Đừng quá kỳ vọng VN-Index nâng hạng
Thông tin VN-Index của Việt Nam vừa được thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 (Secondary Emerging) của rổ chỉ số FTSE Russell giúp thị trường chứng khoán cuối tuần có những phiên giao dịch hưng phấn.
Đối với giới đầu tư chứng khoán, giấc mơ Việt Nam lọt vào các thị trường mới nổi của MSCI để sánh vai với các thị trường hàng đầu như Ấn Độ, Trung Quốc, Nga là điều có thật. Nó không chỉ khiến tên tuổi của VN-Index nổi tiếng hơn mà còn giúp thu hút được thêm hàng tỷ USD vốn đầu tư từ giới tài chính nước ngoài.
Hành động của FTSE thật ra cũng không mấy ngạc nghiên. Theo phân tích của công ty chứng khoán Bảo Việt, Việt Nam đã thỏa mãn được 8 trên 9 điều kiện tiên quyết để được nâng hạng và chỉ còn 1 điều kiện vẫn đang trong mức giới hạn (restricted).
“Khả năng nâng hạng chính thức của Việt Nam là khả thi khi do chính phủ đang khẩn trương gấp rút hoàn thiện Luật Chứng khoán sửa đổi với mục đích giúp Việt Nam được MSCI và FTSE nâng hạng lên nhóm các thị trường mới nổi”, Công ty chứng khoán Bảo Việt đánh giá lạc quan.
Nhưng, mọi thứ vẫn còn phải thận trọng. Lý do là theo tiêu chí của FTSE, kể cả khi một thị trường thỏa mãn cả 9 điều kiện kể trên thì vẫn phải nằm trong diện theo dõi ít nhất một năm. Trong quá khứ, đã có những quốc gia phải nằm trong danh sách Watchlist cập nhật thường xuyên lên đến hơn một năm như Ả - rập - Xê - út, thậm chí gần 9 năm như Kuwait. Ngay cả Trung Quốc có nhiều điểm trội hơn Việt Nam và được nâng hạng lần này nhưng đã phải nằm chờ trong danh sách theo dõi từ 2005.
Theo ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc điều hành AFA Research & Education Việt Nam đang có đầy đủ các điều kiện chín để các bảng xếp hạng quan tâm. FTSE, MSCI không thể bỏ qua một thị trường nhiều hàng hoá như ở Việt Nam khi quy mô thị trường đạt 70-80% GDP. Nhưng đó chỉ là điều kiện cần, các DN Việt Nam sẽ cần chứng minh nhiều thứ hơn nữa để hấp dẫn các tay chơi lớn một khi lên chơi ở thứ hạng cao hơn.
“Một quỹ đầu tư cỡ vừa, quản lý danh mục 2-4 tỷ đô (USD), sang Việt Nam, băn khoăn lớn nhất của họ vẫn là tôi bỏ tiền vào thì anh có sử dụng đúng mục đích đã cam kết không. Có minh bạch thông tin khi sử dụng tiền để đầu tư không, có những mâu thuẫn trong các quyết định sử dụng tiền không? Đấy là hàng loạt vấn đề cần thẩm tra trước khi quyết định xuống tiền, và nếu họ đã đồng ý thì thương vụ cũng sẽ nằm trong Term Sheet khi đạt thoả thuận mua lượng cổ phiếu lớn”, ông Phan Lê Thành Long nhận định.
Theo ông Long, điều tưởng như bình thường trong bất kỳ một thương vụ M&A nào với các quỹ lớn nước ngoài thì có vẻ như miễn cưỡng với ta. Vậy thế, vẫn là câu hỏi chúng ta có thực sự muốn hay không thôi? Muốn nâng hạng thì phải nâng cao được tính minh bạch, nâng cao được chất lượng quản trị. Còn không thì một chút điều kiện để được nâng hạng cũng khó.
“Chúng ta muốn có miếng bánh to hay cứ tranh nhau cái bánh nhỏ mãi. Các nhà môi giới, dân chơi chứng thích tự dưng có lượng tiền cực dồi dào đổ vào thị trường hay thích hô hào đánh đấm, nội gián hay làm giá mãi?”, ông Long nhận định.
Thật ra những hạn chế kể trên đã được phản ánh trong một thời gian dài và giờ là lúc tất cả phải hành động hướng tới một nền tảng thị trường tốt hơn, minh bạch hơn. “Có thể khi so sánh với các thị trường khác, Việt Nam sẽ mất ít thời gian hơn để nâng hạng chính thức nhưng điều này rõ ràng sẽ không diễn ra một sớm một chiều”, Quỹ đầu tư Turicum Investment Management nhận định.
Đối thủ của FTSE là MSCI trong đợt xem xét tháng 6 vừa qua đã không đưa Việt Nam vào danh sách WatchList với lý do tỷ trọng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài còn thấp, tỷ lệ cổ phiếu tự do trên thị trường còn giới hạn và cả yếu tố thiếu thông tin bằng tiếng Anh cho nhà đầu tư. Mặc dù về cơ bản, độ sâu của thị trường và mức thanh khoản hàng ngày đã đủ đáp ứng yêu cầu nâng hạng của MSCI.