Thúc đẩy tăng trưởng của khu vực châu Á:
Duy trì ổn định và ưu tiên cải cách thị trường tài chính
(Taichinh) - Theo báo cáo về triển vọng phát triển châu Á năm 2015 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các nước đang phát triển ở khu vực châu Á sẽ tăng trưởng vững chắc với tốc độ 6,3% trong năm 2015 và 2016, bằng tốc độ tăng trưởng năm 2014, nhờ các nền kinh tế công nghiệp lớn tiếp tục hồi phục và giá cả hàng hóa thế giới giảm.
Tuy nhiên, cần duy trì sự ổn định và ưu tiên cải cách hệ thống tài chính để giữ vững nhịp tăng trưởng, do sự đảo chiều đột ngột của giá dầu có thể phá vỡ triển vọng này.
Tăng trưởng vững chắc
Theo ADB, giá cả hàng hóa thế giới giảm và các nền kinh tế công nghiệp lớn phục hồi là hai yếu tố tạo đà tăng trưởng cho khu vực châu Á. Kinh tế Ấn Độ và phần lớn các nước thành viên ASEAN sẽ góp phần bù đắp cho sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc khi tốc độ tăng trưởng của quốc gia này được dự báo tiếp tục giảm xuống 7,2% trong năm 2015 và 7% năm 2016.
Mặc dù vậy, các chuyên gia của ADB cho rằng, kể từ khi xảy ra khủng hoảng đến nay, các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á vẫn luôn là động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Thậm chí từ đáy của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, các nước đang phát triển khu vực châu Á vẫn đóng góp 2,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP toàn cầu, tương đương gần 60% tốc độ tăng trưởng 4%/năm của kinh tế thế giới.
Các chuyên gia kinh tế ADB cho rằng, giá hàng hóa thế giới giảm sẽ hạ bớt áp lực giá đối với các mặt hàng tiêu dùng, từ đó giúp kiềm chế lạm phát tại khu vực này. Mặt khác, chính phủ cũng có cơ hội cắt giảm trợ cấp giá nhiên liệu để tập trung đẩy mạnh cải cách cơ cấu nền kinh tế.
Dự báo, lạm phát tại các nền kinh tế châu Á đang phát triển sẽ giảm từ 3,1% trong năm 2014 xuống 2,6% trong năm 2015 trước khi tăng trở lại 3% vào năm 2016. Lạm phát thấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi để chính phủ các nước thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Đà phục hồi mạnh mẽ của các nền kinh tế công nghiệp lớn như Mỹ và Anh sẽ là bàn đạp để thúc đẩy các hoạt động kinh tế tại khu vực châu Á đang phát triển. Thêm vào đó, giá dầu thấp cùng với việc thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng của châu Âu và Nhật Bản cũng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng ở các thị trường này.
ADB dự báo, khối các nền kinh tế công nghiệp lớn sẽ tăng trưởng 2,2% trong năm 2015 và 2,4% năm 2016. Trong khi các nền kinh tế châu Á đang phát triển giữ vững đà tăng trưởng thì những tiểu vùng khác tại châu Á lại diễn biến theo những xu hướng khác nhau. Cụ thể:
Tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Á sẽ chậm lại, giảm từ 6,6% năm 2014 xuống 6,5% trong năm 2015 và tiếp tục giảm xuống 6,3% năm 2016 do Trung Quốc điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế về mặt bằng bình thường mới, ở mức 7,2% trong năm 2015 và 7% năm 2016. Lạm phát của khu vực Đông Á cũng sẽ được giữ ở mức thấp, dự báo giảm xuống 1,7% trong năm 2015 trước khi tăng lên 2,2% vào năm 2016.
Tăng trưởng kinh tế của khu vực Trung Á được dự báo tiếp tục giảm xuống 3,5% trong năm 2015. Tuy nhiên, sang năm 2016, khi kinh tế Nga dần phục hồi, tốc độ tăng trưởng của Trung Á dự báo sẽ tăng lên 4,5%. Trong khi đó, lạm phát ở Trung Á dự báo sẽ tăng mạnh lên 6,7% trong năm 2015 do đồng nội tệ của các nước trong khu vực này (trừ Kazakhstan) suy yếu theo đồng ruble của Nga và giảm nhẹ xuống 6,6% trong năm 2016.
Kinh tế của khu vực Nam Á sẽ tăng trưởng vững chắc khi tiến trình cải cách chính sách kinh tế đạt hiệu quả, dự báo tăng lên 7,2% trong năm 2015 và đạt 7,6% năm 2016. Trong đó, kinh tế Ấn Độ vẫn sẽ là tiêu điểm tăng trưởng của khu vực Nam Á với dự báo mức tăng ấn tượng 8% trong năm 2015, sau đó tiếp tục tăng lên 8,2% năm 2016. Đồng thời, khu vực này cũng được hưởng lợi lớn do giá hàng hóa thấp với tỷ lệ lạm phát dự báo ở mức trung bình 5,1% trong năm 2015 và 5,6% năm 2016.
Trong khi đó, khu vực Đông Nam Á sẽ phục hồi tăng trưởng trong năm 2015 sau 2 năm liên tiếp tăng trưởng chậm. ADB dự báo, GDP chung của 10 nước ASEAN sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm 2015 và 5,3% năm 2016 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Indonesia và Thái Lan. Tỷ lệ lạm phát của khu vực này trong giai đoạn 2015 - 2016 sẽ duy trì ở mức 3,1%, thấp hơn 4,1% của năm 2014, do giá dầu và giá hàng hóa thế giới giảm.
Cẩn trọng với giá dầu đảo chiều
ADB nhận định, giá dầu thấp là một lợi thế cho sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và tạo đà cho tăng trưởng ở châu Á. Ngoài kích thích tăng trưởng kinh tế, giá dầu giảm cũng làm giảm tốc độ lạm phát, qua đó tạo dư địa hạ thấp lãi suất và tiếp tục kích thích hoạt động sản xuất - kinh doanh toàn cầu.
Tuy nhiên, giá dầu tăng có thể làm đảo lộn triển vọng tăng trưởng ổn định của châu Á. Các phép mô phỏng bằng mô hình kinh tế lượng cho thấy, tác động của việc giá dầu tăng mạnh trở lại đối với châu Á sẽ mạnh hơn đối với những khu vực khác. Theo đó, nếu giá dầu tăng trở lại lên 100 USD/thùng trong vòng một năm tới, thì tăng trưởng ở châu Á có thể giảm đến 1 điểm phần trăm trong năm 2016.
Ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế của ADB cho rằng, tác động tức thời của sự thay đổi giá dầu đến chỉ số giá tiêu dùng là khá nhỏ ở tất cả các nền kinh tế trong khu vực. Tuy nhiên, đối với Thái Lan là lớn nhất, khi giá dầu thô giảm 10% sẽ làm lạm phát giảm gần 0,2 điểm phần trăm sau một tháng. Còn đối với những nền kinh tế, nơi giá dầu bán cho người tiêu dùng chưa được quyết định hoàn toàn bởi cơ chế thị trường, thì tác động này sẽ thấp hơn.
Tương tự với kịch bản giá dầu đảo chiều, mặc dù dòng vốn đang đổ vào khu vực châu Á tăng lên đã giúp cải thiện thanh khoản trong khu vực, song ADB kiến nghị, các nhà hoạch định chính sách cần thận trọng kiểm soát tình hình tăng trưởng tín dụng để đảm bảo không rơi vào tình trạng vay nợ quá nhiều và “bong bóng” giá cả trên thị trường tài sản.
Châu Á có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Từ năm 2009 đến 2013, các khoản vay ngân hàng và trái phiếu tăng nhanh ở 14 nền kinh tế đang phát triển lớn nhất châu Á đã làm cho số nợ trong nước của các quốc gia này tăng gần gấp đôi, từ 18.300 tỷ USD lên 34.100 tỷ USD.
Chính điều này đang tiềm ẩn nguy cơ rủi ro khủng hoảng tài chính cho nền kinh tế khu vực châu Á. Thêm vào đó, khi tín dụng tăng quá nhanh, thì các chuẩn mực cho vay có thể bị hạ thấp, có nguy cơ dẫn đến vay nợ quá mức và hình thành “bong bóng” giá tài sản. Vì thế, các nước đang phát triển ở khu vực châu Á cần có một hệ thống tài chính sâu, vững mạnh để đảm bảo duy trì tăng trưởng.
Theo ADB, các nước đang phát triển ở khu vực châu Á được đánh giá là có thị trường tài chính phát triển ở bậc cao hơn so với khu vực châu Mỹ La-tinh. Tuy nhiên, mức lãi suất trên thị trường vốn tại khu vực châu Á vẫn tương đối cao và việc tiếp cận nguồn vốn còn gặp nhiều khó khăn.
Điều này sẽ trở thành lực cản đối với tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á trong tương lai. Do vậy, ADB khuyến cáo, trong thời gian tới, các quốc gia đang phát triển ở khu vực châu Á cần duy trì sự ổn định và ưu tiên cải cách mạnh mẽ thị trường tài chính để giữ nhịp tăng trưởng cao và bền vững.