Thực thi quyền sở hữu trí tuệ:

Đừng để thiệt hại vì thiếu hiểu biết

Theo daibieunhandandan.vn

Trong một vài năm trở lại đây, liên tiếp nhiều thương hiệu Việt đã bị “đánh cắp” ở nước ngoài. Điều này đã và đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các doanh nghiệp và nhà quản lý trong việc quản lý và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khi Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)?

Ảnh minh họa. Nguồn: ITN
Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Mất thương hiệu vì “quên”

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ việc mất thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam cả trên sân bạn lẫn sân nhà. Đã đến lúc các doanh nghiệp không thể không quan tâm đến phát triển tài sản sở hữu trí tuệ (SHTT) và bảo hộ tài sản trí tuệ khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia TPP, nếu doanh nghiệp chưa chuẩn bị sẵn sàng và có một hệ thống thực thi quyền SHTT đầy đủ sẽ khiến doanh nghiệp phải chịu không ít thiệt thòi.

Có thể thấy bài học từ các doanh nghiệp bị mất thương hiệu như: cà phê Trung Nguyên mất thương hiệu vì “quên” không đăng ký; cà phê Buôn Ma Thuột cũng rơi vào tình trạng tương tự. Sản phẩm cà phê Đắk Lắk nói chung và cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng lâu nay được đánh giá là cà phê có chất lượng cao với hương vị đặc trưng nổi tiếng trong, ngoài nước, xuất khẩu đến 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Cùng với cà phê, câu chuyện về doanh nghiệp võng xếp Duy Lợi 2 lần bảo vệ được thương hiệu trong việc tranh chấp bản quyền là ví dụ minh chứng cho việc doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình bằng pháp luật. Với nhiều nghiên cứu, ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc Doanh nghiệp đã đưa sản phẩm võng xếp ra thị trường trong nước và các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…

Trong khi sản phẩm đang rất được ưa chuộng thì doanh nghiệp này nhận được thông báo của nhóm Johnson Miki của Nhật Bản yêu cầu phải dừng ngay sản xuất. Thậm chí họ còn cho rằng sản phẩm của Duy Lợi không được bán tại 112 quốc gia thành viên của Hiệp hội sáng chế Quốc tế. Lý do được nhóm Miki đưa ra là hãng Duy Lợi đã “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”.

Trước thông tin này, ông Lâm Tấn Lợi đã nghiên cứu pháp luật và đưa ra các bằng chứng lên Cơ quan sáng chế Nhật Bản. Kết quả là cơ quan này đã phải bỏ văn bằng giải pháp hữu ích “Khung võng tiện dụng” của nhóm Miki. Thương hiệu võng xếp Duy Lợi được trả lại tên và khai thông tại thị trường Nhật Bản...

Tận dụng cơ hội, đối phó thách thức

Do tính chất quan trọng của SHTT nên trong 30 chương của TPP, các quốc gia thành viên đã dành hẳn một chương riêng về SHTT, trong đó điều chỉnh các lĩnh vực về bằng sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền, bí mật thương mại, các hình thức khác của quyền SHTT.

Đầu tiên, khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ có được những lợi ích rõ rệt về SHTT, hàng hóa được xuất khẩu miễn thuế, doanh nghiệp sẽ được bảo hộ về chỉ dẫn địa lý. Như vậy, nếu các doanh nghiệp chủ động đăng ký ngay quyền SHTT thì có thể tự bảo vệ mình trong sản xuất, kinh doanh.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Nam Định, ông Đỗ Đức Dương, các doanh nghiệp cũng nên có một hệ thống nhân sự và kỹ thuật chuyên bảo vệ quyền SHTT. Những doanh nghiệp có uy tín trên thế giới đều rất coi trọng vấn đề thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, hàng hóa để bảo vệ quyền lợi của chính mình và quyền lợi của cộng đồng.

Theo Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, ông Lê Ngọc Lâm, bảo hộ quyền SHTT trong TPP yêu cầu kiểm soát chặt chẽ với những quy định ngặt nghèo hơn.

Khi trở thành thành viên của WTO, phải có những cam kết về sở hữu trí tuệ, đó là thành lập được hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp và cá nhân, không chỉ trong nước và cả nước ngoài.

Như vậy, trong WTO chúng ta cũng có nghĩa vụ thực thi quyền SHTT. Song, trong TPP thì yêu cầu đó rộng hơn, cao hơn trong các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết. Tuy nhiên, theo quy định của TPP, mùi vị, âm thanh - những dấu hiệu phi truyền thống này có thể trở thành dấu hiệu để bảo hộ sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu. Điều đó đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Cũng theo ông Lê Ngọc Lâm, thực chất với TPP, các doanh nghiệp, nhà sản xuất phải hiểu rõ cũng như có ý thức bảo vệ quyền SHTT của mình. Các doanh nghiệp phải chủ động tạo ra những công cụ, biện pháp về công nghệ.

Ngay tại Việt Nam, việc Công ty Unilever đã thành lập “đội ACF” với chức năng là chuyên bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ các nhãn hàng của công ty trên cơ sở chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng, là một kinh nghiệm tốt.

Một thách thức nữa không thể không kể đến khi gia nhập TPP, đó là hiện nay tất cả các vi phạm SHTT tại Việt Nam vẫn đang xử lý bằng cách xử phạt hành chính, nhưng khi tham gia TPP thì phải xử lý hình sự.

Nhất là trong tình hình thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang sử dụng phần mềm không bản quyền, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý... tạo nên sự cạnh tranh không hợp pháp. Ông Lê Ngọc Lâm cho biết, để đối phó với điều này, doanh nghiệp cũng cần phải có hệ thống theo dõi hoặc nhờ luật sư theo dõi để tránh xảy ra việc xâm phạm quyền và xử lý xâm phạm quyền và phối hợp chặt chẽ với luật sư của mình trong mọi hoạt động từ hoạch định chiến lược phát triển cho đến các giải pháp cụ thể áp dụng cho từng vụ việc.

Ngay từ giai đoạn thu thập xử lý thông tin, thiết kế chiến lược cho đến triển khai chiến lược, doanh nghiệp cũng nên phối hợp và tranh thủ ý kiến tư vấn của luật sư. Vai trò của luật sư rất quan trọng, là xu thế chung ở các nước trên thế giới, nhưng dường như doanh nghiệp của ta còn chưa quen với việc này...

Rõ ràng, hiểu và thực thi quyền SHTT giúp doanh nghiệp có thể khai thác tối đa những lợi ích mà SHTT mang lại cho doanh nghiệp, cho cộng đồng.

Thực tế cho thấy, nhiều công ty, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã rất thành công và trở nên nổi tiếng nhờ khai thác hiệu quả quyền SHTT. Hiểu rõ về SHTT còn giúp doanh nghiệp tránh bị chế tài, không chỉ về tiền bạc mà còn cả khả năng bị truy tố hình sự khi xâm phạm quyền SHTT của người khác.