Xét xử phúc thẩm Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm:
Đưa thêm 'chứng cứ' gỡ tội mới, bầu Kiên vẫn bị đề nghị y án sơ thẩm
(Tài chính) Sáng 8/12, bước vào ngày thứ 7 xét xử phúc thẩm Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên) và đồng phạm, đại diện VKS giữ quyền công tố tại Tòa đọc bản luận tội và đề nghị HĐXX tuyên y án sơ thẩm đối với các bị cáo.
Bầu Kiên muốn cung cấp thêm chứng cứ
Đầu buổi sáng, HĐXX tuyên bố kết thúc phần thẩm vấn các bị cáo để chuyển sang phần tranh tụng tại Tòa. Tuy nhiên, trước khi đại diện VKS Tối cao đọc bản luận tội và phát biểu quan điểm vụ án, bầu Kiên xin được cung cấp thêm chứng cứ mới của vụ án.
Bị cáo Kiên tiếp tục kêu oan về cả 4 tội danh (trốn thuế, kinh doanh trái phép, lừa đảo và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng) mà bản án sơ thẩm đã tuyên là 30 năm tù. Theo bị cáo Kiên, tòa sơ thẩm đã áp dụng sai pháp luật, hiểu sai các điều luật để kết tội, gây oan sai cho bị cáo.
Khi Chủ tọa phiên tòa đồng ý cho bầu Kiên nộp bổ sung tài liệu thì bị cáo cho biết “chưa có sẵn trong tay”, song biết các tài liệu đang nằm ở đâu, đề nghị HĐXX cho thu thập.
Cụ thể, bị cáo đề nghị HĐXX yêu cầu Công ty Đầu tư Á châu nộp các văn bản sau: Giấy phép đăng ký kinh doanh của công ty CP Thăng Long; giấy phép đăng ký kinh doanh của Công ty CP hàng hoá ga Sài Gòn. Công ty Thiên Nam nộp một số giấy phép kinh doanh mà công ty này mua cổ phần. Công ty CP Phố Nối nộp giấy phép đăng ký kinh doanh. Công ty ACBI-HN nộp 3 giấy phép: Công ty đầu tư siêu thị Á Châu; công ty kinh doanh liên siêu thị Á Châu và hồ sơ chuyển nhượng vốn thời gian qua. Đề nghị Tập đoàn Hoà Phát nộp đăng ký kinh doanh của Tập đoàn Hoà Phát. "Đây là các căn cứ chứng minh tôi không kinh doanh trái phép..." - Bầu Kiên khẳng định.
Còn về kinh doanh vàng trái phép và trốn thuế, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đề nghị luật sư chuyển 3 tài liệu: Công văn của TAND Tối cao gửi Toà phúc thẩm về một bản án tương tự; bản án Giám đốc thẩm của TAND Tối cao do ông Bùi Ngọc Hoà ký; sao 2 văn bản: Chuẩn mực số 24, chuẩn mực số 29 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Liên quan đến tội cố ý làm trái, bị cáo đề nghị Ngân hàng Á châu cung cấp 5 tài liệu: Quy chế hoạt động của ACB đã được phê chuẩn; quy chế của hội đồng sáng lập và “cái quan trọng nhất là bản chức năng nhiệm vụ quyền hạn của khối ngân quỹ và ban điều hành ngân quỹ” - bầu Kiên nói.
Ngoài ra, bị cáo Kiên còn đề nghị ACB nộp 3 nghị quyết của HĐQT không nằm trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc này để chứng minh ông Trần Xuân Giá đã làm rất đúng chức năng của mình. “Tôi biết nó nằm ở đâu vì tôi đọc rồi. Đó là toàn bộ các nghị quyết trong tháng 2 và 3-2011. Cái này do thường trực HĐQT không nhớ, có khi ký mà không nhớ ký không” - bầu Kiên đặt vấn đề.
Xin vài tiếng để đọc bản tự biện hộ
Vẫn trong nỗ lực tự cứu mình, bầu Kiên tiếp tục đề nghị HĐXX tiếp tục thu thập thêm các tài liệu mà bị cáo cho là “mới” và là căn cứ chứng minh mình vô tội. Liên quan đến bản giám định của Bộ Tài chính, gồm 2 nội dung: Bị cáo Kiên cho rằng, giám định viên đã không phân bổ chi phí hoạt động của công ty liên quan đến hoạt động này theo nguyên tắc phân bổ doanh thu nên kết quả không chính xác; không viện dẫn đầy đủ văn bản năm 2009 nên ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả khách quan. Từ đó, bầu Kiên nhận định kết quả giám định này không được chính xác, khách quan, do vậy đề nghị cung cấp bản dự thảo giám định mà cơ quan điều tra đã dùng làm đối chứng với bị cáo.
“Tôi đề nghị cung cấp bản dự thảo giám định vì tôi đã được đọc khi ở CQĐT, vì họ dùng văn bản này để đấu tranh với tôi", Nguyễn Đức Kiên đề nghị.
Để chứng minh phần trốn thuế, bị cáo Kiên đề nghị HĐXX cho Công ty B&B cung cấp báo cáo quyết toán quý 1-2009; báo cáo tài chính tháng 1-2009 để làm tài liệu chứng minh cho vụ án. Sau khi “chỉ” cho Tòa một loạt các văn bản để bổ sung vào hồ sơ vụ án nhưng không được chấp nhận, bị cáo Kiên xin HĐXX cho mình vài tiếng để đọc nguyên văn bản tự bào chữa dài hơn 100 trang.
HĐXX đã đồng ý để cho bị cáo Kiên trình bày bản tự bào chữa, song khi nghe bầu Kiên nói lại những nội dung không mới, Tòa buộc phải ngắt, không chấp nhận cho bầu Kiên nói thêm, vì các nội dung kháng cáo này đã được bị cáo trình bày trong phần thẩm vấn. “Kháng án của bị cáo đã được HĐXX xem xét, nghiên cứu trong suốt quá trình. Về lý do kháng cáo và tự bào chữa, bị cáo đã trình bày ở phần xét hỏi. Bị cáo đã trích nội dung trong đơn để minh chứng cho mình trong quá trình xét xử...” - HĐXX phán xét.
VKS khẳng định Tòa sơ thẩm xử đúng
Sau khi tóm tắt bản cáo trạng, đại diện VKS Tối cao giữ quyền công tố tại tòa kết luận: Bản án sơ thẩm là có căn cứ, không oan. Cụ thể, về hành vi kinh doanh trái phép, theo cáo buộc, Nguyễn Đức Kiên đã dùng 6 công ty do mình làm Chủ tịch HĐQT và HĐTV để kinh doanh vàng, kinh doanh tài chính trái phép với số tiền hơn 21.000 tỷ đồng.
Tại kháng cáo, bị cáo Kiên cho rằng Thiên Nam không kinh doanh vàng mà chỉ kinh doanh trạng thái vàng. Mặt khác, hành vi mua bán vàng trạng thái là mua bán hàng hóa có trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty, là sản phẩm phái sinh của ACB. Bị cáo chỉ là người thông báo lệnh, việc kinh doanh là trách nhiệm của Tổng Giám đốc Công ty Thiên Nam.
Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng, hợp đồng giữa Công ty Thiên Nam và ACB là trạng thái vàng có thể chuyển thành vàng nguyên liệu hay vàng vật chất nên không thể nói là kinh doanh giá vàng hay vàng trạng thái. Giấy phép của Công ty không có đăng ký kinh doanh vàng trạng thái nhưng vẫn kinh doanh là trái phép. Bị cáo Kiên được HĐQT ủy quyền và thực hiện trực tiếp giao dịch qua hệ thống ghi âm của ACB, không có bị cáo, hành vi giao dịch không thực hiện được, nên bị cáo phải chịu trách nhiệm là có căn cứ.
Về cáo buộc trốn thuế, đại diện VKS Tối cao cho rằng Nguyễn Đức Kiên đã ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với em gái là Nguyễn Thúy Hương. Kết quả thanh tra của Cục thuế Hà Nội xác định Công ty B&B kê khai thuế nhưng không kê khai kết quả của hợp đồng ủy thác nêu trên. Giám định viên Bộ Tài chính đã kết luận thu thuế doanh nghiệp của Công ty B&B năm 2009 từ hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính là hơn 25 tỷ đồng. Bản án sơ thẩm quy kết bị cáo phạm tội trốn thuế là có căn cứ pháp luật, không oan.
Đề nghị y án sơ thẩm
Theo VKS Tối cáo, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm (là các bị án: Trần Ngọc Thanh - cựu Giám đốc ACBI và Nguyễn Thị Hải Yến - cựu Kế toán trưởng ACBI), dù 20 triệu cổ phần đang thế chấp chưa được ACB đồng ý cho giải chấp nhưng bị cáo Kiên vẫn ký nháy vào hợp đồng chuyển nhượng cho Tập đoàn Hòa Phát, chỉ đạo cấp dưới lập biên bản họp HĐQT khống về việc chuyển nhượng đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đại diện VKS giữ quyền công tố cũng khẳng định, bản án sơ thẩm kết tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là có căn cứ, không oan. Về cáo buộc này, có hai hành vi: Hành vi đầu tư cổ phiếu ACB và Ủy thác cho nhân viên. Với hành vi trên, các bị cáo đã gây thiệt hại số tiền 687 tỷ đồng cho Ngân hàng Á châu.
“Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện chứng cứ, lời khai của các bị cáo, các nhân chứng liên quan, cùng những phân tích, đánh giá ở trên đủ sơ sở khẳng định: Bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã phạm các tội kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định tại các điều: 159, 161, 139 và Điều 165 Bộ luật Hình sự. Các bị cáo Lý Xuân Hải, Trịnh Kim Quang, quy định tại điều 165 Bộ luật Hình sự như án sơ thẩm đã quy kết đối với các bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật. Do đó không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo đề nghị xem xét lại phần tội danh của các bị cáo. Tại phiên phúc thẩm, các bị cáo cũng không đưa ra được các tình tiết giảm nhẹ đặc biệt nào khác nên yêu cầu của các bị cáo không có căn cứ chấp nhận. Đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của cả 6 bị cáo và bị đơn dân sự, giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm đối với các bị cáo...”.
Chiều nay (8/12), Tòa tiếp tục làm việc với phần tranh tụng giữa đại diện VKS giữ quyền công tố và luật sư bào chữa cho các bị cáo./.