN vẫn tiếp tục đều đặn mua vào để gia tăng nguồn lực quốc gia và nâng dự trữ ngoại hối đạt gần 63 tỷ USD.

Mới đây, báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, cho biết dự trữ ngoại hối nhà nước đã đạt 63,5 tỷ USD.

Theo các chuyên gia tài chính, ngân hàng, dự trữ ngoại hối tăng cao đã giúp cho tỷ giá trong nước được ổn định trước những biến động của thị trường thế giới.

Ngoài ra, dự trữ ngoại hối tăng giúp cho thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) mua ròng ngoại tệ từ tổ chức, cá nhân.

Các chuyên gia đánh giá, dù mua một lượng ngoại tệ rất lớn nhưng NHNN điều hòa tiền tệ mà cụ thể là dòng vốn ra – vào rất nhịp nhàng, không gây áp lực lên lạm phát, ngược lại đã hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu nhờ tỷ giá ổn định.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, với giá bán trung bình cao hơn thị trường trong nước, cộng với sự ổn định của tỷ giá như hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu hoàn toàn có thể lạc quan tăng kim ngạch và giá trị xuất khẩu.

Theo NHNN, thay vì phải dồn dập phát hành tín phiếu khối lượng lớn để hút tiền về trong ngắn hạn_như trước, kể từ ngày 7/2/2018, NHNN bắt đầu triển khai nghiệp vụ mua ngoại tệ kỳ hạn 3 tháng để điều tiết linh hoạt hơn. Theo đó, lượng tiền đồng đưa ra được kéo giãn, gối đầu khi các hợp đồng đáo hạn thay vì dồn cục mang tính thời điểm như trước.

Đặc biệt, tại các thời điểm mua vào, NHNN vẫn chủ động sử dụng công cụ hút bớt tiền về, điều tiết vốn trong hệ thống để cân đối các yếu tố liên quan như lãi suất, tỷ giá và giảm thiểu áp lực đối với lạm phát.

Từ khi triển khai nghiệp vụ trên, ước tính có khoảng 40% lượng ngoại tệ NHNN mua vào được thực hiện qua mua kỳ hạn.

Theo nhận định của công ty Chứng khoản Bảo Việt (BVSC), dự trữ ngoại hối tăng mạnh và đạt mức kỷ lục trong thời gian qua là nhờ có đóng góp lớn từ dòng vốn FII vào thị trường chứng khoán và nguồn ngoại tệ trong dân cư được chuyển đổi sang VND.

Vốn FII tăng mạnh

Trong quý I, vốn FII đạt mức 1,89 tỷ USD, tăng 121,6% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 732 lượt góp vốn mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp, với giá trị vốn góp là 1,34 tỷ USD; 553 lượt góp vốn mua cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước nhưng không làm tăng vốn điều lệ, với tổng giá trị vốn góp là 547 triệu USD.

Phân tích của các chuyên gia kinh tế cho rằng thời gian qua, hoạt động FII tăng mạnh nhờ thị trường chứng khoán phục hồi, nhiều ngân hàng đã phát hành thành công trái phiếu, cùng với đó, việc đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cũng đã hút một lượng lớn ngoại tệ từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong một báo cáo về tình hình tài chính mới đây, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định: "Việc gia tăng dòng vốn FII sẽ làm cho thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán trở nên đồng bộ hơn, cân đối và sôi động hơn, khắc phục được sự thiếu hụt, trầm lắng, thậm chí kém hấp dẫn trước đây của thị trường này".

Trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng các thương vụ mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chưa có dấu hiệu dừng lại, đặc biệt tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản.

Chẳng hạn, theo dự kiến, ngày 4/6 tới đây, Techcombank niêm yết 1,16 tỷ cổ phiếu trên Sàn Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) với giá 128.000 đồng/cp, tương đương vốn hóa ngày giao dịch đầu tiên của ngân hàng này lên tới gần 150.000 tỷ đồng, xấp xỉ 6,6 tỷ USD.

Cuối tháng 4 vừa qua, Techcombank bán ra hơn 164 triệu cổ phiếu phổ thông cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Với giá bán chốt ở mức 128.000 đồng/cp, đợt chào bán đã giúp ngân hàng huy động được khoảng 21.000 tỷ đồng, tương đương gần 922 triệu USD.

Bên cạnh đó, ngoài dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), nguồn ngoại tệ trong dân cư được chuyển đổi sang VND để đưa vào đầu tư, tiêu dùng, sản xuất kinh doanh… cũng tăng cao.