Đưa thêm hộ, cá nhân kinh doanh vào đối tượng hỗ trợ tài chính

Theo Sông Trà/nhandan.vn

Các giải pháp miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh... được quy định tại Nghị định số 92/2021/NĐ-CP dự kiến sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2021 khoảng gần 20 nghìn tỷ đồng. Song, số tiền thuế, tiền chậm nộp này sẽ góp phần hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn của dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ Tài chính - Nguyễn Đức Chi.
Thứ trưởng Bộ Tài chính - Nguyễn Đức Chi.

Ngày 27/10, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.

Các giải pháp miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh... được quy định tại Nghị định số 92/2021/NĐ-CP dự kiến sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2021 khoảng gần 20 nghìn tỷ đồng. Song, số tiền thuế, tiền chậm nộp này sẽ góp phần hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn của dịch bệnh.

Phóng viên Báo Nhân Dân đã trao đổi ý kiến với Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi chung quanh việc triển khai các giải pháp hỗ trợ này.

Phóng viên: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về các mức miễn, giảm nhiều sắc thuế cùng một lúc lần này?

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Chúng ta đều đã biết, ngày 19/10/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất ban hành Nghị quyết về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19, với tổng mức trị giá khoảng gần 20 nghìn tỷ đồng.

Tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành năm 2020 đạt khoảng 129 nghìn tỷ đồng (trong đó số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất được miễn, giảm hơn 31,5 nghìn tỷ đồng). Trong sáu tháng đầu năm 2021, các giải pháp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, người dân ước khoảng 118 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 3.000 tỷ đồng.

Đây là lần thứ tư Quốc hội quyết định giảm thu ngân sách nhà nước để thiết thực hỗ trợ các đối tượng nộp thuế hoạt động trong nhiều lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.

Theo đánh giá sơ bộ dựa trên cơ sở kết quả thực hiện của năm 2020 và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, việc áp dụng giải pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nêu trên có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 2.200 tỷ đồng.

Đối với số thuế được miễn sáu tháng cuối năm 2021 của hộ, cá nhân kinh doanh có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 8.800 tỷ đồng. Và với việc giảm 30% số thuế giá trị gia tăng (áp dụng từ ngày 1/11 đến hết năm) có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 3.300 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong Nghị quyết quan trọng này, Quốc hội đã cho phép miễn tiền chậm nộp ngân sách nhà nước của khoảng 115.983 tỷ đồng tiền nợ thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đây là sự chia sẻ khó khăn với người nộp thuế.

Gói chính sách trị giá gần 20 nghìn tỷ đồng lần này là hành động tiếp nối của các gói chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trước đây trong chính sách tài khóa. Đã có gần 156.300 doanh nghiệp được giảm thuế năm 2020, chiếm khoảng 57% số doanh nghiệp có lãi phải nộp thuế năm 2020.

Đây là một trong nhiều giải pháp đã và đang được Chính phủ thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và là các giải pháp tài chính hỗ trợ thiết thực, có tác dụng ngay với doanh nghiệp, gồm: gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm thuế phí và lệ phí; giảm tiền thuê đất; miễn tiền chậm nộp…

Việc giảm 30% mức thuế giá trị gia tăng cho các hàng hóa, dịch vụ thuộc nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng với đối tượng được thụ hưởng trực tiếp chính sách này là người mua hàng hóa, dịch vụ, sẽ gián tiếp hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích bán hàng tốt hơn, nhiều hơn, qua đó góp phần tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Phóng viên: Theo Thứ trưởng, gói hỗ trợ lần này có điểm gì mới so với các gói trước?

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Tại lần hỗ trợ này, đối tượng hỗ trợ đã được mở rộng, từ chỗ chỉ hỗ trợ doanh nghiệp sang hỗ trợ cả người nộp thuế (bao gồm cả doanh nghiệp, cá nhân và hộ kinh doanh) và hỗ trợ người dân thông qua chính sách giảm thuế giá trị gia tăng.

Thực tế cho thấy, do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư dẫn đến chuỗi liên kết lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố bị đứt đoạn, sản xuất kinh doanh của các hộ, cá nhân bị ngưng trệ hoặc phải hoạt động cầm chừng, thậm chí là tạm ngừng hoạt động, kể cả những đối tượng kinh doanh các mặt hàng thiết yếu.

Ngay cả các địa phương không thực hiện giãn cách cũng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến đời sống của hộ kinh doanh và thành viên gia đình hộ kinh doanh.

Chính vì vậy, việc đưa hộ, cá nhân kinh doanh vào diện hỗ trợ lần này cũng là điểm mới trong chính sách và là một bước tiến mới trong việc thực hiện công bằng, minh bạch công tác quản lý thuế.

Bên cạnh đó, so với các lần hỗ trợ trước đây, lần này chúng ta quyết định miễn thuế bên cạnh việc giãn, giảm thuế.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề xuất của Chính phủ miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp trong sáu tháng cuối năm 2021 đối với hộ, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành nghề, hình thức khai thuế, nộp thuế.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020. Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước theo phương án này là khoảng 5.300 tỷ đồng. 

Phóng viên: Ngoài gói hỗ trợ về thuế nêu trên, ngành Tài chính tiếp tục có giải pháp nào nhằm cắt giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân?

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, được sự cho phép của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thêm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Với mục tiêu bảo đảm các chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng, trúng đối tượng, đồng thời phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của ngân sách nhà nước, các giải pháp này còn phải đạt yêu cầu bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan; bảo đảm tính đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!